Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn mới - Bài 6: Chuyện bây giờ mới kể

Thứ sáu - 18/04/2014 05:52
Hành trình thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới của những cán bộ cơ sở thật gian nan. Nhiều chủ trương, chính sách, cán bộ chưa thấm, chưa nhuần nhuyễn; cán bộ nói dân không nghe, phản ứng là chuyện bình thường. Thậm chí có cán bộ còn bị dân "cấm cửa", thế nhưng những cánh cửa khó nhất, nặng nề nhất ấy rồi cũng dần được mở ra.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung (bên phải), Phó chủ tịch Hội LHPN xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đang lắng nghe tâm tình của một chủ cơ sở hợp tác sản xuất

CUỐN NHẬT KÝ… LÀM THÂN

Anh Mai Văn Nhắc, cán bộ khuyến nông của xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM kể: “Ban đầu khi mời tham gia dự án, vào tổ hợp tác, nhiều lão nông cự nự: “Tôi không có vô tập đoàn à nha, vô rồi mai mốt mấy ông trưng thu đất đai, vườn tược của tôi hết là mệt lắm…”. Nhiều câu hỏi đầy thách thức kiểu như: “Tôi sử dụng thuốc rầy, thuốc diệt cỏ lâu rồi, giờ trồng rau sạch, “việt gáp, việt ghiếc” ai đảm bảo chắc ăn? Cán bộ bao tiêu đầu ra mà có dám bảo đảm sản lượng không?”, “Biểu tôi làm mô hình mà cho dân xung quanh đây phân lô, bán đất cất nhà gần sát bên, mai mốt người mới về, họ kiện tôi chăn nuôi mất vệ sinh, cán bộ có “chịu trận” giúp không?”, “Nuôi cá kiểng, trồng lan mà thành triệu phú được à? Sao mấy ông không giỏi làm trước đi”… Dân đang hồ nghi, chia sẻ để dân hiểu là chuyện chẳng chút dễ dàng. Thế là chúng tôi bắt đầu chia nhỏ đoàn, ghé thăm dân theo kiểu... làm thân”.

Sau thời gian dài trao đổi, nông dân mới chịu làm theo “khuyến nông hướng dẫn”. Anh Nhắc vui vẻ kể: “Sau khi làm mô hình trình diễn thành công, mấy vị nông dân nhà mình mới thú thiệt họ không dám vào tổ hợp tác vì không biết viết nhật ký sản xuất. Quả thật, giở sổ nhật ký của mấy chú ra toàn trống trơn, có ông gãi đầu phân bua: “Tại tui… không biết chữ!”. Rất nhiều ông chung cảnh: bữa xịt thuốc, bón phân thì ghi đủ, nhưng tới bữa thu hoạch, là bữa quan trọng nhất lại không chịu điền sản lượng và ngày tháng vào, hỏi tới thì nói tỉnh rụi: “Tại mắc hái suốt, đâu có rảnh mà ghi”… Thế là cán bộ khuyến nông phải tập huấn cho cả con, cháu của các lão nông để có người làm giúp nhật ký”. Nhờ mấy cuốn nhật ký đó mà nông dân gần gũi hơn với cán bộ khuyến nông, anh Nhắc thành người thân của nhiều gia đình...

“BÍ QUYẾT” CỦA VỊ PHÓ CHỦ TỊCH XÃ

Năm 2009, Tân Nhựt là xã duy nhất của huyện Bình Chánh được UBND TP.HCM chọn làm thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới. Những công tác như lập dự án, thiết kế việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng tuy là nhiệm vụ cơ bản, đầu tiên và quan trọng nhất, nhưng đó chưa phải là khâu khó khăn. Cái khó nhất nằm ở chỗ vận động dân hiểu để cùng thực hiện những thiết kế quy hoạch, xây dựng đã được phê duyệt. Trong đó, việc vận động dân hiến đất cho các công trình phúc lợi là một bài toán khá đau đầu cho chính quyền xã Tân Nhựt.

Một lớp khuyến nông tổ chức ở nhà dân tại xã Tân Nhựt

Ông Mai Ngươn Khánh - Phó chủ tịch UBND xã Tân Nhựt kể: “Đó là chuỗi ngày không thể nào quên. Có nhiều ngày vui, hai ba tổ công tác cùng báo tin vận động được dân cho năm trăm đến cả ngàn mét vuông đất làm đường, làm sân chơi… Nhưng cũng đã có không ít ngày tháng tổ dự án hăng hái lên đường và lầm lũi trở về...”.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông Khánh là lần vận động dân hiến đất, góp công xây dựng sân chơi liên xã (giáp ranh ba xã Tân Nhựt, Bình Lợi và Phạm Văn Hai). Kinh phí làm sân chơi do Thành đoàn hỗ trợ, một sân chơi quy mô có sân bóng chuyền, điểm giải trí các loại hình ra đời. Duy chỉ có điều khi làm công trình, mọi người phải ra vào con đường hẹp chỉ hơn nửa mét. Vị chủ đất kiên quyết: “Không cho là không cho, đừng có xin xỏ gì ráo trọi”.

Dù đã trăn trở, đi lại vận động rất nhiều lần để xin mở lối đi này, nhưng cái đêm làm ông Khánh thao thức nhất là sau khi dự lễ khánh thành sân chơi về. Hôm sau, hết giờ làm việc, ông Khánh không về nhà mà chạy thẳng xe vào nhà ông Huỳnh Minh Tâm, người chủ mảnh đất sát lối vào sân chơi ấy. Ông Tâm lại tưởng ông Khánh vô năn nỉ tiếp, quày quả bỏ ra nhà sau, toan ngồi nhậu thì ông Khánh chạy theo, xin nhậu với chú một chầu.

Thế rồi chiều nào ông Khánh cũng chạy tới nhà ông Tâm xin ông cho uống “ké” một hai ly, chăm chú nghe ông kể chuyện thời trai trẻ… Cả nửa tháng liền như vậy, một buổi chiều, ông Tâm hỏi: “Mầy muốn gì, nói thẳng tao nghe”. Ông Khánh gãi tai: “Dạ, cháu thích chú thì chơi với chú…”. Ông Tâm nghe xong, cười lớn: “Tao đi guốc trong bụng mầy… Thôi, được rồi, mầy kêu anh em xuống đo đất làm đường đi…”. Con đường vào sân chơi liên xã được đổ bê tông, bề ngang rộng hơn 6m được hình thành ngay tuần sau đó.

MƯA DẦM THẤM LÂU

Bà Hồ Thị Ái - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ, TP.HCM nói vẻ rất tự hào: “Lần đầu bắt tay xây dựng mô hình nông thôn mới, các xã tiên phong như Lý Nhơn gặp không ít khó khăn. Đụng đến đất đai, nhà cửa là đụng đến “sinh mạng” của dân. Vì vậy, không chỉ phải khéo léo, mềm dẻo, mà cái cốt lõi nhất là nói đúng chủ trương và phải bền bỉ, kiên trì”. Bà Ái mỉm cười: “Nói vậy cũng hơi chủ quan, dù khá vững trong công tác vận động dân ủng hộ và thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhưng khi bắt tay vào một việc có vẻ “thuận tay” của mình là đào tạo nghề cho phụ nữ thì cán bộ phụ nữ của Cần Giờ bị… dội. Nhiều phụ nữ được vận động học nghề tuyên bố thẳng: “Học nghề làm gì cho mệt, công việc bao đời nay bắt ốc, mò cua làm còn chưa xong, bày vẽ chuyện học nghề”.

Cái khó không thể cản bước các chị, bởi các chị, đều biết mình có thế mạnh hơn các hội đoàn khác vì ngoài chủ trương chung về xây dựng nông thôn mới, Hội còn có đề án xây dựng gia đình “năm không ba sạch”, và nếu chỉ cần đạt được đề án đặc trưng này của Hội, mỗi xã, thị trấn đã hoàn thành đủ 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới rồi. Chị Phạm Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Lý Nhơn kể: “Lá bùa hộ mệnh ấy giúp chúng tôi tự tin hẳn lên. Việc khó nhất là vận động chị em học nghề cũng được hội viên hiến kế: “Nhờ người có nghề dạy cho người chưa có nghề, khỏi trường lớp gì cả, vì như vậy chị em vùng nông thôn đỡ… ngại”. Sáng kiến này khá hiệu quả, chỉ trong ba năm, trên toàn huyện Cần Giờ có 260/337 phụ nữ từng được vận động và cự tuyệt chuyện đi học đã vững tay nghề nấu đám tiệc, uốn tóc, làm móng, may quần áo, làm bánh…

***

Hôm nay huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè đều đã có những xã được công nhận mô hình nông thôn mới theo tiêu chuẩn quốc gia. Những câu chuyện cười ra nước mắt hay cảnh bị nông dân chửi, đuổi “lên bờ xuống ruộng” thành ký ức đẹp của những người cán bộ cơ sở.

Có lẽ hôm nay, khi đi trên những tuyến đường mới, nhìn nông dân hớn hở với mùa vụ bội thu, trông trẻ con tung tăng nơi lớp học khang trang, sạch đẹp, hay bắt gặp những phụ nữ thoăn thoắt đôi tay cho cuộc mưu sinh… những cán bộ buổi đầu tham gia xây dựng nông thôn mới ở khắp năm huyện ngoại thành hẳn đều có chút tự hào đã đóng góp một phần công sức của mình.

Theo phunuonline.com.vn

 Tags: cán bộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập233
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại917,258
  • Tổng lượt truy cập92,090,987
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây