Năm 1998 anh Cao Minh Quý người gốc ở tỉnh Hà Nam quyết định bán nhà ở quê được 27 triệu cộng với khoản 26 triệu dành dụm được lên thôn Kim 2 xã Phượng Sơn huyện Lục Ngạn mua 7 sào vườn ôm mộng đổi đời. “Khát đất” từ thủơ trẻ, cứ chạy chợ được bao nhiêu tiền là anh lại mua thêm vườn bấy nhiêu. Cuối cùng khu vườn nở thành ra tổng cộng hơn 2 ha.
Lúc đầu anh Quý trồng vải theo phong trào nhưng thu nhập năm được năm mất thành ra đâm chán. Trong một lần xuống thôn Đồng Quýt của xã Tân Mộc thấy người ta trồng cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn rất nhanh giàu, anh thích quá nhưng suy đi, tính lại chọn… bưởi da xanh để không bị đụng hàng.
Năm 2010, anh mua 500 cây giống từ trong Nam ra, do không biết trồng nên hỏng mất hơn 100 gốc: “Họ làm bầu bằng xơ dừa, khi trồng xuống đất xơ dừa mục tôi lại không biết chống, biết chằng nên khi cây ra lộc, nặng cành, gió lay thành ra lỏng gốc mà chết”.
Ở Lục Ngạn hồi đó gần như chưa mấy ai biết đến dòng bưởi da xanh này. Cách trồng của anh cũng rất khác người, bưởi xen với vải, cứ 1 gốc vải cũ lại có 5 gốc bưởi da xanh mới bám xung quanh.
Cây bưởi mới sinh trưởng lên đến đâu, cành vải phát cao trên ngọn đến đấy, nhường tán cho nhau để quang hợp ánh nắng mặt trời. Khi bưởi lớn anh chặt bớt vải đi nhưng không tận diệt mà vẫn để xen kẽ vì sự hợp lý của nó. Hiện vườn nhà anh có 250 gốc vải, 1.500 gốc bưởi.
Anh phân tích, trồng bưởi xen vải có nhiều cái lợi. Thứ nhất là có hai nguồn thu. Năm ngoái 16 tấn bưởi bán ngay tại vườn giá đã trên 30.000đ/kg mà dân buôn Hải Phòng, Quảng Ninh còn tranh nhau mua, đánh “dạt” hết dân buôn Hà Nội bởi đặt giá cao hơn, giúp chủ nhân của chúng thu 500 triệu.
Vải nhiều, anh chẳng buồn thống kê bao nhiêu tạ, bao nhiêu tấn mà cứ sọt lớn, sọt nhỏ chở ra chợ Kim bán rồi ôm một cục tiền về, đến cuối vụ mới đếm được hơn 300 triệu. Tổng hai loại cây ăn quả anh thu lãi hơn 700 triệu.
Lợi ích thứ hai là trồng xen thế gần như không có cỏ, đỡ phải công làm vì tán vải rậm, có độ che phủ tốt.
Lợi ích thứ ba là bệnh khó lây. Hai loại cây khác xa họ này chung nhau mỗi con sâu đo, không có hại nhiều hơn thế thiên địch lại cùng kiềm chế sâu bọ của nhau.
Bưởi có sâu vẽ bùa rất nguy hiểm thì anh đã có cách trị bằng loại thuốc tự chế vô cùng độc đáo, 4 năm nay áp dụng chỉ có thắng chứ chưa thấy có thua gồm gừng, giềng, thuốc lào, tỏi, quế, mật nhân, ớt.
Cụ thể, nguyên liệu gồm 20-25 kg ớt, 15 kg gừng, 10 kg giềng, 5 kg quế, 10 kg mật nhân, 4 kg thuốc lào loại kém (chất lượng xấu để có thể mua với giá rẻ - PV), 10 kg tỏi tất cả giã nhỏ, đổ rượu vào ngâm trong thùng 200 lít 2 tháng rồi lọc để tránh tắc vòi phun. Khi dùng bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Dung dịch trừ sâu độc đáo này nếu đậy kín có thể để được vài năm mà khi phun vẫn có tác dụng.
Nếu như trước đây còn dùng thuốc hóa học anh Quý phải đeo khẩu trang, kính phòng hộ mà vẫn thấy mệt, giờ phun thuốc tự chế, chẳng phải bảo hộ lao động gì cả mà lại thấy khỏe ra, môi trường không bị ô nhiễm, hơn nữa giá của các nguyên liệu cũng không quá cao: “Nếu ở dưới xuôi không có cây mật nhân thì bà con có thể gia tăng các nguyên liệu khác còn lại để bù trừ”.
Theo anh, bệnh trên cây thì loại thuốc tự chế khó mà chữa được nhưng sâu, bọ gì cũng chết. Với vẽ bùa, sâu que anh thường pha theo tỷ lệ 1 lít dịch với 150 lít nước cùng 100cc nước rửa bát là chết.
Với rệp, bướm, nhện đỏ anh pha theo tỷ lệ đặc hơn 1 lít dịch với 100 lít nước cùng 100cc nước rửa bát. Sở dĩ phải pha thêm nước rửa bát bởi tạo chất kết dính, bít đường thở của sâu bọ.
Trong bảo vệ thực vật, việc phòng quan trọng hơn là chống bởi vậy phát hiện sớm sâu bệnh đặc biệt có ý nghĩa. Dụng cụ thường xuyên trong túi anh là chiếc kính lúp và cái kéo cắt tỉa.
Trừ có công việc phải đi đâu còn không mỗi ngày anh ra vườn ít nhất 4-5 lần theo thói quen, hết soi kính lúp vào cái lá, thân cây, quả và hễ thấy cành nào thừa thãi là cắt tỉa ngay.
Có những loại sâu bọ mắt thường có thể thấy được dễ dàng nhưng nhện trắng thì lại rất nhỏ, phải dùng đến kính lúp. Với những loại siêu nhỏ khác không thể hiển thị trên kính lúp thì đã có kính phóng đại điện tử được gắn vào máy ảnh của điện thoại thông minh để chiếu to lên hàng mấy chục đến cả trăm lần.
Chăm cây là phải chăm từ đất. Bưởi da xanh vốn khó tính nhưng lại cho thu nhập tốt nếu biết “chiều” nó. Chúng hợp nhất đất ở trên cao, khi trồng phải để ý chăm bón cả trung, vi lượng và đặc biệt phải bảo vệ độ phì trong đất.
Vốc một vốc đất trong tay anh cười và hỏi tôi: “Anh có biết tại sao đất vùng này vốn khô cằn toàn sỏi đá như thế mà cây trồng lên lại tốt tươi không? Tôi quan niệm đất cằn cỗi mấy cũng có thể cải tạo được.
Mỗi vụ tôi bón mỗi gốc 1 bao phân chuồng, mỗi năm tôi bón một lần NPK, lân Lâm Thao để tăng sức đề kháng và khả năng cứng cây, dưỡng quả...”.
Trong khi nhiều nhà vườn khác phun thuốc trừ cỏ để đỡ tốn công thì 10 năm nay anh nói không với thuốc trừ cỏ bởi nó hủy diệt đất, phá hỏng dần bộ rễ của cây.
Mà một khi cây đã hỏng rễ là cả vườn đến thời kỳ thải loại: “Hồi tôi còn trồng toàn vải đã quan sát những vườn làm cỏ bằng tay và phun thuốc trừ cỏ cây đã khác nhau rồi nên giờ cứ chịu khó theo thôi”.
Trong vườn anh còn để nhiều gốc cây, cành, lá để kiến nghệ, kiến đen có chỗ trú ngụ khi phun thuốc tự chế, còn thuốc hóa học cực hạn chế dùng, chỉ dùng mỗi thuốc muỗi đuổi ruồi vàng đục quả. Để tránh đám ruồi vàng còn sót lại đục quả, quả nào lớn thò ra ngoài là anh đều dùng bao để bọc lại.
Học theo anh, hiện tại có khoảng 70% gia đình trong xóm trồng xen bưởi lẫn vải, chỉ có điều tỷ lệ người nhiều người ít.
Có nhà sáng đi qua thấy vườn vải, chiều đi lại đã thấy vườn bưởi rồi vì đã trồng bưởi bên dưới từ năm ngoái, năm nay cứng cây mới cắt bớt vải để chúng trồi lên.
Cũng học theo anh 20-30% dân trong xóm rủ nhau dùng thuốc sâu tự chế, hạn chế dùng thuốc hóa học nên ngay cả những lúc thời vụ nhất đi qua vùng này cũng ít thấy mùi của các chất độc hại mà chỉ toàn hương đồng, gió nội mát lành.
Bưởi da xanh là một giống cây có múi nguồn gốc đầu tiên ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Quả của chúng có dạng hình cầu, nặng trung bình từ 1,2 – 2,5 kg, vỏ có màu xanh đến xanh hơi vàng khi chín, dễ lột và khá mỏng, tép màu hồng đỏ, vị ngọt hơi chua, không hạt đến khá nhiều hạt.
Trong điều kiện bình thường quả bưởi da xanh có thể để lâu hơn 15 ngày. Giống bưởi này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống quốc gia, quả được xuất khẩu sang 50 thị trường khác nhau trên thế giới.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là khi tách ra khỏi môi trường bản địa (miền Nam) trồng ở các vùng khác vì bưởi da xanh có bộ rễ rất mỏng manh nên dễ bị bệnh mà nguy hiểm nhất là vàng lá thối rễ với biểu hiện lá vàng, ngọn rụt, rễ tơ bị tiêu hết.
Bởi thế nên trước khi trồng phải nghiên cứu thật kỹ cả về độ sạch bệnh của giống, môi trường sinh thái, cách chăm sóc cũng như khả năng kinh tế vì đầu tư cho chúng khá tốn kém về công, của.
Theo Dương Đình Tường/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã