Chúng có bộ lông đen toàn thân nhưng điều đặc biệt nhất ở bốn cái chân đều “đi ủng” màu trắng tức có một khoang trắng từ đầu gối xuống tới móng, nom rất ngộ nghĩnh.
Chứng kiến cảnh tượng ấy ông Hà Thế Nhiên - Giám đốc HTX Chăn nuôi Lợn đen Mường Pa (Mai Châu, Hòa Bình) chợt nở nụ cười, lành hiền và bình yên.
Tôi mê mải ngắm đám lợn con với những chiếc “ủng” trắng nô đùa nhau ngoài sân nắng hay những con lợn hậu bị trơn lông, mẩy mình đang soải bước khoan thai cũng với những chiếc “ủng” trắng dưới chân trong chuồng nhà ông.
Mường Pa thời xưa gồm 7 xã Pà Cò, Hang Kia, Tân Sơn, Piềng Vế, Cun Pheo, Bao La, Xăm Khòe vốn là mảnh đất sơn cùng, thủy tận của tỉnh Hòa Bình nhưng cũng không ít những đặc sản riêng có mà lợn đen “đi ủng” màu trắng là một ví dụ.
Chúng có đôi tai nhỏ, chân nhỏ, lưng thẳng, bụng thon. Khi nhỏ có con khoang loang trắng, con sọc dưa như lợn rừng nhưng màu đen tuyền vẫn là phổ biến nhất, hầu hết đều “đi ủng” màu trắng với khoang trắng từ móng lên tới gần gối.
Thịt của lợn đen Mường Pa hơi nâu chứ không đỏ son như lợn công nghiệp nhưng mỡ lại trắng như bông, khi luộc lên nước rất trong, vị thơm, ngon, ngọt khó tả.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi giống lợn trắng cộng với thứ “cám cò” giúp chúng tăng trọng mỗi ngày cả kg đã đẩy lùi lợn đen từ vùng đồi núi thấp như Xăm Khòe, Bao La, Piềng Vế lên những nơi sâu nhất, xa nhất, cao nhất của xã Cun Pheo là bản Hin Pén và Co Trăm.
Ông Nhiên có thâm niên hơn 20 năm nuôi lợn đen nhưng là loại con lai, mẹ đen của bản địa phối với bố trắng của ngoại.
Năm 2008 ông quyết tâm lên Hin Pén lùng mua cho bằng được một con lợn đen đực về làm giống không chỉ cho nhà mình mà cả làng sử dụng chung. Quy mô lúc đó mỗi hộ trung bình chỉ nuôi 3 - 5 con lợn đen, giá bán không khác gì lợn trắng nhưng được cái có sức chống chịu tốt, không chê chủ nghèo, cho gì cũng ăn bằng hết.
Sau đó, tổ chức Good Neighbors của Hàn Quốc thấy giống lợn quý mới khảo sát các hộ chăn nuôi, khuyến cáo những ai cùng sở thích, điều kiện nuôi thì nên đi tập huấn ở xã Bao La.
Chưa bao giờ bà con lại thấy cuộc tập huấn nào lại dài và kỹ lưỡng thế, tới nửa năm. Cứ thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật họ đều phải học từ phương pháp chăn nuôi, thức ăn, thú y đến cách tổ chức HTX, sử dụng vốn, điều lệ nội quy...
Hết học lý thuyết lại phải học thực hành ngay từ việc nấu cám, cho ăn, đỡ đẻ, cắt nanh lợn con đến tiêm chọc. Rất nhiều thứ ngỡ ngàng.
Trước nấu cám chỉ có rau khoai lang, thân chuối, cám gạo giờ phải bổ sung thêm bột ngô, bột cá. Trước cho ăn cứ đổ ào cái xuống máng không cần biết thừa hay thiếu, no hay đói, thiu hay chua giờ đây thức ăn không những phải tươi mà còn được định lượng đong bằng gáo.
Với lợn con mỗi gáo 1kg tương ứng với 25kg trọng lượng, với lợn nhỡ thì 2 gáo cho 40kg trọng lượng còn lợn to từ 60kg cho ăn tới no nhưng dần dần, dùng hết mới múc tiếp để tránh bị thừa mứa. Việc cho ăn sở dĩ cầu kỳ như thế bởi dựa trên nguyên tắc khi vật nuôi còn nhỏ thì khả năng tiêu hóa sẽ kém hơn lúc chúng đã lớn.
Trước đây lợn không tắm, chuồng không dội thì nay sáng rửa chuồng, rửa máng, trưa tắm lợn, tối lại rửa chuồng, rửa máng để tránh cho các sinh vật truyền bệnh như gián, chuột, ruồi muỗi tiếp xúc.
Nhưng cũng có nhiều thứ không lạ gì với bà con, nhất là sự kết nối giữa vật nuôi và người chủ về mặt tình cảm.
Ông Nhiên tâm sự: “Nếu mình âu yếm chúng sẽ hiền lành và lớn nhanh hơn còn nếu mình độc ác chúng sẽ cáu giận, chậm lớn. Chỉ cần nhìn chủ đến mà thấy lợn lại gần là biết người đó tốt, còn sợ hãi bỏ chạy là người không tốt, hay mắng chửi, đánh đập vật nuôi…”.
Theo phong tục của đồng bào, khi đón lợn con về người chủ mới sẽ nhổ một ít nước bọt vào thức ăn để cho chúng quen hơi mình. Khi cho ăn, họ lại trộn thêm một ít nhọ nồi để lợn quen giờ, đến bữa mới kêu chứ không kêu bậy, kêu bạ, cậy phá cửa chuồng.
Trong quá trình nuôi người chủ thường xuyên nói chuyện, giao tiếp với lợn kiểu như: “Thức ăn này là của riêng mày, ăn đi cho lớn nhé!”,“Hôm nay trời nóng, tao tắm, gãi lưng cho mày mát mẻ nhé”!
Trước khi xuất bán để thịt thì người chủ sẽ khấn xin thổ công, các vị thần linh để lứa sau nuôi khấm khá hơn rồi nhổ ít lông đầu, lông đuôi dắt dưới mái chuồng mong giữ “hồn” con vật luôn ở lại với mình cho đỡ nhớ.
Năm 2018 HTX ra đời, từ 9 hộ hạt nhân ban đầu giờ đã có 12 hộ, tổng đàn hơn 70 nái, 120 lợn thịt, 200 con lợn con cùng nuôi chung một kiểu để sản phẩm được đồng đêu. Còn ở ngoài cũng có khoảng 150 hộ nuôi lợn đen nữa trong đó cũng rất nhiều hộ muốn tham gia HTX.
Lúc tôi đến, bà Hà Thị Diễn ở xóm Báo, xã Bao La đang lúi húi dùng cái que tre to quấy đều cám trong nồi cho khỏi vón cục, mồ hôi mướt mát mặt mày.
Trước đây, bà chỉ nuôi quy mô 5 - 7 con, giờ đầu tư ngót trăm triệu xây khu chuồng mới để nuôi 6 nái và 15 lợn thịt. Trong khu vườn rộng cả 1ha rợp bóng mát của xoài, bưởi, táo dãy chuồng ẩn hiện như một resort dành cho đám lợn đen.
Chị Hà Thị Hiệp - thành viên liên kết của HTX kể với tôi rằng dạo cả bản hầu như chỉ nuôi toàn lợn trắng thì mình vẫn kiên trì nuôi lợn đen.
“Lợn đen mỡ nhiều nên lúc đầu chỉ có người Mông biết ăn vì họ thích mỡ, càng dày càng tốt. Về sau có người ở thị trấn, thành phố cũng tìm mua bởi khi luộc lên, bì dày, mỡ giòn, thịt rất thơm ngon.
Xưa nhà nào thịt lợn ra nhiều mỡ là khách quay đi, giờ đây phải nhiều mỡ họ mới quay lại để mua. Nhà tôi hiện đang nuôi 14 con lợn đen bằng cám ta, mỗi khi mổ bán rất dễ dù quanh vùng có đến 10 lò mổ.
Nhiều buổi quán có khách đặt ăn kiểu cỗ lá gồm đơn giản mấy món luộc, món nướng chấm muối trắng pha hạt dổi giã nhỏ cùng với món giả cầy và lòng nhưng hễ thừa một vài miếng là họ xin túi ni lông gói ghém mang về cho bằng hết”, chị Hiệp kể.
Bữa trưa đó, ông Nhiên đãi tôi một bữa thịt lợn đen luộc. Miếng mỡ trong veo vừa đặt lên môi đã trôi xuống họng không hề ngấy còn miếng thịt nạc cắn vào đã cảm nhận được ngọt đậm đà.
Vừa ăn ông vừa giảng giải rằng con lợn Mường Pa quê mình tuy nuôi kiểu truyền thống nhưng khi giết thịt lại phải theo quy trình nhân đạo, được gây choáng ngất bằng điện trước rồi mới chọc tiết…
Lúc HTX hoàn thành lò mổ kiểu khép kín này có anh quản lý tổ chức Good Neighbors người Hàn Quốc đến ăn xong cứ nức nở khen: “Tôi chỉ muốn lúc nào thịt lợn Mường Pa cũng chất lượng như thế này để người cho tiêu dùng được thưởng thức”.
Từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi ngày HTX của ông thịt 1 con lợn đen, giá bán trung bình 160.000 - 170.000 đồng/kg, đắt hơn lợn trắng 10.000 - 20.000 đồng/kg nhưng bao giờ cũng hết trước.
Mỗi tháng HTX lại tổ chức một phiên chợ giới thiệu sản phẩm, mổ 2 con bán với giá chỉ 130.000 đồng/kg, thịt còn chưa kịp pha ra khách đã tranh hết sạch.
Nguồn tin: Dương Đình Tường/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã