TS Hoàng Ngọc Phong, PGĐ Trung tâm tư vấn phát triển kinh tế, Hội khoa học kinh tế VN đã đặt câu hỏi như vậy tại hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Cần Thơ.
Nên giảm diện tích trồng lúa
Ông Long cho biết, ĐBSCL đóng góp khoảng 18% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với 90% lượng gạo xuất khẩu, gần 60% xuất khẩu thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải trả giá do những hệ lụy từ khai thác của con người và của các quy hoạch “trái tự nhiên”.
Tình hình mới đòi hỏi phải thích ứng chuyển đổi mô hình, tìm hướng ra cho vùng ĐBSCL. Trong đó nhấn mạnh việc đổi mới tư duy, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp.
“Tại sao chúng ta phải giữ trọng trách nặng nề để đảm bảo an ninh lương thực, trong khi ai cũng biết trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu”, ông Phong đặt vấn đề.
Ông cũng đặt câu hỏi tại sao chúng ta phải trồng những giống lúa chất lượng thấp để rồi đem xuất khẩu với giá rẻ trong hơn 1/4 thế kỷ qua và say sưa với vị trí số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu gạo?
Ông cho rằng, ĐBSCL chỉ cần đảm bảo nước ngọt cho hơn 1 triệu ha chuyên canh lúa năng suất cao, chất lượng cao là thừa thãi lắm rồi.
“Việt Nam nói chung và ĐBSLC nói riêng cần thay đổi về tư duy an ninh lương thực, về làm nông nghiệp là cứ phải tập trung làm lúa gạo. Thay vào đó nên hướng đến nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị cao. Nên giảm diện tích đất canh tác lúa ở mức hợp lý, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu với giá rẻ, vì nông dân không có lãi và Nhà nước lại phải đầu tư lớn”, ông Phong phân tích.
Khi đó, việc đảm bảo nước ngọt cho 1 triệu ha chuyên canh lúa năng suất cao sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều việc cố cứu thêm 500.000 ha đất nhiễm mặn.
TS Phong cũng cho rằng ĐBSCL nên thích ứng thay vì đối phó với hạn mặn.
“Thực tế đã chứng minh, nhiều địa phương ở các vùng ngập mặn đã thay đổi cơ cấu sản xuất từ 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm/cá và thích nghi tốt với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo đời sống người dân mà không tốn quá nhiều chi phí đầu tư ngăn mặn”, ông dẫn chứng.
Nếu thích nghi với tự nhiên dễ dàng hơn so với làm trái tự nhiên thì tại sao lại không làm?
Đừng ham dư 8-9 triệu tấn gạo
Bên lề hội nghị, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp VN và quốc tế chia sẻ nhiều trăn trở quanh tình trạng sụt lún tại ĐBSCL.
Khu vực này mỗi năm đang lún 1-3cm, nguyên nhân do người dân sử dụng nước ngầm quá mức. Các tỉnh ven biển dùng nước ngầm bơm lên ruộng lúa. Trong khi mỗi tấn nông sản cần tới 4.500 lít nước. Do đó nên ưu tiên sản xuất cái nào tốn ít nước.
GS Võ Tòng Xuân |
"Cả nước chỉ cần khoảng 18 triệu tấn gạo. Trồng lúa giờ không nên ưu tiên nữa, chỉ trồng đủ ăn và dư ra 2 triệu tấn gạo là vừa, đừng ham dư 8-9 triệu tấn, vừa tốn nước vừa tốn tiền bơm nhưng tiền không được bao nhiêu", GS Xuân nói.
Theo GS Xuân, để đảm bảo an ninh lương thực, ĐBSCL chỉ cần trồng 1,5 triệu ha lúa/2,1 triệu ha, đồng thời giảm từ 3 vụ xuống còn 2 vụ.
"Làm lúa càng nhiều thì càng dư gạo, mà dư gạo thì giá sụt giảm, nông dân không có lời", GS Xuân nhấn mạnh.
Ông đánh giá, nhiều năm nay, mọi lãnh đạo đều lúng túng trong vấn đề chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL, không biết phải phá vỡ quán tính trồng lúa như thế nào.
Quy hoạch vùng nông nghiệp thường là duy ý chí, thay vì theo nhu cầu thị trường, do đó bản đồ quy hoạch thường là để trang trí hơn là sử dụng.
Đặc biệt, điểm yếu trong quy hoạch là riêng lẻ từng ngành, không có tích hợp, ngành nào cũng làm quy hoạch và cho rằng quy hoạch của mình là quan trọng nhất. Rất tốn kém, nhưng cuối cùng vẫn khó hoặc không thực hiện được.
GS đề xuất, trong điều kiện biến đổi khí hậu, ĐBSCL vẫn phải coi nông nghiệp là mũi nhọn nhưng tổ chức sản xuất “mềm”, thoát ly chỉ cho sản xuất lúa và tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ. Trong đó quá trình chọn cây gì, con gì cần thiết để DN tham gia ngay từ đầu.
Đồng thời Nhà nước và DN cùng quy hoạch vùng theo nguyên tắc nới rộng hạn điền vì chừng nào còn để nông dân làm ăn cá thể, đất manh mún, tự do nuôi trồng, chừng đó nông dân vẫn nghèo muôn thuở.
Thúy Hạnh
vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã