Trò chuyện cùng phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Tửu chia sẻ, trước đây ông làm bác sĩ, còn vợ ở nhà làm nội trợ và chăn nuôi nhỏ, kinh tế cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống.
Sau khi nghỉ hưu ông về phụ vợ và mở rộng chuồng trại để xây dựng mô hình nuôi lợn với quy mô lớn, làm hướng phát triển kinh tế tiếp theo cho gia đình.
Nhận thấy mô hình chăn nuôi lợn nhỏ lẻ thường không mang lại hiệu quả cao, trong khi điều kiện gia đình thuận lợi cho việc chăn nuôi lợn quy mô lớn. Với lợi thế là mảnh vườn rộng hơn 4.000m2, ông Tửu bắt đầu tìm hiểu quy trình chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, áp dụng giải pháp trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Sau khi đi tham quan các mô hình nuôi lợn thực tế của các hộ đi trước và nắm bắt được quy trình nuôi lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã bàn với vợ vay tiền ngân hàng để xây dựng trang trại nuôi lợn.
Năm 2013, từ nguồn vốn vay của ngân hàng và tích góp được, ông đã đầu tư hơn 200 triệu đồng cho mô hình chăn nuôi lợn. Ban đầu do nguồn vốn ít nên ông chỉ nuôi khoảng 20 con lợn thịt, ngoài ra còn chăn nuôi thêm gà, trồng rau.
Là tay ngang rẽ hướng sang chăn nuôi, nên ông gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, hơn nữa nguồn vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống cũng khá lớn.
Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, nên mô hình chăn nuôi lợn của ông phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hàng năm ông đã lấy nguồn lãi thu được để trả tiền ngân hàng và tái đầu tư mở rộng quy mô trang trại.
Ông Tửu cho biết thêm, mô hình chăn nuôi lợn đang phát triển thuận lợi thì năm 2019 dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn lợn hơn 60 con gần xuất chuồng phải tiêu hủy, thiệt hại gần 500 triệu đồng, khiến kinh tế gia đình ông thiệt hại nặng nề.
Sau khi dịch tạm lắng, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, ngân hàng khuyến khích cho vay vốn tái sản xuất do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và Covid-19 nên ông vững tin tái đàn lợn.
Sau hơn một năm bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tháng 6/2020 ông bắt đầu tái đàn lợn, đến nay đã xuất chuồng được hai lứa (hơn 200 con lợn thịt).
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn, ông Tửu cho biết, để cho lợn phát triển tốt thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, con giống phải chuẩn, sạch bệnh và chất lượng; thứ hai là phải bảo đảm nguồn thức ăn, đặc biệt quan tâm phòng chống dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng vắc xin theo định kỳ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại.
Ngoài việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn lợn theo hướng dẫn của cán bộ thú y, phải thường xuyên rắc vôi bột khu chuồng nuôi lợn, áp dụng giải pháp trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Ông Tửu phun sát trùng ít nhất 1 lần/tuần; tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm cho lợn đầy đủ dinh dưỡng.
Ông Tửu còn thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của đàn lợn, kịp thời phát hiện biểu hiện của các bệnh lợn thường gặp để xử lý.
Tận mắt chứng kiến trang trại khép kín, tôi thật sự thán phục sự bài bản, quy mô trong chăn nuôi của ông Tửu.
Khu chuồng nuôi rất sạch sẽ, thoáng mát và không có mùi đặc trưng như nhiều khu chăn nuôi khác mà tôi đã từng đến.
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Tửu được trang bị hệ thống thông gió, hệ thống sưởi ấm, hệ thống làm mát…
Đồng thời trang trại nuôi lợn cũng được phân thành từng gian riêng biệt, nhằm tạo không gian, cũng như duy trì đủ số lượng cá thể lợn trên diện tích cụ thể.
"Sau nhiều năm xây dựng, đến nay, trang trại chăn nuôi lợn của tôi cung cấp cho thị trường hơn 200 con lợn thịt mỗi năm, cùng hàng trăm con lợn giống. Ngoài chăn nuôi lợn tôi còn nuôi thêm gà, mỗi năm khoảng 3.000 con. Nhờ chăn nuôi lợn thịt, bán lợn giống mỗi năm doanh thu của gia đình đạt khoảng 2 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi lãi 500 triệu đồng/năm…", ông Tửu phấn khởi nói.
Ông Trần Văn Mười – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, chăn nuôi lợn là thế mạnh của xã Hòa Khương. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên đã ảnh hưởng rất lớn đến các hộ dân, việc tái đàn vẫn còn dè dặt, số lượng đàn vẫn còn ít.
Hiện nay, xã Hòa Khương đã có đề án chăn nuôi lợn tập trung để tránh ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, giúp bà con nông dân có khu chăn nuôi tập trung để họ yên tâm chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
"Trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Ngọc Tửu là một trong những mô hình áp dụng giải pháp trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học điển hình của xã Hòa Khương. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, ông còn rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu chăn nuôi lợn, đây là một mô hình có hiệu quả về kinh tế…", ông Mười nhận xét.
Theo Trần Hậu - Đoàn Hồng/danviet.vn
https://danviet.vn/da-nang-nong-dan-tay-ngang-ve-nuoi-lon-van-bo-tui-nua-ty-moi-nam-20210503213003084.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã