Nâng cao thu nhập sau học nghề
Anh Dương Văn Lý là người có nhiều năm chăn nuôi bò sinh sản nhưng theo phương pháp nuôi truyền thống, nhỏ lẻ với giống bò địa phương nên kém hiệu quả.
Năm 2013, được Hội ND xã vận động anh đã tham gia lớp dạy nghề nuôi bò sinh sản. Sau 3 tháng học tập, anh được hướng dẫn phương pháp chọn giống, phối giống và chăm sóc bò sinh sản.
Từ năm 2012 đến nay, Hội ND xã Long Phước đã tổ chức 9 lớp dạy nghề nông nghiệp với 243 học viên được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Sau khi được đào tạo nghề 225 nông dân có việc làm ổn định trên chính ruộng, đất của gia đình với thu nhập trên 100 triệu mỗi năm. Nhiều hộ đã được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Ngoài tham gia học nghề, anh Lý còn được Hội ND đầu tư cho vay 30 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Có nghề, có vốn, anh Lý đã mạnh dạn đầu tư sửa chữa chuồng trại, chuyển đổi từ giống bò địa phương sang giống bò lai Sind và chăn nuôi theo hình thức không chăn thả.
Anh Dương Văn Lý cho biết: "Với những kiến thức đã học, tôi áp dụng vào quá trình chăn nuôi bò tại gia đình và đem lại hiệu quả cao, bò giống tốt, tỷ lệ sinh sản cao. Với 6 con bò giống ban đầu, sau 18 tháng gia đình có thêm 6 bê con, nâng tổng đàn bò của gia đình lên 24 con. Mỗi năm, gia đình anh xuất chuồng 6 con thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng".
Ông Vũ Viết Thụ là một nông dân có thâm niên trong nghề nuôi dê nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Năm 2017, ông tham gia lớp dạy nghề nuôi dê sinh sản và thương phẩm. Tương tự như anh Lý, sau lớp học nghề, ông Thụ cũng được vay 30 triệu từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư chăn nuôi dê tập trung theo hướng an toàn.
Ông đã mạnh dạn phá bỏ 0,6ha vườn tạp kém hiệu quả để trồng các loại cây lấy lá cho dê ăn kết hợp thức ăn tinh. Hiện tại, đàn dê của ông Vũ Viết Thụ có 20 con sinh sản, 30 dê thương phẩm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Vũ Viết Thụ cho biết: Nếu chăm sóc tốt, trung bình một dê mẹ sinh sản 4 con/năm. Sau 100 - 120 ngày, dê mẹ tiếp tục phối giống, lúc này dê con nặng khoảng 28kg và có thể xuất chuồng bán thịt với giá bán dê thịt trung bình hiện nay là 90.000 đồng/kg. Tính ra, trung bình nuôi 1 dê mẹ mỗi năm, người chăn nuôi thu lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm ông Thụ thu lợi nhuận 120 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với lúc chưa học nghề.
Với 0,65ha đất, anh Phạm Minh Trí đã trồng 420 cây bưởi da xanh nhưng do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên bưởi thường bị rụng trái, năng suất thấp - chỉ đạt hơn 1 tấn trái/năm. Năm 2019, khi biết tin Hội ND xã tổ chức lớp dạy nghề trồng sầu riêng, bưởi da xanh, anh Trí là 1 trong những nông đầu tiên đăng ký học.
Được "cầm tay chỉ việc" học nghề ngay tại vườn bưởi, anh Trí nhận ra là do trồng quá dày nên cây bưởi bị thiếu ánh sáng, dễ gây rụng trái. Anh Trí đã mạnh dạn chặt bỏ 100 cây và áp dụng triệt để các phương pháp được học để đầu tư chăm sóc vườn bưởi.
Hiện nay, vườn bưởi da xanh của anh Trí phát triển tốt, không còn rụng trái, cho trái to, mẫu mã đẹp. Năm 2020, anh Trí thu hoạch 9 tấn trái với giá bán 30.000 đồng/kg, anh thu về 270 triệu gấp nhiều lần so với trước học nghề. Mới đây, anh Trí còn được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay 30 triệu để đầu tư trồng thêm 2.500m2 cây sầu riêng.
Hỗ trợ "3 trong 1" cho nông dân
Trên đây là 3 trong số hàng trăm nông dân trên địa bàn xã Long Phước có việc làm ổn định trên chính ruộng, đất của gia đình với thu nhập trên hàng trăm triệu mỗi năm.
Theo lãnh đạo Hội ND xã Long Phước, gần 50% lao động tại địa phương làm nông nghiệp. Những năm qua, Hội ND xã luôn quan tâm vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây, con có giá trị kinh tế vào sản xuất. Đặc biệt, Hội ND xã luôn chú trọng công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về học nghề nông nghiệp, nâng cao tay nghề cho lao động nông nghiệp.
Theo đó, Hội ND xã đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức chiêu sinh, vận động nông dân tham gia học nghề.
Từ năm 2012 đến nay, Hội ND xã đã tổ chức 9 lớp dạy nghề nông nghiệp, gồm: 2 lớp trồng rau an toàn, 2 lớp trồng lúa năng suất cao, 1 lớp chăn nuôi bò, 1 lớp trồng hồ tiêu, 1 lớp chăn nuôi dê, 1 lớp trồng cây sầu riêng, bưởi da xanh, 1 lớp chăn nuôi heo với 243 học viên được cấp chứng chỉ tốt nghiệp.
Sau khi được đào tạo nghề 225 nông dân có việc làm ổn định trên chính ruộng, đất của gia đình với thu nhập trên 100 triệu mỗi năm. Nhiều hộ đã được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Cùng với tổ chức các lớp dạy nghề, từ năm 2012 đến nay, Hội ND xã đã phối hợp Trạm Khuyến nông TP.Bà Rịa tổ chức 65 buổi tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho 2.925 lượt nông dân bằng phương pháp cầm tay chỉ việc.
Một điểm tích cực nữa của Hội ND xã Long Phước trong công tác dạy nghề đó là Hội chủ động xây dựng dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân sau học nghề đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; mỗi mô hình sẽ được quỹ giải ngân từ 300-500 triệu đồng. Hiện, 102 nông dân xã Long Phước đã được vay 4,470 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trung bình mỗi hộ được vay 30-50 triệu đồng để tạo điều kiện cho các học viên phát triển kinh tế hộ, vươn lên làm giàu bằng chính nghề được đào tạo.
Theo Nguyễn Văn Minh (Hội ND xã Long Phước)/danviet.vn
https://danviet.vn/ba-ria-vung-tau-co-nghe-co-von-nong-dan-long-phuoc-nhanh-giau-20201120163649933.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã