Học tập đạo đức HCM

Miền Trung - Tây Nguyên tăng tốc thu hút cả 'đại bàng' lẫn 'chim sẻ' Khánh Hòa gỡ 'nút thắt' để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Chủ nhật - 06/06/2021 19:39
Để phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để hình thành chuỗi giá trị.

Tỉnh Khánh Hòa nằm ở khu vực duyên Hải Nam Trung bộ với nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển lĩnh vực nông nghiệp như bờ biển dài, nhiều đầm, vịnh cũng như khí hậu, chất đất phù hợp để hình thành và phát triển cây trồng đặc hữu, đặc trưng.

Thế nhưng đóng góp giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh này chỉ chiếm 10% GRDP toàn tỉnh. Vậy đâu là nút thắt khiến ngành nông nghiệp Khánh Hòa chưa phát huy hết tiềm năng? Cùng với đó giải pháp nào cần tháo gỡ trong thời gian tới để ngành nông nghiệp tỉnh này bứt phá?

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: MP.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: MP.

Nút thắt kiềm hãm phát triển lĩnh vực nông nghiệp

Thư ông, ông đánh giá lĩnh vực nông nghiệp Khánh Hòa đã phát triển tương xứng với tiềm năng?

Tỉnh Khánh Hòa có khí hậu vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hoà, kết hợp với dạng địa hình núi thấp, đồi thấp xen kẽ bình nguyên và thung lũng, thỉnh thoảng có núi đá chạy ra sát biển, chia cắt dải đồng bằng ven biển thành những vùng đồng bằng nhỏ hẹp.

Với đặc điểm như vậy, ngành nông nghiệp Khánh Hòa có diện tích đất nông nghiệp không lớn, chỉ hơn 100.000ha, trong đó đất trồng cây hàng năm 60.000ha và đất  trồng cây lâu năm 40.000ha; đất có rừng 239.000ha. Đất nuôi trồng thủy sản 6.767ha, đất sản xuất muối  1.021ha… và quỹ đất này ngày càng thu hẹp do phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Về trồng trọt, chúng tôi đã xác định các cây sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, tỏi, mía tím và mía nguyên liệu là cây chủ lực của tỉnh. Vì vậy, thời gian qua các địa phương đã phát triển vùng sản xuất chuyên các cây chủ lực này. Theo đó, hiện toàn tỉnh có 1.866ha sầu riêng chủ yếu ở Khánh Sơn;  8.466ha xoài, tập trung chủ yếu ở Cam Lâm, Cam Ranh; 1.451ha bưởi da xanh chủ yếu ở Khánh Vĩnh và 10.000ha mía ở Ninh Hoà, tỏi ở Vạn Ninh…

Tỉnh Khánh Hòa có vùng chuyên canh trồng xoài Úc tại huyện Cam Lâm. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa có vùng chuyên canh trồng xoài Úc tại huyện Cam Lâm. Ảnh: KS.

Chúng tôi đã ban hành các đề án, kế hoạch, các chính sách hỗ trợ cho người dân thực hiện chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhằm phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển cây trồng đặc hữu, đặc trưng cũng chưa phát huy hết lợi thế của địa phương.

Về thủy sản, tỉnh có bờ biển dài 38 km, hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ, các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa. Nhiều vịnh cảng nước sâu kín gió gắn liền với nhiều ngư trường lớn, có nhiều cửa sông, eo vịnh, đầm phá, vùng bãi triều, đất ngập triều lên tới 1.660km2 rất thuận lợi trong phát triển thuỷ sản cả trong lĩnh vực khai thác tự nhiên, cũng như nuôi trồng thuỷ sản.

Hiện sản lượng thủy sản hàng năm của tỉnh đạt trên 100.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục tăng từ 538,23 triệu USD năm 2016 lên 614,5 triệu USD năm 2019 với tỷ lệ tăng trưởng bình quân là 6.85%/năm, chiếm từ 35 - 44% giá trị xuất khẩu của tỉnh và là một trong 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản mạnh trong cả nước.Hiện ngoài việc tập trung tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại lực lượng khai thác ở vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi theo hướng bền vững thì nuôi trồng thủy sản cũng  được chúng tôi hết sức quan tâm phát triển để tương xứng với tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nuôi biển hở.

Vậy nút thắt khiến lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là gì, thưa ông?

Đối với ngànhthủy sản, mặc dù chúng tôi có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển hở nhưng để phát triển một cách hiệu quả, nghề nuôi biển của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.

Nuôi cá chim vây vàng công nghệ Na Uy trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Ảnh: KS.

Nuôi cá chim vây vàng công nghệ Na Uy trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Ảnh: KS.

Thứ nhất là nguồn vốn đầu tư cho nuôi biển lớn, cần phải sử dụng các thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất để tạo ra sản lượng hàng hóa tập trung. Do đó, cần có các doanh nghiệp có kinh nghiệm và đủ tiềm lực để tham gia vào nuôi biển quy mô lớn.

Thứ hai là hiện Trung ương chưa có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nuôi trồng ở vùng biển hở, đặc biệt là các chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản phục vụ nuôi biển.

Về trồng trọt, trước đây tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nhưng trong những năm trở lại đây các địa phương đã xác định được các thế mạnh của mình. Từ đó chủ động xây dựng các vùng liên kết sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, tổ liên kết; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, năng suất và sản lượng các loại cây trồng đều tăng cao, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa cây chuyên canh có giá trị kinh tế cao như xoài sầu riêng, bưởi da xanh...

Thực tế nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng giá trị sản phẩm trồng trọt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên ngành nông nghiệp của tỉnh chưa hình thành được nhiều vùng chuyên canh sản xuất tập trung, quy mô vừa và lớn. Việc tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết, xây dựng chuỗi giá trị cho một số nông, thủy sản chủ yếu còn hạn chế; việc ứng dụng các khoa học công nghệ, chế biến sau thu hoạch và tỷ lệ diện tích có liên kết sản xuất với doanh nghiệp còn thấp…

Tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng nuôi biển hở rất lớn. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng nuôi biển hở rất lớn. Ảnh: KS.

Nguyên nhân chính của hạn chế này chúng tôi đã nhận thấy, đó là do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến tiêu thụ nông sản, chính sách khuyến nông chưa đủ mạnh để khuyến khích, chuyển giao nhiều mô hình... Mặt khác, đầu tư cho nông nghiệp hiệu quả mang lại không cao, nhiều rủi ro nên doanh nghiệp còn nhiều e ngại.

Trong khi đó ngành nông nghiệp chưa chủ động đề xuất những đề án, chương trình và xác định bước đi hợp lý trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với địa phương. Mặt khác quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất tập thể hoạt động kém hiệu quả.

Thu hút doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Để tháo gỡ những nút thắt trên, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại, tỉnh sẽ định hướng ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Để thực hiện tháo gỡ các khó khăn trên, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại chúng tôi đã và đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn; xây dựng xã hội nông thôn ngày càng văn minh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố và ngày càng vững mạnh.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho hay, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị. Ảnh: MP.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho hay, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị. Ảnh: MP.

Cùng với đó chúng tôi tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vật liệu mới trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng hải sản trên biển, đặc biệt là công nghệ nuôi bằng lồng bè vật liệu mới (HDPE) trên vùng biển ngoài 3 hải lý. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển hợp tác liên kết xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung đáp ứng yêu cầu thị trường.

Triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách của trung ương; rà soát, hoàn thiện, ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh nhằm tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất những cây, con có lợi thế ở địa phương, tạo sản lượng hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đặc biệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó tập trung “đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản”, nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị.

Ngoài ra, tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi thiết yếu đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành, đảm bảo chủ động sản xuất thích ứng thay đổi thời tiết do biến đổi khí hậu.

Vậy để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh có chính sách hỗ trợ ra sao, thưa ông?

Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiêp, chúng tôi đã triển khai các chính sách của Trung ương như Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Từ đó chúng tôi đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như chính sách tín dụng và mức vốn ngân sách thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Khánh Hòa; bao gồm 6 sản phẩm trồng trọt, 3 sản phẩm chăn nuôi, 1 sản phẩm lâm nghiệp và 4 sản phẩm thủy sản để các doanh nghiệp đầu tư.

Tỉnh Khánh Hòa có thế mạnh khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa có thế mạnh khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương. Ảnh: KS.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được quy định đầy đủ, cụ thể như miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; bảo quản, chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt; hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Trong thời gian tới để tiếp tục thu hút doanh nghiệp, tỉnh sẽ đẩy mạnh tập trung triển khai, cụ thể hóa thực hiện tốt và có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương như Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/07/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thị xã Ninh Hòa là thủ phủ trồng mía ở Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Thị xã Ninh Hòa là thủ phủ trồng mía ở Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Đồng thời tiếp tục tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm; xây dựng và triển khai các chính sách kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung; ưu tiên phát triển nuôi biển theo quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, thân thiện với sinh thái và môi trường biển... nhằm đẩy mạnh hỗ trợ phát triển, gia tăng giá trị sản phẩm thế mạnh, đặc hữu của địa phương, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ đầu tư đồng bộ hệ thống kỹ thuật cho ngành nuôi trồng như hệ thống thủy lợi, cơ sở sản xuất thức ăn, sản xuất giống, cơ sở chế biến và hệ thống thú y thủy sản, đưa vào sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng vùng kiểm định tôm giống Ninh Vân để bảo đảm tổ chức nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh. Khẩn trương xây dựng, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tiếp tục ổn định và phát triển các vùng sản xuất tập trung, thâm canh tạo ra sản lượng hàng hóa cho cây lúa, cây mía, cây ăn quả.

Xin cảm ơn ông!

UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn sớm thực hiện các chương trình, dự án, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển, giống thủy sản nuôi biển. Cũng như sớm hoàn chỉnh và trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và người nuôi đầu tư công nghệ, áp dụng nuôi lồng bè bằng vật liệu HDPE vào nuôi trồng thủy sản tại các vùng biển thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp địa phương, đặc biệt là đầu tư công nghệ, máy móc, trang thiết bị để thực hiện quá trình chế biến sâu và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp tại Khánh Hòa nhằm nâng cao giá trị gia tăng…

Theo Kim Sơ - Mai Phương (Thực hiện)/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/khanh-hoa-go-nut-that-de-thu-hut-doanh-nghiep-dau-tu-vao-nong-nghiep-d293121.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập100
  • Hôm nay32,097
  • Tháng hiện tại299,720
  • Tổng lượt truy cập92,677,384
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây