Thạc sĩ Trần Thị Thanh Thúy – Chủ nhiệm đề tài phục tráng giống lúa thơm đặc sản VD 20 chia sẻ: VD 20 là giống lúa không chỉ được biết đến là loại giống đặc sản, chất lượng mà còn có khả năng chống chịu tốt hạn, mặn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân nhờ vào chất lượng gạo cao, thơm, dẻo, ngon, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, do quá trình canh tác liên tục qua nhiều năm, từ vụ này qua vụ khác, việc lạm dụng hóa chất, thuốc BVTV, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất... khiến giống lúa này ngày càng bị thoái hóa, phân ly, lẫn tạp, làm cho độ thuần giống ngày càng suy giảm. Một số biểu hiện dễ nhận thấy như lúa trổ không tập trung, thời gian trổ kéo dài, xuất hiện sự phân ly về dạng hạt, kích thước hạt, hình thành dạng hạt có râu, hạt cỏ dại nguy hại, hạt khác giống… dẫn đến năng suất và chất lượng gạo suy giảm.
Việc phục tráng giống lúa đặc sản VD 20 là yêu cầu cấp bách cần thực hiện. Đề tài “Nghiên cứu phục tráng giống lúa thơm đặc sản VD 20 phục vụ xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long” được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang (nay là Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp Tiền Giang) và Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ từ năm 2018 đến 2020. Đề tài do Thạc sĩ Trần Thị Thanh Thúy làm chủ nhiệm.
Phương pháp nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật điện di protein SDS-PAGE để chọn lọc những hạt có hàm lượng amylose thấp, kết hợp kỹ thuật điện di ADN với chỉ thị phân tử BAD2 chọn lọc gen thơm, kết hợp trồng, đánh giá và chọn lọc ngoài đồng, áp dụng tiêu chuẩn ngành 10 TCN 395-2006. Trên cơ sở theo dõi, quan sát, đánh giá tập trung dựa vào một số đặc tính đặc trưng cơ bản của giống lúa VD 20 (Bộ NN-PTNT, 2006) và quy phạm khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống lúa do Bộ NN-PTNT ban hành (QCVN 01-65: 2011/BNNPTNT) làm cơ sở chọn các cá thể hoặc dòng ở các thế hệ G0 đến G2.
Quá trình phục tráng giống lúa VD 20 gồm 3 nội dung cơ bản là: Sưu tập mẫu giống từ hạt giống trong sản xuất làm nguồn vật liệu, thanh lọc mẫu trong phòng thí nghiệm, áp dụng kỹ thuật điện di protein SDS-PAGE, kết hợp điện di ADN với chỉ thị phân tử BAD2 chọn lọc dòng có gen thơm và trồng, đánh giá, thanh lọc ngoài đồng ruộng qua 3 thế hệ. Gồm các công đoạn như đánh giá, chọn lọc vật liệu khởi đầu (G0); đánh giá và chọn dòng (G1); đánh giá và chọn dòng (G2). Theo đó, từ 1.500 bông thu thập ban đầu đã chọn được quần thể gồm 127 dòng G2 bảo đảm tính đúng giống về các chỉ tiêu đặc tính nông học, có mang gen thơm và gạo dẻo, đồng thời cải thiện về mặt năng suất và chất lượng gạo sau phục tráng.
“Để có được một giống thuần chủng thay thế tốt hơn thì cách làm ít tốn kém và có hiệu quả nhất là chọn lọc làm thuần lại để nâng cấp hạt giống lúa VD 20 hiện đang sản xuất”, Thạc sĩ Thúy chia sẻ.
Qua 2 năm thực hiện nghiên cứu, chọn lọc trong phòng thí nghiệm và đồng ruộng, kết quả đề tài đã phục tráng thành công giống lúa VD 20. Sản phẩm sau phục tráng là giống lúa VD 20 đạt cấp siêu nguyên chủng góp phần quan trọng trong đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn giống lúa chất lượng cao phục vụ sản xuất giống lúa các cấp, lúa gạo thương phẩm xuất khẩu tại Tiền Giang và vùng ĐBSCL.
Công tác phục tráng giống lúa VD 20 từ hạt giống trong điều kiện sản xuất đã khôi phục và cải thiện độ thuần rặt, chất lượng hạt giống, một số đặc tính đặc trưng ban đầu của giống, năng suất và chất lượng gạo của giống lúa sau phục tráng. Cụ thể: Đối với chỉ tiêu về chất lượng hạt giống sau phục tráng đã cải thiện được độ thuần đạt 99,8%, hạt khác giống có thể phân biệt 0%; hạt cỏ nguy hại (0 hạt/kg), tỷ lệ nẩy mầm 98%, ẩm độ 11,4% đạt tiêu chuẩn cấp giống Siêu nguyên chủng phù hợp theo Quy chuẩn quốc gia QCVN 01-54: 2011/BNNPTNT.
Thời gian sinh trưởng của giống 100 - 108 ngày; chiều cao cây 107 - 110 cm; số hạt chắc/bông: 106 - 112 hạt; trọng lượng 1.000 hạt: 21,0 gram; năng suất 5,3 tấn/ha ở vụ hè thu và 6,3 - 6,7 tấn/ha vụ đông xuân, vượt hơn giống trước phục tráng và không qua phục tráng từ 10,4 – 17,5%.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu chất lượng gạo được cải thiện sau phục tráng như: chiều dài hạt gạo trung bình (6,0 mm); chiều rộng hạt gạo trung bình (2,1 mm); không bạc bụng (độ bạc bụng cấp 0); tỷ lệ gạo nguyên cao (76,7%); hàm lượng amylose thấp (16,4%); gạo thơm, dẻo....
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đang ứng dụng giống lúa VD 20 sau phục tráng vào sản xuất đại trà, tạo nguồn nguyên liệu lúa thương phẩm chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Riêng trong vụ hè thu 2021, dự kiến khu vực này sẽ gieo sạ khoảng 22.000 ha, trong đó có hơn 50% diện tích sử dụng giống lúa VD 20 sau phục tráng.
Đặc biệt, quy trình phục tráng giống lúa VD 20 có thể ứng dụng phục tráng cho các giống lúa cao sản, lúa mùa địa phương có mang nguồn gen quý nhưng ngày càng bị thoái hóa và phân ly, lẫn tạp, góp phần đa dạng hóa giống lúa đặc sản của các địa phương ở Việt Nam.
Trao đổi với NNVN, ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: Địa phương đang tập trung thực hiện dự án liên kết sản xuất lúa VD 20 nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo nhu cầu sản xuất và xuất khẩu. Việc phục tráng giống lúa VD 20 là rất cần thiết, góp phần cải thiện độ thuần giống, năng suất, chất lượng gạo, nâng cao giá trị và thương hiệu hạt gạo Việt Nam, hướng đến một nền kinh tế nông nghiệp bền vững và hội nhập quốc tế.
"Theo Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ Nông nghiệp Tiền Giang, ngoài giống lúa VD 20, trong những năm qua, đơn vị đã nghiên cứu, chọn tạo được 25 tổ hợp lai từ nguồn vật liệu bố mẹ ban đầu là những giống có nhiều đặc điểm nổi bật được đánh giá có triển vọng trong sản xuất thời gian qua như: JASMINE85, OM 5451, OM 3536, MTL 250, AS996,…
Tính đến nay, đơn vị đã triển khai thực hiện và đánh giá tuyển chọn được trên 10 giống/dòng lúa ưu tú ở thế hệ F7 theo hướng ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao, ổn định và khả năng thích ứng tốt với điều kiện canh tác tại địa phương như TG 2, TG 3, TG 7, TG 12, TG 13... Trong đó, 2 giống/dòng lúa TG 7, TG 12 đã qua khảo nghiệm Quốc gia về giá trị canh tác và giá trị sử dụng (khảo nghiệm VCU) theo QCVN 01-55 : 2011/BNNPTNT và được đánh giá có nhiều tiềm năng, triển vọng đưa vào sản xuất và phát triển vùng ĐBSCL và ĐNB trong thời gian tới".
Theo Trần Trung- Minh sáng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/ky-3-phuc-trang-giong-lua-vang-d295450.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã