Đón tôi ở đầu cổng, bà Nguyễn Thị Hy đã hỏi luôn “Bác là nhà báo à?”. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi trước câu hỏi thay câu chào ấy nên ông Phượng, người dẫn đường cho tôi, vội giải thích: “Tuần trước nhà bà Hy đây có đoàn của Hội Nông dân huyện về tham quan, hôm đó còn có phóng viên của Đài PT-TH tỉnh Hưng Yên đi cùng”.
Người đàn bà “độc thân” bên vườn nhãn trĩu cành
Theo lời mời “Các bác vào nhà cho đỡ nắng” của bà Hy, tôi bước qua cánh cổng sắt, đập ngay vào mắt tôi là một căn nhà cấp 4 đã sập sệ. Một ngôi nhà đáng lẽ ra phải đập đi xây lại lâu rồi nhưng hình như gia chủ của nó không muốn thay đổi.
Ông Phượng cũng lại vội giải thích: “Trông nhà cu cũ thế thôi chứ bà Hy đây cũng vào loại điển hình của xã đấy”. Tôi quay đầu ghé sát tại ông Phượng: “Điển hình về hộ nghèo ư?”. Ông Phượng cười to: “Điển hình gia đình làm kinh tế vườn giỏi. Mà đã làm kinh tế vườn giỏi thì nghèo làm sao được”.
Bà Nguyễn Thị Hy năm nay ngoài sáu mươi, chồng bà xa nhà đã lâu, nhà có năm cô con gái thì đều đã theo chồng hết cả thành thử bà Hy trở thành hộ “độc thân”. Mà đã là hộ độc thân thì “ở mấy” nên bà chẳng muốn sửa sang nhà cửa hay xây nhà mới. Kể cũng lạ, căn nhà đã cũ lại chật hẹp như vậy mà bà Hy đã nuôi năm cô con gái khôn lớn rồi gả chồng đàng hoàng.
Người đàn bà nhìn vẻ ngoài chẳng có gì thấy là vất vả, thấy là khó khăn gì gì cả. Một người đàn bà vui tính, nụ cười luôn thường trực đã cho tôi những cảm tình đầu tiên. Tôi thầm đoán: “Hình như người nông dân đều cho rằng khó khăn, gian khổ là chuyện bình thường. Đời cứ vui là sống khỏe”.
Ở xóm 16 này (trước gọi là thôn Bãi Sậy 1, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) sáng hôm tôi về nhìn đâu cũng thấy nhãn là nhãn. Nhãn trồng trong vườn, nhãn bên bờ ao, nhãn sát đường đi. Thảo nào mọi người đều khẳng định “Khoái Châu là thủ phủ nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên”.
Xưa kia vùng đất này lau sậy mọc um tùm. Nghe đâu hồi thực dân Pháp mới sang xâm lược nước ta người dân Hưng Yên đâu chịu cúi đầu. Theo lời hiệu triệu Cần Vương của Vua Hàm Nghi đã có nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Vùng đất sình lầy, lau sậy um tùm đã trở thành cứ địa cho nghĩa quân của ông Tán Thuật (Nguyễn Thiện Thuật).
Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 – 1892) nổ ra tuy không giành được thắng lợi như mong muốn nhưng đã cho thấy ý chí bất khuất của người dân nơi đây. Sau này chính tại căn cứ trung tâm của cuộc khởi nghĩa đã hình thành nên các thôn làng và cái tên Bãi Sậy 1, 2 và 3 được đặt cho những làng những thôn ấy. Hình như truyền thống đã và đang được phát huy trong công cuộc “xóa đói giảm nghèo” của địa phương?
Bà Hy bắt đầu trồng nhãn cách đây chừng 7, 8 năm. So với những hộ gia đình khác ở xã thì có vẻ hơi chậm. Với diện tích đất vườn hơn 1000m2 trước kia trồng rau nhì nhằng bà Hy đã mạnh dạn chuyển sang trồng nhãn toàn bộ. Một thân một mình, năm cô con gái có giúp mẹ thì cũng chỉ bữa nay bữa mai, họ cũng bận việc nhà chồng của mình.
Thế là cặm cụi, thế là nhờ bà con hàng xóm và thế là bỏ tiền do Hội Nông dân cho vay để thuê người, mua đất màu về cải tạo vườn và mua cây nhãn giống. Cho đến nay vườn nhãn nhà bà Hy đã có gần 60 cây đang cho trái chín.
Mấy bữa nay bà Hy rất bận, phần vì phải chuẩn bị cây que để chống cành vì nhãn đã bắt đầu xuống nước. Nhãn xuống nước nên chùm quả trĩu cành lại trĩu cành thêm. Bà Hy phải chống đỡ cho cành khỏi gẫy. Lại bận thêm vì khắp vườn, tức là dưới những gốc nhãn là những luống địa liền cũng sắp đến ngày thu hái. Bận thế mà có mỗi mình kể cũng vất.
Tôi đùa: “Hay là tôi ở lại làng làm thuê cho bà ít bữa. Bà cứ trả công cho tôi bằng nhãn quả là được”. Bà Hy đùa lại: “Sợ bác ăn nhãn nhà em sẽ đâm nghiện mà không về Hà Nội được”.
Ông Phượng cho biết thêm: “Dưới vườn nhãn bà con trồng địa liền và tam thất. Đều là loại thuốc nam quý cả. Hai giống cây thuốc ấy lại hợp dưới gốc nhãn mới hay chứ. Lợi nhuận tăng. Tiền cũng kha khá”.
Vui thế đấy. Bà Hy cho biết, vụ nhãn năm nay cũng tàm tạm, ước tính mỗi cây nhãn cho 80kg quả chín. Nếu nhân với giá hiện tại là 20.000đ một cân thì vụ nhãn năm nay nhà bà Hy thu về số tiền không nhỏ.
Tôi nói: “Có nhiều tiền thì bà xây ngôi nhà mới ở cho sướng lúc tuổi già”. Bà Hy cười: “Có mỗi mình ở đáng bao nhiêu mà xây cho tốn. Tiền em gửi ngân hàng cho chắc. Ốm đau con cháu không phải lo. Ngộ nhỡ mình có theo các cụ thì cũng có khoản cho con cháu làm vốn. Người quê chỉ có thế thôi bác nhà báo ạ”.
Và ông “tỷ phú” nhãn lồng
Ông Phượng hồ hởi cho biết thêm: “Ông Thắng này có cây nhãn cổ 90 tuổi đấy”. Tôi bày tỏ ý muốn “thăm” cây nhãn quý ấy thì ông Thắng cười xua tay: “Khi nào tròn 100 tuổi em mời bác về chụp ảnh làm cây “di sản”. Giờ phải chăm cho nó sống và cho đều đều cho quả đã. Người lạ đến bên em chỉ sợ cây thấy “ồn ào” mà chột thì tiếc lắm”.
Câu chuyện của người trồng nhãn lâu năm lại có cái hay của nó. Ông Thắng cho biết: “Đừng nghĩ đem cây giống về trồng trong vườn là có nhãn ăn ngay. Đâu phải thế. Nhiều công đoạn lắm. Ví dụ như riêng khâu chăm sóc thôi đã có tới 7 công đoạn. Lơ là bất cứ công đoạn nào là kém quả ngay”.
Tôi cười, “Cũng vất chứ có nhàn đâu”. Ông Thắng lừ mắt: “Nhàn là nhàn thế nào. Muốn có tiền mà nhàn thì một xu cũng không có”.
Rồi ông Thắng kể, quãng 30 năm trước có ông Miền Thiết ở làng An Tử xã Hàm Tử cùng huyện đem giống nhãn lồng từ mạn Phố Hiến về gây giống. Ai ngờ giống nhãn lồng ngon ngọt nổi tiếng cứ tưởng không xa được Phố Hiến lại hợp với đồng đất Khoái Châu. Thế là “tiếng lành đồn xa” giống nhãn lồng Phố Hiến do ông Miền Thiết gây trên đất vốn xưa nay chỉ trồng được ngô với cây đay quanh năm chẳng đủ ăn thì nay bỗng “đổi đời”.
Vùng quê nghèo “Oai oái như Phủ Khoái xin tương” đã chuyển mình thực sự. Cây nhãn lồng nhanh chóng lan ra toàn huyện. Bởi thế mới có chuyện người dân nơi đây gọi là giống “Nhãn lồng Miền Thiết hay đơn giản là nhãn Miền”.
Nhà ông Thắng - ngôi nhà 2 tầng xây cách đây 10 năm rộng rãi ở không hết vậy mà anh con trai lớn của ông lại xin phép xây thêm một ngôi nhà 2 tầng nữa. Đúng lúc chúng tôi tới nhà ông Thắng đang mải dọn dẹp cát gạch. Một ngôi nhà đã xây xong phần thô gạch còn tươi roi rói bên cạnh ngôi nhà cũ đã nói lên tất cả về ích lợi từ việc trồng nhãn đem lại.
Tôi ướm: “Năm nay thu hoạch với thu nhập thế nào ông Thắng nhỉ?”. Người đàn ông dáng nhỏ con, ăn mặc tềnh toàng chẳng ra dáng “kẻ có tiền” sau khi rít một hơi thuốc lào rõ kêu thì thật thà: “Gốc nhãn to đạt 1 tấn quả một vụ. Gốc nhỏ hay mới trồng vài năm thì chừng 50kg. Năm nay á? Năm nay chắc đạt sản lượng gần 90 tấn quả/ha. Nhà tôi có hơn 3,6ha. Nói nhanh cho vuông chắc có 1,5 tỷ đồng đút túi”.
Thật là kỳ diệu. Tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Đúng là về quê như cách nói của người thành phố, thì đừng bất ngờ nếu thấy giữa vườn nổi lên những căn biệt thự sang trọng hay bắt gặp một bác nông dân quần sắn móng lợn, rau tóc chưa kịp cạo lại là một tỷ phú thực sự.
Hiện toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 3820ha nhãn lồng, riêng huyện Khoái Châu đã chiếm 50% diện tích (ngoài ra còn ở các huyện như: Kim Động, Tiên Lữ, Phủ Cừ và thành phố Hưng Yên). Khoái Châu trở thành “thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên” với tổng sản lượng ước chừng trên 48000 tấn mỗi vụ. Cây nhãn lồng trở thành cây chủ lực của Khoái Châu, thành cây làm giàu cho nhiều gia đình. Nhiều hộ đã xây nhà khang trang, nhiều nhà sắm xe hơi.
Theo Nguyễn Trọng Văn/danviet.vn
https://danviet.vn/hung-yen-ve-tham-ty-phu-nhan-long-tan-dan-nghe-chuyen-cay-nhan-co-90-tuoi-20200830080500755.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã