Học tập đạo đức HCM

Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hướng tới mục tiêu 40 tỷ USD

Chủ nhật - 22/04/2018 10:41
Năm 2017 nhiều dấu mốc mới: thủy sản lần đầu tiên vượt 8 tỷ USD, lâm sản lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD, rau quả lập kỷ lục 3,45 tỷ USD...

Ngành nông nghiệp năm vừa qua tăng trưởng khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự "thất thủ" của ngành hàng thịt lợn, và hải sản bị EU giơ "thẻ vàng"... là những gam màu xám trong bức tranh của ngành nông nghiệp.

Trong năm 2017, cả nông sản, lâm sản, thủy sản đều thiết lập con số kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu: kim ngạch nhóm nông sản tăng 15,7%; nhóm thuỷ sản tăng 18%; nhóm lâm sản tăng 9,2% so với năm 2016. 

Một con số rất đáng ghi nhận nữa là thặng dư tuyệt đối của ngành nông nghiệp đã đạt con số 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm trước đó.

Ấn tượng rau quả, điều, thủy sản, lâm sản

Giá trị xuất khẩu rau quả năm 2017 ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam với thị phần lần lượt là 75,7%, 3,7%, 2,9%, và 2,5%. 

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh vào các thị trường: Nhật Bản tăng 70,6%, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất tăng 57,4%, và Trung Quốc tăng 54,9%. 

Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand... 

Nhận định về bức tranh xuất khẩu rau quả năm 2017, ông Nguyễn Hữu Đạt - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, nối tiếp đà tăng trưởng của những năm gần đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu và đã  vượt qua lúa gạo và cả dầu khí. 

Đạt được con số xuất khẩu trên là do trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng trong công tác đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Cách đây gần một năm, các chuyên gia ngành điều dự báo xuất khẩu nhân điều tiếp tục thuận lợi và sẽ lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD vào năm 2017. Thế nhưng đến nay cho thấy con số thực tế đã vượt xa dự báo. 

Xuất khẩu hạt điều năm 2017 đạt 353 nghìn tấn và 3,52 tỷ USD, tăng 1,9% về khối lượng và tăng 23,8% về giá trị. 

Giá nhân điều xuất khẩu bình quân tăng 22,3% so với năm 2016. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 35%, 15,6% và 12,9% trong tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Xuất khẩu điều tăng mạnh vào các thị trường: Nga tăng 56,3%, Hà Lan tăng 44,7%, Thái Lan tăng 41,4%, Hoa Kỳ tăng 27%, Anh tăng 24,8%... 

Thập niên vừa qua đã chứng kiến Việt Nam giành giật được vị trí "trung tâm chế biến điều của thế giới" từ Ấn Độ đem về Việt Nam, và trở thành quốc gia xuất khẩy điều lớn nhất thế giới. 

Hiện toàn thế giới có khoảng 3,4 triệu tấn điều nguyên liệu mỗi năm, thì Việt Nam đưa vào chế biến tới 1,6 - 1,7 triệu tấn. Đến nay, Việt Nam là quốc gia nắm giữ những "bí quyết" chế biến điều cho ra sản phẩm thơm ngon nhất thế giới, mà không nước nào có được. 

Thời gian gần đây, nhiều nước đã nhập cả máy móc, công nghệ chế biến điều từ Việt Nam, nhưng các nhà máy chế biến điều ở châu Phi vẫn không đạt được hiệu quả sản xuất, không cho được sản phẩm thơm ngon và không cạnh tranh được với Việt Nam.

Xuất khẩu lâm sản ước đạt 8 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 42,8%, 14%, và 13,5%. 

Xuất khẩu gỗ tăng mạnh vào các thị trường: Hoa Kỳ tăng 17,6%, Canada tăng 15,5% và Hàn Quốc tăng 15,3%.

Năm vừa qua cũng ghi nhận sự hồi phục trong xuất khẩu nhiều loại nông sản như gạo, cà phê, cao su, sắn, chè... tuy nhiên các mặt hàng này đều chưa giành lại được mốc cao nhất đã lập từ nhiều năm trước đó. 

Khối lượng gạo xuất khẩu năm 2017 đạt 5,89 triệu tấn, đem về 2,66 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với năm 2016. 

Năm 2017, nước ta xuất khẩu 1,39 triệu tấn cao su, thu về 2,26 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 35,6% về giá trị so với năm trước. 

Xuất khẩu chè năm 2017 đạt 140 nghìn tấn và 229 triệu USD, tăng 7,2% về khối lượng và tăng 5,6% về giá trị so với năm 2016. 

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2017 ước đạt 3,95 triệu tấn và 1,04 tỷ USD, tăng 6,9% về khối lượng và tăng 4,2% về giá trị.

Thất thủ thịt lợn, "vận đen" hải sản

Bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm vừa qua cũng đã chứng kiến sự "thất thủ" của ngành hàng thịt lợn, và sự suy giảm của các ngành hàng tiêu, cà phê. 

Trong các ngành nông nghiệp trọng điểm của nước ta, chăn nuôi là ngành yếu thế nhất khi nói về xuất khẩu. Sản lượng thịt lợn của Việt Nam năm 2017 ước đạt 2,75 triệu tấn, đứng thứ sáu trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, EU, Mỹ, Brazil và Nga. 

Phần lớn lợn nuôi được, chủ yếu là xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con lợn (33.000 con/ngày). 

Năm 2017, xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc gần như bị tê liệt hoàn toàn, khiến chăn nuôi lợn "thất thủ", rơi vào cảnh cung vượt cầu, rớt giá và người chăn nuôi thua lỗ triền miền suốt 1 năm  rưỡi qua. 

Theo các chuyên gia, việc xuất khẩu các sản phẩm thịt của Việt Nam sang các nước, từ nhiều năm nay, vẫn chưa có sự đột phá nào. 

Với thịt lợn, xuất khẩu chính ngạch chủ yếu là lợn sữa, với lượng xuất khẩu năm 2017 chỉ được gần 19.475,1 tấn, kim ngạch 78,38 triệu USD, giảm 54% về lượng và 22,7% về giá trị kim ngạch so với năm trước.  

Một sự "thất thủ" khác đã đến với ngành thủy sản, khi lần đầu tiên bị "thẻ vàng" tại EU, từ ngày 23/10/2017. Trong thời gian hiện nay, hoạt động xuất khẩu hải sản của nước ta tạm thời vẫn được diễn ra bình thường, nhưng các lô hàng bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu từ Việt Nam (có thể lên đến 100%), dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. 

Bên cạnh đó, việc này cũng có khả năng gây tâm lý lo ngại đến các nhà nhập khẩu ở các thị trường khác, đặc biệt là đối với các thị trường nhập nguyên liệu của Việt Nam để tái xuất sang thị trường EU hoặc Mỹ và các nước có quy định áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống khai thác IUU.

Hướng tới mục tiêu 40 tỷ USD năm 2018

Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang có nhiều vấn đề cấp thiết trước mắt phải giải quyết ngay. 

Trước hết, cần phải nỗ lực để xóa thẻ vàng cho xuất khẩu hải sản tại thị trường EU. Theo đó, Việt Nam phải hoàn thiện thể chế quản lý, quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi, hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng, thực xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu Thủy sản và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. 

Luật Thủy sản đã được thông qua, cần phải nhanh chóng đưa vào cuộc sống, với các nghị định, thông tư để đảm bảo hoạt động đánh bắt tuân thủ quy định của EU và thế giới. Đồng thời, các bộ, ngành cần phối hợp nỗ lực làm việc với Ủy ban châu Âu để dỡ bỏ thẻ vàng.

Mở cửa thị trường xuất khẩu thịt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt ra. Tiếp sau lô thịt gà đầu tiên xuất khẩu đi Nhật ngày 9/9/2017 vừa qua, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các công ty chăn nuôi rất quyết tâm để sớm đưa thịt lợn của Việt Nam ra thế giới. 

Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn De Heus (Hà Lan), cho biết: "Sau thành công trong liên kết chuỗi xuất khẩu thịt gà đi Nhật, De Heus và các đối tác đang cố gắng mở cửa xuất khẩu thịt lợn. Không có lý do gì thịt gà đã xuất khẩu được vào Nhật mà thịt lợn lại không". .

Cũng theo ông Gabor Fluit, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt lợn vào các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.  

Tại hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt mục tiêu năm 2018 phải đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản lên mốc 40 tỷ USD. Nếu biết hóa giải những yếu kém, khai thác lợi thế, thì mục tiêu này hoàn toàn khả thi.

Chu Khôi/vneconomy.vn

 Tags: tỷ usd

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập706
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại756,764
  • Tổng lượt truy cập93,134,428
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây