Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, đầu vụ tôm năm nay, do nắng nóng và xâm nhập mặn, khiến nhiều ao tôm thả sớm bị thiệt hại. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu không ổn định do Covid-19 ảnh hưởng tới tiêu thụ tôm trên toàn cầu, cùng với bệnh đốm trắng và vi bào tử, đã khiến cho nhiều người nuôi tôm bị “chùn tay” khi thả giống. Những yếu tố trên đã khiến cho tiến độ thả nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị chậm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, thời tiết đang có xu hướng ngày càng thuận lợi hơn cho nuôi tôm khi chênh lệch nhiệt độ ngày đêm không còn cao.
Đặc biệt, những bất lợi của các nước sản xuất tôm lớn khác, cộng với nhu cầu thị trường trong thời gian tới, đang là những cơ hội tốt cho nuôi tôm ở Việt Nam.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), do Covid-19, một số nước sản xuất, xuất khẩu tôm cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, chưa thể quay lại sản xuất bình thường.
Thông tin từ VASEP cho thấy, tại Ấn Độ, lệnh phong tỏa cả nước kéo dài từ 23/3-3/5/2020 đã gây khó khăn lớn cho ngành tôm, từ người nuôi tới các nhà máy chế biến, xuất khẩu. Người nuôi tôm Ấn Độ gặp khó khăn lớn trong tiêu thụ tôm nguyên liệu do nhiều nhà máy phải thu hẹp hoạt động, thậm chí tạm đóng cửa vì bị thiếu hụt trầm trọng nhân công. Việc hạn chế đi lại để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19, làm cho các nhà máy chế biến tôm ở bang Andhra Pradesh (bang nuôi tôm lớn nhất Ấn Độ) thiếu hụt nhân công tới 50%.
Các nhà máy chế biến tôm ở Ecuador cũng chỉ hoạt động được 50% công suất vì thiếu hụt nhân công do bị hạn chế đi lại. TS Hồ Quốc Lực cho rằng, nguồn cung từ các cường quốc tôm đều có xu hướng giảm sút, thậm chí giảm sút nặng nề như ở Ấn Độ, Trung Quốc.
Đặc biệt, do tiến độ thả nuôi bị chậm, nguồn cung trong nước bị giảm, việc nhập khẩu tôm nguyên liệu cũng gặp khó khăn vì Covid-19, nên từ tháng 5 này, có thể đã xuất hiện tình trạng thiếu tôm nguyên liệu ở nhiều nhà máy.
Chính vì vậy, theo TS Hồ Quốc Lực, trên nền tảng tương quan cung cầu tôm thế giới trong thời gian tới, giá cả sẽ ổn định ở mức tích cực. Nông dân yên tâm thả giống tôm ngay từ bây giờ.
Ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng, việc thả lại tôm nên thực hiện ngay từ tháng 5 nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7-8/2020. Đó là thời điểm chúng ta có cơ hội lớn về thị trường khi nhu cầu trên thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại, trong khi một số nước sản xuất, xuất khẩu tôm lớn khác có độ trễ đáng kể hơn so với Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch.
Cũng theo ông Hòe, Chính phủ và các Bộ cần hỗ trợ cho Bộ NN-PTNT đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm, để họ sớm có thể yên tâm thả tôm giống ngay từ bây giờ.
Nguồn tin: Sơn Trang - Nguyễn Thủy/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã