Theo BQL các Khu công nghiệp Đồng Nai, hiện nhiều KCN trong tỉnh đã được lấp đầy và tỷ lệ đất cho thuê làm nhà xưởng sản xuất còn rất ít. Do vậy, các địa phương đã đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai cho mở rộng, đầu tư mới các KCN để đón làn sóng đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đồng thời, các địa phương cũng “trải thảm” và gấp rút mời gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm mời gọi các DN nhỏ và vừa vào sản xuất để bảo vệ môi trường, đáp ứng quy hoạch phát triển của từng địa phương.
Các lĩnh vực mà Đồng Nai đang tập trung kêu gọi đầu tư trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực khác nhau như về hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp.
Trong đó, tỉnh quy hoạch rõ diện tích, tổng vốn đầu tư và sẽ đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Đặc biệt, sau khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào khai thác, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã hướng về các địa phương trong tỉnh như TP.Long Khánh, huyện Thống Nhất, Xuân Lộc… với mức đầu tư ngày càng tăng.
Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết: “Đồng Nai tiến hành quy hoạch 21 dự án du lịch sinh thái để mời gọi các nhà đầu tư. Đây cũng là lĩnh vực tỉnh có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác tốt nên trong giai đoạn tới sẽ ưu tiên làm hạ tầng giao thông kết nối vào những nơi đã quy hoạch phát triển du lịch. Mục tiêu của tỉnh là trong giai đoạn tới sẽ đẩy mạnh khai thác trên lĩnh vực du lịch sinh thái và tăng doanh thu”.
Theo ông Hà, tỉnh mời gọi các DN trong nước, nước ngoài có thực lực đầu tư vào các lĩnh vực trên nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới.
Về phía tỉnh sẽ tạo điều kiện rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ để DN đầu tư các dự án sớm hoàn thành thủ tục, khởi công xây dựng.
Trong giai đoạn tới, Đồng Nai cũng sẽ tập trung phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, nhưng vẫn chú trọng về lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện tỉnh này đang hình thành phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái, cây công nghiệp, rau củ quả, bắp... nhằm đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu. Do đó, các địa phương trong tỉnh sẽ ưu tiên mời gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản để tránh tình trạng được mùa rớt giá, thất mùa được giá.
Hơn nữa, khi giá nông sản xuống thấp có thể tăng cường khâu chế biến vẫn đảm bảo đầu ra ổn định.
Xuân Lộc là một trong những huyện đi đầu hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây trồng, cánh đồng lớn. Trong đó, nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như: xoài Suối Lớn; cam, quýt Xuân Hưng; sầu riêng Xuân Định; chôm chôm Bảo Hòa; lúa hữu cơ Xuân Phú... Chính sự phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp đã kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ.
Trên địa bàn huyện Xuân Lộc cũng đã hình thành 1 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp, thu hút hơn 1,7 ngàn DN, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hơn 60 cơ sở chế biến nông sản, thức ăn gia súc, phân bón và hơn 10 ngàn cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ. Không chỉ giải quyết đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho người dân địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho hàng chục ngàn lao động địa phương.
Ngoài ra, địa phương này cũng đang huy động thêm các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, khai thác các điểm du lịch tiềm năng như hồ Núi Le, hồ Gia Ui, Thác Trời, căn cứ Rừng Lá, Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh quốc gia Núi Chứa Chan; hình thành tour gắn các điểm tham quan với vườn sản xuất, thông qua đó góp phần quảng bá, phát triển kênh tiêu thụ nông sản địa phương.
Anh Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Việt cho rằng, chính vì nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tối đa của địa phương đã giúp công ty đầu tư trang trại chăn nuôi gà kết hợp trồng trọt và trở thành doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Chỉ tính riêng mảng trồng trọt, doanh nghiệp có 5 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP gồm: dưa lưới, cà chua, ớt chuông, dưa hấu, các loại rau ăn lá với doanh thu gần 10 tỷ đồng mỗi năm. Doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư để trang trại tại H.Xuân Lộc trở thành vùng sản xuất rau và gà xuất khẩu sang Nhật Bản và nhiều nước khác.
Trao đổi với NNVN, ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ cho những địa phương huyện đã hoàn thành hạ tầng các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản sâu nhằm tăng giá trị gia tăng cho nông sản”.
Theo ông Chánh, nông sản được chế biến sâu có thể làm tăng giá trị từ 5-10 lần so với bán thô như hiện nay. Hiện khu vực cửa ngõ phía Đông của tỉnh là nơi có rất nhiều loại cây ăn trái, cây công nghiệp nổi tiếng về chất lượng và có số lượng lớn là chôm chôm, sầu riêng, xoài, bưởi, bơ, tiêu, cà phê, chuối, mít. Ngoài ra, tại một số huyện như Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, người dân còn trồng một số cây dược liệu, nếu chế biến được cũng sẽ mang lại giá trị rất lớn.
“Đồng Nai là nơi có rất nhiều loại trái cây, nông sản, dược liệu quý nếu chế biến sâu để tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ tăng giá trị gia tăng gấp nhiều lần so với bán thô như hiện nay.
Tuy nhiên, cần phải tạo liên kết chặt chẽ giữa nhà vườn và doanh nghiệp để nông dân tập trung sản xuất, doanh nghiệp yên tâm chế biến và tìm thị trường tiêu thụ”. PGS.TS Võ Phước Tấn, chuyên gia nghiên cứu về thương mại quốc tế (Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM) cho biết.
Theo Minh Sáng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã