Học tập đạo đức HCM

Lợi ích tưới tiết kiệm cho cây xoài

Thứ năm - 09/07/2020 22:51
Vườn xoài áp dụng tưới tiết kiệm không chỉ giúp người trồng tiết kiệm công tưới, lượng nước tưới, mà còn giúp cây tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh và nâng thu nhập.
Vườn xoài nhà ông Xuân đang áp dụng phương pháp tưới phun mưa. Ảnh: KS.

Vườn xoài nhà ông Xuân đang áp dụng phương pháp tưới phun mưa. Ảnh: KS.

Hiệu quả lớn

Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi do ông Lê Xuân Quang, Phó Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường dẫn đầu, vừa có chuyến khảo sát, kiểm tra tình hình áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tại vùng xoài huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Đoàn đã đến nhà ông Nguyễn Văn Xuân, thôn Tân Xuân Đông, xã Cam Thành Bắc - một trong những hộ tiên phong trong việc áp dụng mô hình tưới phun mưa cho cây xoài. Vườn xoài nhà ông xanh mượt, tươi tốt lại đang cho thu quả nghịch vụ. Trong khi các vườn xoài xung quanh bị khô héo, xác xơ vì nắng hạn thiếu nước tưới.

Ông Xuân cho biết, vườn xoài nhà ông có tổng diện tích 1,2 ha gồm 220 cây chủ yếu trồng giống cát Hòa Lộc. Hiện nay toàn bộ vườn được áp dụng công nghệ tưới phun mưa do ông tự đầu tư, thiết kế cách đây 7 năm.

Những hộ trồng xoài trên địa bàn tham quan đều đánh giá hiệu quả mang lại từ cách tưới này rất lớn, cụ thể, không chỉ tiết kiệm nguồn nước đáng kể, công tưới, mà con giúp cây trồng tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh, tăng thu nhập.

Nhờ áp dụng tưới phun mưa nên ông Xuân tiết kiệm công, nguồn nước tưới đáng kể. Ảnh: KS.

Nhờ áp dụng tưới phun mưa nên ông Xuân tiết kiệm công, nguồn nước tưới đáng kể. Ảnh: KS.

“Với diện tích vườn xoài này, nếu kéo ống tưới dí vào gốc phải mất 3 ngày, tức tốn 3 công lao động (mỗi công mất 250 ngàn đồng) mới tưới xong. Còn áp dụng tưới phun mưa, vào buổi sáng chỉ cần bật cầu dao điện lên là máy bơm hoạt động bơm tưới khắp vườn xoài chỉ mất 30 phút là cây đủ thấm đất.

Hơn nữa, cách tưới này giúp việc rửa lá, cũng như rửa bông rất tốt khi gặp thời tiết bất lợi như ảnh hưởng sương muối. Từ đó, giúp vườn giảm thiệt hại, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất ổn định và cao hơn các vườn không áp dụng khoảng 20%.

Vườn xoài nhà tôi mỗi năm chỉ làm vụ nghịch cho quả thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8. Vụ này giá xoài rất cao, từ 60 - 80 ngàn đ/kg. Với sản lượng thu từ 8-9 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 300 - 400 triệu đồng”, ông Xuân chia sẻ.

Ông Xuân đào và khoan giếng để tích nước phục vụ tưới nước cho xoài. Ảnh: KS.

Ông Xuân đào và khoan giếng để tích nước phục vụ tưới nước cho xoài. Ảnh: KS.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình tưới tại vườn xoài, ông Xuân cho biết thêm, nguồn nước tưới được ông khai thác từ giếng khoan. Giếng được đào sâu 8m, đường kính 6m. Tại vị trí đáy giếng được ông tiếp tục khoan sâu khoảng 16m nữa, dùng loại ống phi 60 và máy bơm để bơm nước lên.

Tại đây, ông dùng 2 máy bơm 10 ngựa hoặc 5 ngựa bơm thẳng vào đường ống dẫn, rồi đưa nước đến đường ống phi 27 gắn béc phun được thiết kế thẳng đứng dọc theo thân cây, cao khoảng 5,5m bằng chiều cao cây để tưới cây từ trên cao xuống mặt đất.

“Nhờ sử dụng hệ thống tưới này nên nguồn nước sử dụng tưới xoài không bị lãng phí. Nước giếng khoan cũng không bao giờ cạn. Từ đó chủ động việc triển khai sản xuất mùa vụ hiệu quả ”, ông Xuân chia sẻ và nói, tất cả chi phí hệ thống tưới được mình bỏ ra đầu tư khoảng 300 triệu đồng.

Sau khi tham quan mô hình, ông Lê Xuân Quang, Phó Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đánh giá, đây là một mô hình điểm để bà con học tập, nhân rộng.  Dù hệ thống tưới được ông Xuân tự thiết kế theo kinh nghiệm, nhưng lợi ích mang lại trong sản xuất rất lớn như tiết kiệm cộng lên đến trên 90%, tăng năng suất cây trồng 20% và hạn chế sâu bệnh so với những hộ không đầu tư.

Được biết, toàn huyện Cam Lâm có khoảng 10% diện tích đã áp dụng tưới tiết kiệm cho cây xoài, tương đương khoảng 500ha.

Vùng xoài chủ lực sẽ được đầu tư mạng lưới tưới

Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Khánh Hòa, toàn tỉnh có hơn 8.000ha xoài. Trong đó, huyện Cam Lâm là "thủ phủ" trồng xoài của tỉnh, với diện tích lên đến trên 5.000ha, tổng sản lượng trên 44.000 tấn quả tươi/năm. Trong đó diện tích xoài Úc trên 3.000ha, sản lượng trên 20.000 tấn quả tươi/năm. 

Vườn xoài nhà ông Xuân xanh mướt nhờ tưới tiết kiệm. Ảnh: KS.

Vườn xoài nhà ông Xuân xanh mướt nhờ tưới tiết kiệm. Ảnh: KS.

Tuy nhiên theo ông Đặng Chí Liêm, Phó phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm, nếu diện tích xoài trên địa bàn được đầu tư khu tưới thì chắc chắn năng suất, chất lượng quả sẽ được nâng lên đáng kể.

“Hiện trên địa bàn có 3 hồ chứa gồm Cam Ranh, Suối Dầu, Tà Rục với tổng dung tích trữ 78 triệu m3. Tuy nhiên các hồ thủy lợi này chủ yếu phục vụ cho việc cấp nước sinh hoạt cho người dân và tưới cho cây lúa. Còn cây xoài-một trong những cây chủ lực trên địa bàn nhưng lâu nay chưa có mạng lưới phục vụ tưới. Do đó, để có nước tưới hầu hết bà con tự khoan giếng rồi bơm tưới hoặc nhờ nước trời.

Những năm mưa thuận gió hòa, nguồn nước tưới đảm bảo, cây xoài cho năng suất tương đối khá. Còn những năm nắng hạn, nhất là năm nay, trời không mưa nên nguồn nước giếng cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong điều khiển xoài ra trái nghịch vụ, cũng như ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả”, ông Liêm chia sẻ.

Việc tưới phun mưa cho cây xoài, ông Xuân chỉ mất 30 phút toàn vườn đã tưới đủ. Ảnh: KS.

Việc tưới phun mưa cho cây xoài, ông Xuân chỉ mất 30 phút toàn vườn đã tưới đủ. Ảnh: KS.

Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Đức, một nông dân trồng xoài ở thôn Trung Hiệp 1, xã Cam Hiệp Bắc xác nhận và cho biết, vụ xoài chính năm nay nhiều gia đình thất thu, vì năng suất, chất lượng xoài thấp bởi cây thiếu nước tưới do nắng hạn kéo dài.

Gia đình ông có 2ha xoài Úc với khoảng 400 cây. Mỗi năm nếu có nguồn nước cho xoài đầy đủ, mỗi năm ông thu hàng trăm triệu đồng với diện tích trên. Tuy nhiên vụ này nguồn thu nhập chẳng bao nhiêu và nguy cơ chẳng làm được thêm vụ xoài nghịch vì giếng cạn kiệt, chẳng có nước để chăm sóc.

“Đời sống kinh tế của bà con Cam Lâm chủ yếu dựa vào xoài. Nhưng nguồn nước tưới cho cây xoài rất khó khăn. Từ tháng 2 trở đi vùng này các giếng nước bắt đầu cạn kiệt, trong khi vụ xoài đến tháng 4 mới thu hoạch. Do xoài thiếu nước tưới nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái, bán giá mức thấp”, ông Đức nói và cho biết, bà con nơi đây rất quan tâm đến nguồn nước tưới.

Trước vấn đề trên, theo Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa, vùng xoài chủ lực của địa phương sẽ được đầu tư mạng lưới tưới vào năm 2021.

Theo đó, dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán” do ADB hỗ trợ, đã được phê duyệt. Tỉnh Khánh Hòa được tham gia thực hiện dự án này, trong đó có tiểu dự án “Cải tạo, nâng cấp kênh chính nam hồ chứa Cam Ranh và kênh chính hồ chứa Suối Dầu”, được chia làm 3 hợp phần.

UBND tỉnh Khánh Hòa là chủ quản của 2 hợp phần: Nâng cao hiệu quả và bền vững trong cung cấp nước thông qua đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi và Triển khai áp dụng tưới tiết kiệm nội đồng. Theo quy mô đầu tư đã được tỉnh phê duyệt, dự án sẽ nâng cấp hệ thống kênh chính của 2 hồ chứa Cam Ranh và Suối Dầu, cùng với xây dựng mới 5 hệ thống trạm bơm và đường ống dạng mạch vòng cấp nước tưới đến các điểm chia nước trên đường ống để người dân tự dẫn nước về tưới cho các khu vực trồng xoài tập trung.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa, việc thực hiện giải pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, nhất là cây xoài trên địa bàn tỉnh là cần thiết nhằm tiết kiệm và sử dụng nguồn nước hiệu quả trong tình hình biến đổi khí hậu, nguồn nước thiếu hụt do hạn hán, nắng nóng. Tuy chi phí đầu tư ban đầu đối với việc tưới tiết kiệm tương đối cao so với thu nhập của người nông dân, nhưng hiệu quả về lâu dài sẽ giúp bà con tiết kiệm nguồn nước, nhân công, giảm trừ các loại sâu bệnh, côn trùng gây hại, tăng năng suất và thu nhập.

Nguồn tin: Kim Sơ/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập145
  • Hôm nay13,771
  • Tháng hiện tại385,833
  • Tổng lượt truy cập92,763,497
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây