Hơn cả một loại thực phẩm, hạt gạo đối với chúng ta chứa cả trăm nghìn câu chuyện sâu xa, góp phần nuôi dưỡng tinh thần người Việt.
Lịch sử ghi lại, vua Trần Nhân Tông, lần thứ hai đánh đuổi giặc Nguyên Mông, trong lúc thiếu thốn được tôi tớ dâng lên bát cơm hẩm do gạo xấu, nhưng lúc đó vua vẫn ban thưởng cho người dâng cơm, gọi người đó là trung thần và ăn rất ngon lành.
Vua Duy Tân dù hàng ngày tiếp xúc với nhiều sơn hào hải vị nhưng vẫn không quên bát cơm giản dị ngày còn bé.
Hạt gạo cũng đi vào thơ, ca, nhạc, họa, đi vào những câu chuyện cổ tích nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, như câu chuyện chàng Lang Liêu làm ra chiếc bánh là kết tinh của trời và đất.
Khi xuất hiện trong giấc mơ của Lang Liêu và mách bảo chàng, thần nhân đã giảng giải cặn kẽ về nguyên liệu làm nên chiếc bánh là gạo - hạt ngọc trời nuôi nấng tâm hồn người Việt.
Theo truyền thuyết, khi vua Hùng Vương thứ sáu tuổi cao sức yếu nên muốn tìm một người kế vị nhưng lại có tới 20 người con trai.
Để chọn người tài, nhà vua hạ lệnh, trong lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý mình vua sẽ truyền ngôi cho.
Các lang ai nấy đều tất bật sai người tìm của ngon vật lạ để dâng vua, chỉ có Lang Liêu, người con thứ 18 là buồn nhất.
Bởi xưa nay Lang Liêu chỉ quen với việc trồng trọt, trong nhà chẳng có gì ngoài lúa gạo, ngô khoai nên không biết tìm đâu ra những sản vật quý giá dâng lên vua cha.
Đêm đó, trong giấc ngủ, Lang Liêu được thần mách bảo, và chàng chọn ra thứ gạo nếp ngon nhất trong nhà để làm ra hai thứ bánh, một loại có hình vuông và một loại có hình tròn.
Khi ngày lễ Tiên Vương đến, vua cha rất hài lòng với những lễ vật của Lang Liêu, ngài bèn đặt tên bánh hình vuông là bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh tròn là bánh giầy tượng trưng cho trời.
Vua dùng bánh của Lang Liêu để tế lễ trời, đất và Tiên Vương sau đó truyền ngôi lại cho Lang Liêu.
Và kể từ đó, cứ đến ngày tết, vua lệnh cho dân chúng làm hai loại bánh này để dâng lên tổ tiên cầu mong tổ tiên phù hộ mang đến vụ mùa thuận lợi trong năm mới.
Dần dần, làm bánh chưng, bánh giầy ngày tết đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Khi xuất hiện trong giấc mơ của Lang Liêu và mách bảo chàng, thần nhân đã giảng giải cặn kẽ về nguyên liệu làm nên chiếc bánh là gạo - hạt ngọc trời nuôi nấng tâm hồn người Việt.
Kể từ năm 1989, khi những hạt gạo đầu tiên của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, đến nay, Việt Nam đã vươn lên là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo.
Giữa năm 2018, khi gạo Việt vượt qua Thái Lan về giá bán, nhiều người gọi đó là "kỳ tích" bởi, bao nhiêu năm hạt gạo Việt luôn lép vế trước đối thủ Thái Lan, Ấn Độ cả về lượng và chất.
Thành công trong chuyển từ lượng sang chất, "hạt ngọc" Việt đã thay đổi thứ tự trên bảng xếp hạng.
Năm 2020, Việt Nam vượt Thái Lan trở thành cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới. Xuất khẩu gạo đạt 6,15 triệu tấn, thu về 3,07 tỷ USD.
Đáng chú ý, lượng xuất khẩu tuy giảm khoảng 3,5% nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%.
Đặc biệt, gạo Việt Nam liên tiếp vượt cả Thái Lan và Ấn Độ để soán ngôi số 1 thế giới về giá bán.
Năm 2020, với bình quân giá xuất khẩu đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019, nông dân trồng lúa có lợi nhuận cao.
Theo tính toán, với năng suất khoảng 7 triệu tấn/ha, người dân có thể thu về từ 65-70 triệu đồng/ha trong khi đó chi phí chỉ khoảng 16-17 triệu đồng/ha, tức có lời tới 70%, tương đương khoảng 50 triệu đồng/ha.
Đầu 2021, gạo Việt vẫn giữ vững vị thế số 1 về giá bán. Theo đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2021 ước đạt 450.000 tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2021 đạt 547,9 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020.
TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thừa nhận, lúa gạo là một ngành hàng thành công nhất trong thời gian qua.
Từ chỗ chỉ xuất khẩu được 1 triệu tấn/năm, giờ Việt Nam đã thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Nếu trước kia, giá gạo Việt thấp hơn nhiều so với giá gạo thế giới, nhất là gạo Thái Lan, thì giờ đã tiến sát, thậm chí có thời điểm còn cao hơn.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: Ngành lúa gạo đã thực hiện tái cơ cấu đúng hướng và rất thành công dù những năm qua, diện tích lúa đã giảm để nhường chỗ cho các ngành kinh tế khác.
Có thể thấy rất rõ là những năm qua, chất lượng, năng suất lúa đã có sự nhảy vọt, bình quân trên 6 tấn/ha. Điều đáng nói là năng suất này phủ đồng đều trên diện tích 7,7 triệu ha gieo cấy lúa.
Nghĩa là, khoa học kỹ thuật, chất lượng giống lúa đã giúp chúng ta lấp được các vùng trũng về năng suất.
Chất lượng lúa gạo Việt Nam ngày càng được khẳng định, khi tỷ lệ giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đã chiếm đến 80%, có những địa phương chiếm đến 100%.
"Nhưng theo tôi, thành quả quan trọng nhất của ngành hàng lúa gạo trong những năm qua là đã tìm ra được lời giải cho bài toán khắc chế, sống chung với hạn mặn ngày càng diễn biến phức tạp và kéo dài. Tôi cho đó là một thành công mang tính cách mạng.
Còn nhớ vụ đông xuân 2015 - 2016, khi hạn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, hàng trăm nghìn ha lúa của vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng.
Sau thiệt hại này, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã rút ra bài học kinh nghiệm, chuyển đổi cơ cấu thành công, những vùng không thể trồng lúa do tác động của hạn mặn được bà con chuyển sang trồng cây ăn trái" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Hay vụ đông xuân 2019 -2020, xâm nhập mặn được dự báo còn khốc liệt hơn rất nhiều so với năm 2015 -2016, dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm chúng ta phải tạm dừng xuất khẩu gạo để đánh giá lại sản lượng gạo trong nước có đảm bảo an ninh lương thực không.
"Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, xuất khẩu gạo đã đạt con số kỷ lục 3,1 tỷ USD, giá gạo Việt Nam cao nhất nhì thế giới" - Thứ trưởng Doanh nói thêm.
Đáng chú ý, thu nhập của người dân trồng lúa ngày càng được cải thiện. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, kết quả này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và việc đạt được không hề đơn giản.
Bởi lúa gạo là ngành hàng quan trọng vì phải gánh trên vai trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân trong khi diện tích đất sản xuất có xu hướng thu hẹp.
"Với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lúa gạo vẫn là lợi thế, theo tính toán với năng suất khoảng 7 triệu tấn/ha, người dân có thể thu về 65-70 triệu đồng/ha, lời khoảng 50 triệu đồng/ha. Có được kết quả này là do chúng ta đã có quá trình dài đầu tư căn cơ cho hệ thống hạ tầng thủy lợi, các tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu mùa vụ, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Theo Khánh Nguyên/danviet.vn
https://danviet.vn/tu-su-tich-banh-chung-banh-giay-den-ky-tich-the-gioi-20210419171215928.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã