Hiện nay, huyện Mai Sơn của tỉnh Sơn La có 10.000 ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là xoài và nhãn, diện tích trồng cam hiện nay của huyện vào khoảng 300 ha, cho sản lượng vào khoảng 12-15 tấn/năm. Theo ông Nghiêm Quang Trung, Phó Phòng Nông nghiệp huyện, do diện tích cam mới đầu tư khoảng 3-4 năm là chủ yếu nên sản lượng chưa cao như các khu vực trồng cam 7-10 năm của các địa phương khác.
Theo ông Nghiêm Quang Trung, để tạo thuận lợi cho quá trình cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH, đơn vị sẽ phối hợp với chuyên gia của TH và các hợp tác xã địa phương để thống nhất được các yêu cầu chất lượng, ví dụ như tiêu chuẩn VietGAP, độ ngọt, đường kính quả...
Hiện nay, huyện Mai Sơn đang có 105 hợp tác xã nông nghiệp phát triển cây ăn quả, đây sẽ là những đầu mối chính để phối hợp, tạo thành chuỗi cung ứng nguyên liệu từ hoa quả cho đến dược liệu cho nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ trong tương lai.
Tại một số hộ trồng cam ở xã Chiềng Ban, đại diện nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đã có những trao đổi với nông dân và người đứng đầu hợp tác xã về nhu cầu nguyên liệu, tiêu chuẩn sản phẩm, phương thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong thời gian tới.
Các vườn cam ở xã Chiềng Ban chủ yếu trồng các giống cam phổ biến, năng suất cao như V1, V2, C36.. Ngoài ra, các hộ cũng đang thử nghiệm một số giống mới mang tính thăm dò như cam Mỹ, cam ruột đỏ...
Không chỉ dựa vào hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, nông dân ở Mai Sơn còn chủ động tìm tòi, nghiên cứu để phát triển vườn cam của mình. Họ sẵn sàng đi đến các vùng cam lớn trong cả nước như Hòa Bình, Nghệ An để học tập kinh nghiệm, đầu tư hệ thống tưới, chăm bón hiện đại để nâng cao năng suất.
Ngoài cam, Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; huyện Vân Hồ (nơi đặt nhà máy); vùng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu và mở rộng sang Cao Phong, Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; Vân Hội – Yên Bái.
Anh Hoàng Văn Trường, chủ một vườn cam rộng 5ha với 450 gốc ở Chiềng Ban cho biết, đã sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH trong thời gian tới, đảm bảo canh tác, thu hoạch theo đúng các tiêu chuẩn đề ra từ phía nhà máy.
Theo đó, với định hướng liên kết với nông dân thông qua các Hợp tác xã, xây dựng chuỗi sản xuất, tập đoàn TH sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế. Trong mô hình này, Hợp tác xã sẽ như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm do doanh nghiệp dẫn dắt, đưa ra kế hoạch sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
Không chỉ là phát triển kinh tế, sự xuất hiện tiên phong của một doanh nghiệp lớn và uy tín như Tập đoàn TH ở một huyện 30A, vùng cao, khó khăn của tỉnh vùng biên, sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư, góp phần thực hiện bền vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nâng tầm kinh tế vùng phên giậu, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Nguồn tin: Tùng Đinh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã