Trung bình mỗi ha cam VietGAP cho thu hoạch từ 25 - 30 tấn, những cây sai quả, trồng lâu năm có thể cho 3 - 4 tạ quả.
Mùa cam năm vừa rồi, chúng tôi có dịp đến thăm vườn cam của gia đình anh Trần Văn Tiến (sinh năm 1979 ở thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, Hà Giang) qua lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang.
Anh Tiến cho biết vợ chồng anh quê gốc ở tỉnh Hưng Yên, cùng nhau lập nghiệp với cây cam đặc sản Hà Giang từ khoảng 20 năm trước.
Ban đầu chỉ có vài trăm gốc cam trồng trên đồi, dần dần vợ chồng anh Tiến chịu khó tay dao, tay cuốc phát nương, mua thêm đất mở rộng diện tích và đến nay đã trở thành một trong những hộ trồng cam sành nhiều nhất huyện Bắc Quang.
Theo anh Tiến, hiện tổng diện tích trồng cam của gia đình anh đã tăng lên 8ha, tương đương khoảng 4.000 gốc cam. Trong đó, có những cây cam già, gốc sần sùi, tán xoè rộng, sai trĩu quả, nhưng cũng có những cây cam non hơn mới chừng 5-6 năm tuổi.
Cam sành là loại cây ăn quả đặc sản của Hà Giang, được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Hiện tổng diện tích cam sành của tỉnh này khoảng 6.600ha, trong đó có khoảng 5.800ha cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 68.000 tấn. Mùa cam chín từ tháng 12 đến tháng 3 của năm sau.
"Gắn bó với cây cam nhiều năm, chúng tôi đã trải qua muôn vàn khó khăn, vất vả, nếm trải đủ các cung bậc được mùa - mất giá, vì thế kinh nghiệm để chăm sóc cam sai quả, bón phân đúng cách, xử lý sâu bệnh… thì quanh đây không ai bì kịp" - anh Tiến vui vẻ chia sẻ.
Cùng đi thăm vườn, con dâu anh Tiến là chị Cúc nói thêm vào: "Thực ra diện tích cam 8ha của chúng tôi nằm rải rác ở các vùng Đào Than, Khởi Lịp, Khởi Mù, Khởi Niếng… của thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, quê gốc của cây cam sành bản địa.
Những năm được mùa, mỗi gốc cam nhiều thì cho năng suất khoảng 300kg/gốc, ít cũng 150kg/gốc. Giá cam nhiều vụ lên xuống thất thường nhưng thương lái luôn mua cam của gia đình với giá cao hơn thị trường vì cam ngon, ngọt có tiếng, khác hẳn những trái cam non ít năm tuổi thường bán nhiều ven đường".
Thu "mùa vàng" nhờ chăm sóc khép kín
Để có những cây cam nhiều năm tuổi vừa cho sai quả vừa ngọt lịm, anh Tiến cho biết: "Bí quyết là ở chỗ thâm canh cam theo quy trình VietGAP và bón phân "khép kín". Nhiều năm nay gia đình tôi đều bón lót, bón thúc cho cây cam bằng phân bón Lâm Thao theo đúng chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật. Tất nhiên, cũng còn phải trông vào thời tiết nữa, cuối năm nào mà nắng ấm đều, ít mưa lạnh thì bội thu".
Đối với cây cam, theo anh Tiến việc chăm sóc, bón phân rất quan trọng, bình thường người trồng cần bón phân từ 3 - 4 lần/năm.
"Cụ thể, đối với đồi cam từ 6 tuổi đến trên 10 năm tuổi như của gia đình tôi, trước lúc cây ra hoa khoảng 4 tuần, bón mỗi gốc từ 1,5 - 2kg phân Lâm Thao NPK-S. Tiếp đó, sau khi cây đậu quả và phát triển, bón từ 1 - 2 đợt phân, mỗi đợt bón khoảng 1,5 kg/gốc. Một tháng trước thu hoạch có thể bón tiếp cho mỗi gốc cũng từng ấy, không nên bón nhiều quá cây sẽ không hấp thu hết được, mà lại còn làm chai đất, thoái hoá đất…" – anh Tiến chia sẻ.
Vài năm gần đây, nhiều vườn cam tại địa phương đã có biểu hiện nhiễm bệnh vàng lá, lụi, năng suất chất lượng kém dần.
Anh Tiến cho biết, trong chăm sóc cam VietGAP phải tuân thủ quy trình "4 đúng": Đúng chủng loại, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng phương pháp. Làm như vậy vừa tiết kiệm phân bón, vừa hiệu quả cao…
Theo Sơn Dương/danviet.vn
https://danviet.vn/bi-quyet-bat-cay-cam-sanh-de-hang-ta-qua-vu-cua-ty-phu-cam-ha-giang-20210504185749316.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã