Học tập đạo đức HCM

Hiến kế giải pháp gỡ khó cho sản xuất công nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Thứ sáu - 30/07/2021 06:58
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.

Những khó khăn trước diễn biến dịch bệnh

Do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, từ đó gây ra sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.

Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình. Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan. Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất trong nước do đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Vì vậy, việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp và doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.

Đối với khó khăn về nguồn cung, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm… Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa hạ nhiệt đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu.

Quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp và các khu công nghiệp chưa được triển khai nhất quán và kịp thời.

Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử…Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của nhà nước về tín dụng, thuế cho doanh nghiệp, an sinh xã hội cho người lao động vẫn còn khó được tiếp cận.

Từ phản ánh của các Hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp, có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu của các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là do không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt. Các địa phương chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này, chưa ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch, đặc biệt là việc ưu tiên tiêm vaccine cho họ. Từ đó, dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số ngành hàng bị nhiều địa phương đánh giá không phải là “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng, ví dụ các cơ sở chế biến thô tươi sống các sản phẩm chăn nuôi (các lò mổ, lò chế biến thịt gia súc, gia cầm, thủy sản…).

Giải pháp khắc phục

Theo ý kiến của các Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, cần tiến hành một số giải pháp cấp bách ngay sau đây để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để ổn định kinh tế, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, Bộ Y tế cần xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng chống Covid-19, trong đó bổ sung mức ưu tiên đối với đối tượng lao động trong ngành vận tải – đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics (như đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu…) là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine tại điểm b mục 3 phần III (đối tượng tiêm) của Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021 – 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế (tương đương với lực lượng tuyến đầu chống dịch) nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi mức ưu tiên đối với đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất…) trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine theo điểm g mục 3 phần III (đối tượng tiêm) của Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021 – 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm việc ưu tiên tiêm vaccine đối với các đối tượng trên. Bộ Y tế cần có trách nhiệm giám sát việc tiêm vaccine cho các đối tượng lao động này và có chế tài xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện chỉ đạo nêu trên.

Hơn thế nữa, các địa phương cũng cần quan tâm hơn đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa, cụ thể:

Đơn giản hóa yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Xem xét gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng;

Đối với các đối tượng (lái xe, phụ xe liên tỉnh) đã được tiêm vaccine, cần cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19; áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Trong thời gian trước mắt, cần bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” như các cơ sở chế biến thực phẩm từ các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để tạo điều kiện ổn định lưu thông, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Sau khi tiến hành tiêm vaccine rộng rãi đối với các đối tượng lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, cần xem xét nới lỏng và tiến tới bãi bỏ các điều kiện về “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” để thúc đẩy lưu thông, sản xuất và cung ứng hàng hóa trong cả nước.

Nhằm bảo đảm ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, cần xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng (tuy nhiên vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng – đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử.

Các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính online, đặc biệt là các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.
43243213 1597264665586 acfa7

Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất. Trong đó, xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; Bộ Tài chính xem xét tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như tiếp tục các chính sách ưu đãi về thuế, phí để kích cầu tiêu dùng trong một số ngành hàng (như chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ trước đây…); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp phía Nam – với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, trong đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các doanh nghiệp có kế hoạch về nhân sự, lao động và tài chính để hoạt động trở lại sau dịch.


 Tác giả: Ngọc Hân/https://moit.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập289
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm288
  • Hôm nay36,442
  • Tháng hiện tại640,350
  • Tổng lượt truy cập93,018,014
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây