Cánh đồng rau tập trung tại xã An Thọ.
Mô hình trồng rau hiệu quả
Nhìn đồng rau xanh mướt, những luống rau đều tăm tắp, hẳn ai cũng vui mừng về hiệu quả của mô hình sản xuất rau an toàn nơi đây. Được biết, xã An Thọ đã dành 4,5ha để triển khai mô hình trồng rau an toàn từ vài năm trước, hiện đang rất thành công.
Ông Nguyễn Duy Nhiêu, Chủ tịch UBND xã, bộc bạch: Việc tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp hay HTX thuê trồng rau tập trung không chỉ mang lại hiệu quả trong việc sử dụng đất công ích, mang tới nguồn thu ổn định cho địa phương mà còn tạo nên làn sóng tốt để bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn sản xuất rau an toàn. Từ khi vùng rau An Thọ được nhiều người biết tới, việc tiêu thụ rau của bà con khá thuận lợi, rau An Thọ đã được đưa vào các siêu thị, bếp ăn tập thể và đã chiếm được tình cảm của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Nhờ mô hình này, nhiều nông dân có việc làm ổn định, thu nhập không ngừng tăng; bên cạnh đó, bà con địa phương đã mở rộng thêm 7ha trồng rau nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với rau an toàn An Thọ.
Xây dựng nông thôn mới, tiếp nối thành công
Khi mới triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, An Thọ mới đạt 9 tiêu chí; các tiêu chí khó, cần tới nguồn kinh phí lớn thì cơ bản vẫn bằng không ở thời điểm rà soát. Tuy nhiên, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân trên địa bàn, An Thọ đã từng bước vươn lên. Đến hết năm 2016, xã đã đạt 15/19 tiêu chí; 4 tiêu chí còn lại cũng sắp hoàn thành, gồm: tiêu chí giao thông (số 2), tiêu chí thủy lợi (số 3), tiêu chí trường học (số 5) và tiêu chí cơ sở vật chất nhà văn hóa (số 6).
Chia sẻ về thành công và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Nhiêu vui vẻ cho biết: “Ban đầu triển khai, chúng tôi luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền; trong các cuộc họp, chúng tôi coi trọng phương án tập trung dân chủ, đề cao phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra... Bên cạnh đó, nhờ vào thành công từ mô hình trồng rau an toàn mà chính quyền đã định hướng, triển khai từ vài năm trước nên mọi việc khi chỉ đạo chúng tôi luôn nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân. Nổi bật nhất là sự ủng hộ của người dân về việc triển khai tiêu chí môi trường. Bà con sẵn sàng đóng tiền để chi trả cho việc thu gom rác (trước đây đóng 5.000 đồng/khẩu, nay tăng lên 6.000 đồng/khẩu); tích cực tham gia vào đội thu gom rác cho dù thu nhập không cao (chỉ 100.000 đồng/ngày công)... Đến nay, chúng tôi đã thành lập được 10 tổ thu gom rác thải hoạt động đều đặn và đầy trách nhiệm; mỗi tuần thu gom 2 lần, sáng gom, chiều chuyển đi; nhờ đó môi trường nông thôn luôn sạch sẽ.
Hiện, An Thọ có 90% hộ dân dùng nước máy, số hộ còn lại đều dùng nước đảm bảo vệ sinh; các hạng mục khác trong tiêu chí môi trường (số 17) đều đạt và vượt quy định đề ra”.
Thực sự, nông thôn mới của An Thọ đang khá vững chắc; mô hình trồng rau an toàn tiếp tục là đòn bẩy đưa kinh tế của địa phương đi lên; môi trường sống xanh, sạch. Sẽ tốt hơn nếu có sự giúp đỡ kịp thời, ưu tiên của cấp trên cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của An Thọ, giúp xã cán đích trong năm 2017, để các mô hình kinh tế, mô hình xây dựng quê hương nơi đây tiếp tục được hoàn thiện.
Theo: Đình Hợi/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;