Theo ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hưng (HTX Phức Hưng), từ vụ đông xuân (ĐX) 2009-2010 đến nay, năm nào HTX cũng sản xuất hàng trăm ha giống BC15 và được Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Mối liên kết giữa HTX Phước Hưng và ThaiBinh Seed đã mang lại cho nông dân địa phương thu nhập cao từ sản xuất. Đến năm 2017, mối liên kết này vươn lên tầm cao mới, khi HTX Phước Hưng phối hợp với ThaiBinh Seed xây dựng và thực hiện Dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa giống BC15 với sự tham gia của 450 hộ nông dân ở thôn Tân Hội và Lương Lộc, sản xuất 100 ha lúa giống 2 vụ/năm.
Ông Trần Tăng Long cho biết, HTX có 660 ha đất sản xuất lúa, tính đến nay, chiếm 80% là giống lúa BC15, trong đó có 165 ha là diện tích HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống với ThaiBinh Seed, mỗi năm làm 2 vụ.
Phương án đầu tư, thu mua sản phẩm của ThaiBinh Seed đã đáp ứng yêu cầu của nông dân. Ngay trong vụ sản xuất đầu tiên, liên kết chuỗi đã thành công, năng suất lúa đạt cao, công tác tổ chức thu mua sản phẩm được thực hiện bài bản đã khiến bà con nông dân rất phấn khởi.
Bà Nguyễn Thị Hải ở thôn Tân Hội (xã Phước Hưng), chia sẻ: Tham gia liên kết chuỗi, bà con có điều kiện tiếp cận và áp dụng hiệu quả phương pháp sản xuất tiên tiến, nhờ đó đã giảm được chi phí đầu vào, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Mỗi vụ, gia đình chị Hải sản xuất 5 sào lúa BC15 (500m2/sào), bán cho ThaiBinh Seed gần 1,8 tấn lúa giống, tùy giá cả thời điểm năm nào lãi ít nhất cũng được hơn 8 triệu đồng, cao gần 2 lần so với làm lúa thịt trước đây.
Hiện nay, giống BC15 được trồng rộng khắp trên địa bàn Bình Định. Có thể khẳng định, hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết là phương thức làm ăn hiệu quả và phù hợp trong cơ chế thị trường, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho thành viên mà còn khẳng định vai trò hết sức quan trọng của HTX, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về số lượng, chất lượng sản phẩm thông qua tổ chức sản xuất, tìm kiếm đầu ra sản phẩm cho nông dân.
Giống BC15 có nhược điểm cố hữu là dễ bị nhiễm đạo ôn (cấp 7-9), nên khi gặp thời tiết không thuận lợi thì năng suất và sản lượng bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là trong những vụ Đx. Đến năm 2017, Viện Cây lương thực, Cây thực phẩm đã cấy thành công gen kháng đạo ôn (pita) vào giống lúa BC15 để khắc phục nhược điểm trên.
Đầu năm 2020, ThaiBinh Seed triển khai trồng khảo nghiệm giống BC15 tại cánh đồng lớn của HTX Phước Hưng và đã kháng được bệnh đạo ôn, cho hiệu quả cao.
Suốt hơn 10 năm qua, giống BC15 đã làm mê mẩn nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong đó có nông dân HTX Phước Hưng. Riêng tại HTX này, từ vài chục ha ban đầu, đến nay đã có 450ha/660ha đất sản xuất lúa trong toàn xã làm giống BC15.
Với năng suất ổn định, bình quân 80 tạ/ha, sản lượng thu mua lúa giống BC15 của HTX Phước Hưng cung ứng cho ThaiBinh Seed bình quân trên 1.500 tấn/năm, cá biệt có năm đến 2.700 tấn, doanh thu hàng năm gần 14 tỷ đồng, giá trị gia tăng mang lại cho nông dân tham gia sản xuất giống khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.
Theo Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/bc15-va-moi-luong-duyen-voi-nong-dan-binh-dinh-d289121.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã