Tỉnh Yên Bái nằm ở trung tâm khu vực miền núi phía Bắc, dân cư nông thôn sống phân tán trong các thôn bản, kinh tế nông nghiệp chưa phát triển, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Từ lâu mỗi vùng nông thôn và mỗi dân tộc còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán canh tác, sinh hoạt lạc hậu chưa thể xoá bỏ. Chính vì điều đó đã cản trở rất lớn tới Chương trình xây dựng NTM của Yên Bái.
Từ thực tế đó, trong 152 xã xây dựng NTM, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn 29 xã phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2015, trong đó có 11 xã thực hiện mô hình điểm. Chương trình xác định GTNT đặc biệt khó khăn, nhưng là “xương sống” để hoàn thành các tiêu chí khác.
Vì thế, giai đoạn 2011-2015 tỉnh Yên Bái phải hoàn thành xây dựng 900 km đường GTNT, với tổng số vốn đầu tư 469,8 tỷ, trong đó nhân dân đóng góp 198,8 tỷ. Chỉ trong hai năm 2012-2013 đã kiên cố được hơn 300 km đường GTNT, mở mới nền đường 650 km.
Làm đường GTNT ở huyện Lục Yên
Lục Yên là huyện đi đầu của Yên Bái trong phong trào xây dựng đường GTNT, sau 3 năm thực hiện Chương trình NTM đã xây dựng được 72,51 km đường GTNT, sửa chữa 4 cầu treo, mở mới nền đường 89,6 km, người dân hiến đất làm đường hàng chục ngàn m2 đất. Riêng năm 2013 bê tông được 48,86 km đường, mở mới 69,6 km.
Trong phong trào hiến đất làm đường tỉnh Yên Bái có hàng ngàn hộ tự nguyện hiến đất từ vài chục đến vài nghìn m2. Bởi thế, việc giải phóng mặt bằng không gặp bất cứ khó khăn nào. Đến nay huyện Lục Yên đã hoàn thành việc cắm tuyến, mở mới nền đường cho cả giai đoạn từ 2011-2015 tổng số trên 100 km.
Nếu người dân không tự nguyện hiến đất làm đường thì Chương trình xây dựng NTM của Yên Bái sẽ gặp vô vàn khó khăn. Nếu tính cả đất mà người dân đã hiến, thì giá trị người dân đóng góp lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Yên Bái đã coi người dân là đối tượng trung tâm phục vụ, chính họ là nhân tố quyết định cho việc thành công của Chương trình. Từ đó phát huy tiềm năng to lớn cũng như nội lực của mỗi người dân.
Để khảo sát vấn đề này, chúng tôi đã tới hai xã Đại Phác và Tân Đồng là xã chỉ đạo điểm xây dựng NTM của tỉnh Yên Bái. Xã Đại Phác thuộc diện “đất chật người đông” của huyện Văn Yên, toàn xã chỉ có 129 ha ruộng nước, 42 ha mầu. Với diện tích đó phải nuôi 3.303 khẩu của 805 hộ gia đình là vô cùng chật vật.
Ngô đông trên đất 2 lúa phục vụ chăn nuôi ở xã Đại Phác
Theo ông Phạm Tùng Nguyên, Chủ tịch UBND xã Đại Phác: Nếu chỉ trông vào cây lúa và cây ngô thì xã chúng tôi đói. Vì thế, việc phát triển chăn nuôi của Đại Phác được chú trọng. Trong 805 hộ thì có 700 hộ chăn nuôi từ 5 đầu lợn thịt trở lên, có 3 trang trại nuôi lợn quy mô 60 lợn thịt + 15-20 lợn nái. Tổng sản lượng lợn thịt của Đại Phác một năm khoảng 450-500 tấn, giá trị 17-20 tỷ đồng. Đây là nguồn thu rất lớn của người dân. Nhờ chăn nuôi mà nhiều hộ xây dựng được nhà hai, ba tầng, bộ mặt nông thôn Đại Phác ngày càng đổi mới...
Chăn nuôi lợn nái siêu nạc cung cấp giống cho người dân xã Đại Phác
Nếu xã Đại Phác chú trọng chăn nuôi thì xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên) phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Nghề trồng dâu nuôi tằm mới du nhập vào Tân Đồng năm 2004, tính ra đến nay mới được 10 năm, nhưng Tân Đồng mau chóng trở thành trung tâm vùng trồng dâu nuôi tằm, thu mua kén tằm và cung ứng giống dâu, giống tằm của tỉnh Yên Bái.
Theo ông Phí Văn Chí, Chủ tịch xã Tân Đồng: Hiện Tân Đồng có 170 hộ trồng dâu nuôi tằm, diện tích trồng dâu trên 60 ha. Bình quân 1 sào trồng dâu nuôi tằm một năm nuôi được 6 vòng tằm, mỗi vòng thu khoảng 18-20 kg kén, tổng số kén nuôi 6 vòng thu khoảng 110-120 kg, với giá kén hiện nay là 120.000đ/kg, thì thu nhập 1 sào khoảng 12 triệu đồng gấp 4 lần trồng lúa. Tính ra 1 ha trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập khoảng 330 triệu đồng. Riêng trồng dâu nuôi tằm Tân Đồng thu mỗi năm khoảng 8 tỷ đồng.
Cán bộ Chi cục HTX trao đổi giống dâu nuôi tằm với nông dân xã Tân Đồng
Người trồng dâu nuôi tằm ở Tân Đồng đã chuyển đổi 16 ha đất ruộng sang trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ chuyển toàn bộ đất lúa sang đất trồng dâu, hoặc thuê đất đồi, đất soi bãi trồng hoa mầu sang đất trồng dâu.
Ví như gia đình bà Lê Thị Giảng trồng 1 ha dâu trong đó thuê 4 sào đất của các hộ gia đình khác. Tân Đồng đang có 4 cơ sở chuyên cung cấp tằm giống cho những hộ nuôi tằm lấy kén, đây cũng là cơ sở thu mua kén cho bà con. Sự chuyên môn hoá từng công đoạn trong nghề trồng dâu nuôi tằm đã hình thành ở Tân Đồng. Sự cơ cấu lại lao động, chuyển một phần sang SX phi nông nghiệp để hình thành nên các tổ hợp tác mà Chương trình xây dựng NTM Yên Bái đang nhắm tới.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng Chương trình NTM của Yên Bái hiện đang thiếu rất nhiều vốn, cần sự hỗ trợ của Trung ương. Nhưng lâu dài, Yên Bái vẫn phải tập trung phát huy nội lực và sức mạnh từ chính người dân. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;