Học tập đạo đức HCM

Trang trại chanh lớn nhất Việt Nam được đầu tư bao nhiêu tiền?

Thứ bảy - 01/04/2017 22:05
Đầu tư hơn 150 tỷ đồng để mua 100ha đất trồng chanh ngay vùng đất phèn Long An, Công ty Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (Công ty Chanh Việt) đang sở hữu cánh đồng chanh không hạt quy mô lớn nhất nước. Từ cánh đồng này, những trái chanh tươi đã vượt biển xuất sang châu Âu...

trang trai chanh lon nhat viet nam duoc dau tu bao nhieu tien? hinh anh 1

Trang trại Chanh Việt rộng 100ha tại Long An

Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Long An trồng khoảng 7.000ha chanh, chiếm sản lượng 1/6 so với cả nước. Huyện Bến Lức được coi là “thủ phủ chanh” của Long An và của cả vùng ĐBSCL khi hơn một nửa diện tích chanh Long An được trồng tại huyện này. Tại Bến Lức, trang trại chanh rộng 100ha của kỹ sư Nguyễn Văn Hiển - Công ty Chanh Việt và các cộng sự được coi là lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.

Bỏ triệu đô trồng chanh xuất khẩu

Giữa vùng đất bạt ngàn tràm gió và cỏ năng do nước phèn là những con đường bê tông chạy dọc vào những luống chanh đang cho trái xum xuê. Hệ thống tưới hiện đại dẫn nước tưới nhỏ giọt đến từng gốc. Chủ tịch HĐQT Công ty Chanh Việt - anh Nguyễn Văn Hiển cho biết, anh là kỹ sư, nhưng là kỹ sư xây dựng, chưa ngày nào học nông nghiệp qua trường lớp. Hiện anh vẫn là Giám đốc một công ty xây dựng ở TP.HCM, hằng ngày cứ chạy tới chạy lui Long An – TP.HCM để vừa đôn đốc các công trình, vừa thăm trại chanh.

Gốc nông dân miền Trung, lại làm xây dựng, nhưng anh Hiển vẫn “mơ” làm nông nghiệp công nghệ cao. Có tiền, anh mua đất nông nghiệp ở Long An “để dành”. Năm 2012, anh cùng cộng sự trồng thí điểm 20ha chanh tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức. Đất chua phèn là điều kiện thổ nhưỡng tương đối thích hợp đối với chanh không hạt có tên khoa học là Limca, nguồn gốc từ California (Hoa Kỳ).

“Bến Lức trồng chanh nhiều, nhưng đất tôi mua ở vị trí toàn tràm và cây khóm, điện chưa có. Tôi kéo điện 3 pha, đầu tư đường dây hơn 4km để phục vụ sản xuất. Chi phí cho điện khoảng 3 tỷ đồng. Người dân vui lây vì điện rất mạnh, ai có nhu cầu thì tôi cho lắp đồng hồ, cùng sử dụng phục vụ sản xuất. Ngoài ra, hệ thống tưới tự động cũng rất tốn kém. Cho đến thời điểm này, khi chanh đang trồng là 100ha thì đầu tư hệ thống tưới cũng khoảng 5 tỷ đồng. Vừa tiền đất, vừa hệ thống điện, nước, kho lạnh, nhà máy chế biến, tổng mức đầu tư của Công ty Chanh Việt cũng tròm trèm con số 7 triệu đô la Mỹ”, anh Hiển nói.

Trồng thí điểm, năng suất Chanh Việt đạt trên dưới 20 tấn/ha. Hiện Chanh Việt đang trồng theo chuẩn Global GAP hơn 10ha. Diện tích còn lại, đều trồng theo chuẩn sạch, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhìn tới nhìn lui thì thấy trồng chanh chất lượng cao mà bán hàng chợ thì không có lời. Chanh tứ quý, trái quanh năm, có thời điểm hơn 30 đồng/kg nhưng cũng có thời điểm chỉ có 5.000 - 7.000 đồng/kg.

“Chúng tôi trồng chanh và xác định không cạnh tranh với nông dân. Tránh sa lầy tại thị trường nội địa, Chanh Việt tìm đường xuất khẩu. Thay vì tiếp cận một số thị trường được xem là khá dễ dãi ở khu vực châu Á hay Trung Đông, Chanh Việt định hướng châu Âu. Thị trường này đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao, buộc doanh nghiệp phải đầu tư bài bản. Khát vọng đi xa nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học và đã mang đến cho Chanh Việt những vị ngọt đầu tiên. Thông qua hai đối tác xuất khẩu, chanh tươi đã xuất sang Hà Lan, mỗi tháng 3 - 4 tấn”, anh Hiển chia sẻ.

Hết thời vắt chanh bỏ vỏ

Dẫn chúng tôi đi thăm kho lạnh được xây dựng trong khuôn viên trang trại, anh Hiển nói: “Được mùa nhưng mất giá là một trong những bi kịch của sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Hệ thống kho lạnh giúp doanh nghiệp không bị động khi cung vượt cầu. Tôi đã đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu cải tiến giống, nhằm nối dài thời gian bảo quản chanh trái trong kho lạnh. Đây là phương tiện hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp bắt đúng điểm rơi thị trường…”.

Tuy xuất ngoại thành công nhưng thực tế thị trường nhập khẩu chỉ chấp nhận chanh loại 1, chiếm khoảng 40% sản lượng. Hơn 60% còn lại buộc phải bán trong nước với giá thấp. Thế là anh Hiển và các cộng sự lại tiếp tục chế biến sâu nhằm nâng cao chuỗi giá trị. Vỏ chanh chưng cất thành tinh dầu, tiếp cận các hãng dược phẩm. Phần ruột rút lấy nước cốt, cô đặc thành bột chanh. Đây là nguyên liệu đầu vào sản xuất muối chanh, nước giải khát đóng lon. “Cứ 3,5 - 4kg chanh tươi thì được 1kg nước cốt chanh. Phần vỏ chanh sẽ được lấy tinh dầu; phần bã còn lại phía Hàn Quốc đặt vấn đề sấy khô họ sẽ mua nhưng chúng tôi thấy số lượng chưa lớn nên chưa bán. Còn bột chanh, khoảng 50kg chanh tươi sẽ cho ra 1kg bột chanh.

Hiện Chanh Việt đang bán khá tốt tại thị trường Việt Nam các sản phẩm như nước chanh nha đam mật ong đóng lon, muối tiêu chanh, muối ớt xanh chanh, muối ớt đỏ chanh, vỏ chanh sấy, lá chanh sấy, lát chanh sấy... Từ cây chanh, không có thứ gì rơi rớt, đều là tiền cả”, anh Hiển cho biết thêm.

Làm nông cho đỡ nhớ quê

Tâm sự vì sao lại về vùng đất phèn Long An làm nông nghiệp, anh Hiển trầm ngâm kể: “Tôi sinh ra ở mảnh đất miền Trung nghèo khó, thuộc xã miền núi huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Lớn lên từ gánh rau của mẹ và những giọt mồ hôi ngoài đồng của ba. Tôi còn nhớ như in những bữa cơm chẳng có mấy hạt cơm mà toàn khoai, sắn, bắp và mít khô ăn cùng duy nhất một món: mắm cái – đặt sản miền Trung quê tôi... Nhà nghèo, có lần tôi bị viêm ruột thừa, phải đưa ra Đà Nẵng mổ cấp cứu mà nhà không có tiền, ba mẹ tôi đành phải đi xin quanh bệnh viện để lo chạy chữa cho tôi… Thế rồi anh em chúng tôi cũng vào được giảng đường đại học. Ngày ba tôi mất, anh em tôi học ở Sài Gòn tiền không có, phải đi bộ hơn 30 cây số và khi về đến nhà thì đã an táng xong...

Để phục vụ sản xuất, Công ty Chanh Việt có 4 tiến sĩ hỗ trợ tại trang trại và nhà máy. Ngoài ra, có 10 người là kỹ sư nông nghiệp, thạc sĩ công nghệ thực phẩm trực tiếp sản xuất cùng công nhân. Lao động cơ hữu của Chanh Việt khoảng 30 người, khi vào mùa thu hoạch trái, lao động thời vụ khoảng 100 người.

 trang trai chanh lon nhat viet nam duoc dau tu bao nhieu tien? hinh anh 2

Anh Nguyễn Văn Hiển - chủ trang trại chanh lớn nhất Việt Nam.

Thời gian cứ mãi trôi, cái nghèo khó bắt buộc anh em chúng tôi phải vươn lên. Ra trường, chưa xin được việc tôi chấp nhận đi làm công nhân, vừa làm vừa học tiếp sau đại học. Rồi tôi cũng xin vào được công ty nhà nước làm về lĩnh vực xây dựng. Sau đó tôi mở công ty riêng. Dần dần cùng với cái tính cần cù, chịu khó của những người con miền Trung và sự quyết tâm, giúp đỡ của các anh em kỹ sư, công nhân, công ty chúng tôi mỗi ngày một lớn mạnh hơn.

Khi tôi đã đứng vững trên những công trình xây dựng cao ngút, ngắm bầu trời xanh vời vợi, tôi lại thấy nhớ quê, thèm thả hồn bay theo đàn cò trắng chiều hôm, thèm mùi cỏ, mùi bùn, mùi đường mật trong lò phần phật lửa. Nhớ hình ảnh ba mẹ vác cuốc ngoài đồng về, áo ước đẫm mồ hôi, nỗi cơ cực không thể giấu qua từng nếp nhăn quanh khóe mắt…

 

Tôi ước muốn làm một việc gì đó gắn liền với đồng quê. Và vài lần ngồi trà dư tửu hậu, những ông bạn trong lĩnh vực xây dựng sẻ chia cùng nhau ý tưởng “bỏ phố ra đồng” rủ nhau đi xem đất ở Thạnh Lợi, Bến Lức, Long An. Cái duyên nghề nông nó lại bắt đầu từ đó”.

Để phục vụ sản xuất, Công ty Chanh Việt có 4 tiến sĩ hỗ trợ tại trang trại và nhà máy. Ngoài ra, có 10 người là kỹ sư nông nghiệp, thạc sĩ công nghệ thực phẩm trực tiếp sản xuất cùng công nhân. Lao động cơ hữu của Chanh Việt khoảng 30 người, khi vào mùa thu hoạch trái, lao động thời vụ khoảng 100 người.


Theo: Hưu Danh/danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập201
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại927,365
  • Tổng lượt truy cập92,101,094
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây