Là một trong những sản phẩm được dự kiến gắn 2 sao trong năm 2020, hạt dẻ huyện Trùng Khánh đang có những thuận lợi để nâng tầm thương hiệu sản phẩm.
Với tiềm năng của cây dẻ, huyện Trùng Khánh xác định dẻ là cây trồng đặc sản có nguồn gốc bản địa cần đẩy mạnh khai thác. Huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển cây hạt dẻ gắn với quảng bá du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.
Tại các xã vùng quy hoạch như Đình Minh, Phong Châu, Chí Viễn, Khâm Thành, Ngộc Côn, Ngọc Khê… đã giao chỉ tiêu trồng mới mỗi xã từ 15 - 30ha dẻ với phương thức nhà nước hỗ trợ giống, có nghiệm thu tỷ lệ mọc, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, toàn huyện Trùng Khánh có hơn 200ha dẻ, trong đó hơn 170ha đang cho thu hoạch. Mấy năm gần đây, toàn huyện trồng mới khoảng 70ha. Nhưng đáng tiếc là có nhiều hộ gia đình trồng xong không quan tâm chăm sóc tốt nên để cây chết, phát triển kém hoặc bị trâu bò phá hoại.
Anh Hoàng Văn Thuận, thị trấn Trùng Khánh chia sẻ: Gia đình tôi trồng dẻ từ lâu đời. Hiện nay, hơn 100 cây hạt dẻ của gia đình mỗi năm thu hoạch khoảng 5 tạ hạt tươi. Đến mùa, chưa kịp mang ra chợ bán thì khách đã đến tận nhà hoặc gọi điện đặt hết nên không đủ hàng bán.
Người dân mong muốn sau khi sản phẩm hạt dẻ được gắn sao theo chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) thì thương hiệu, giá trị của hạt dẻ Trùng Khánh sẽ được nâng tầm, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân.
Theo Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 22/11/2019 của UBND tỉnh, các sản phẩm dự kiến chuẩn hóa gắn 2 sao năm 2020, khá nhiều.
Đó là hạt dẻ Trùng Khánh; rượu ngô Tuấn Tú (Hợp tác xã Hạ Lang); rượu ngô Tam Sơn (Hợp tác xã Quảng Hòa); chè dây, chè giảo cổ lam Cao Bằng, thịt gà ri, thịt vịt cỏ (thành phố Cao Bằng); trà tiên (Nguyên Bình); gạo nếp Pì Pất (Hòa An); gạo nếp cẩm (Bảo Lâm); lê vàng (Nguyên Bình, Thạch An, Bảo Lạc); thịt lợn đen (Hợp tác xã Hà Quảng); lạp sườn (Quảng Hòa); thịt hun khói (Hà Quảng); lạc đỏ (Thạch An).
Ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Cao Bằng cho biết: Chương trình OCOP không chỉ tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn khơi dậy được những lợi thế của sản phẩm đặc sản, có thế mạnh ở địa phương so với các địa phương khác trong cả nước.
Cũng theo ông Tiến, việc gắn sao và được cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm là minh chứng về chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái. Việc này góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, đảm bảo thương hiệu của sản phẩm OCOP cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Cao Bằng quyết tâm xây dựng, triển khai thành công chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM; nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nguồn tin: Kông Hải/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã