Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh về quy mô; năng lực sản xuất hàng xuất khẩu không ngừng được mở rộng, tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu.
Chưa bền vững
Những nỗ lực của chính phủ, các Bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch đang góp phần khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh trong nước cũng sẽ tạo động lực xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt các vấn đề bất cập liên quan đến xuất khẩu cần được chỉ ra.
Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu đơn hàng lớn. |
Ở lĩnh vực xuất khẩu nông sản, ông Đoàn Anh Tuân, Công ty chè Thế hệ mới cho biết, trở ngại đến từ chính doanh nghiệp do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô rất nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói hiện đại.
“Các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm chiến lược. Tư duy làm kinh tế chủ yếu là cải thiện kinh tế gia đình, chạy theo số lượng mà chưa chú trọng xây dựng thương hiệu. Các doanh nghiệp chưa có cái nhìn toàn cầu hóa, không hiểu hết hệ thống phân phối, văn hóa tiêu dùng của nước nhập khẩu. Cùng với đó, kiến thức về quản lý sản xuất, thương hiệu, luật pháp nước nhập khẩu còn rất hạn chế”, ông Tuân nêu hạn chế.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để hướng tới xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới, cần có nhiều giải pháp trọng tâm như thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần hợp tác, đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường và đổi mới thông tin thị trường; cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính.
Cần có gói cải cách toàn diện
Theo các chuyên gia kinh tế, để xuất khẩu tăng trưởng cao và bền vững, Nhà nước cần xây dựng hình ảnh, định vị một số ngành hàng có thế mạnh của đất nước. Bởi hiện nay, Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng mới chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn cuối cùng nên giá trị gia tăng (GTGT) thấp và kết nối trong nước yếu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ: Hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp có GTGT thấp. Hoặc là phải đa dạng hóa và vươn lên trong chuỗi cung ứng ở công đoạn đem lại GTGT cao hơn.
Nhưng trở ngại lớn, theo bà Lan, là dư địa dành cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước không nhiều, lại thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ và khó tiếp cận tài chính.
Chính vì vậy, bà Lan cho rằng, việc tăng cường năng lực cạnh tranh trong nước rất quan trọng để đem lại tác động lan tỏa, vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn vậy, Nhà nước phải có gói cải cách toàn diện theo chiều ngang và dọc ở các ngành cụ thể, triển khai theo một nghị trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh.
“Khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động là yếu tố chính để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy vấn đề quan trọng là cần tăng liên kết trong nước với nước ngoài, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào trong nước”, bà Lan chỉ rõ.
Còn theo ông Đoàn Anh Tuân, để hướng tới xuất khẩu bền vững, Nhà nước phải có chính sách thuế phù hợp, ưu đãi các doanh nghiệp mở hệ thống phân phối tại nước ngoài, đầu tư xây dựng hình ảnh đất nước thông qua sản phẩm. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần khuyến khích Kiều bào tích cực phân phối hàng Việt Nam tại nước ngoài…/.
Xuất khẩu 60.000 bánh Trung thu Việt Nam sang Mỹ
Xuất khẩu nông sản vào EU và Nhật Bản: Bỏ tư duy “bắt cá nhỏ”
Xuất khẩu nông sản vào EU và Nhật Bản: Lượng nhiều, giá trị vẫn ít