Học tập đạo đức HCM

Ngư dân miền Trung hối hả chuyến biển cuối năm

Thứ ba - 19/01/2021 10:29
Ngư dân miền Trung tranh thủ chuyến biển cuối năm trước khi về nghỉ Tết Nguyên đán 2021, với hy vọng, đánh bắt được nhiều hải sản, giá cao.

Quảng Ninh: Hối hả chuyến biển cuối năm

Thời tiết cuối năm biển lặng, Hàng nghìn tàu cá đang chuẩn bị vươn khơi phiên biển cuối năm. Với ngư dân, chuyến đi biển cuối năm không chỉ chở theo niềm hy vọng đánh bắt được nhiều hải sản, để có cái Tết ấm no, sum vầy, mà còn là niềm tin vào sự yên bình của mùa biển mới.

qnih-31.jpgNgư dân TX Quảng Yên kiểm tra ngư cụ trước khi ra khơi.

 

Vì vậy, tại cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tàu cá có công suất từ vài trăm đến hơn 1.000 CV, neo đậu san sát nhau, chuẩn bị vươn khơi chuyến biển cuối năm.

Ngư dân Nguyễn Đăng Long (phường Cẩm Trung, TP. Cẩm Phả) cho biết: Vụ cá Bắc bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, và kéo dài đến tháng 3 năm sau, thường có giá trị kinh tế cao, nên ngư dân tích cực vươn khơi bám biển.

Song, lúc này biển thường xuyên có sóng lớn, nên chúng tôi rất cẩn thận, phải tính được thời điểm để tránh trú an toàn. Theo các ngư dân, vụ cá Bắc biển càng động thì càng đánh bắt được nhiều.

Để đảm bảo an toàn, các chủ tàu đều tập trung sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ; trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, an toàn hàng hải. Trong khi đánh bắt, các tàu thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết của đài thông tin duyên hải và cơ quan chức năng.

Vừa kiểm tra lại trang thiết bị trên tàu, ngư dân Đỗ Văn Thuyết (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) vừa cho chúng tôi biết: Làm nghề này phụ thuộc  thời tiết rất nhiều.

Nhưng với kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển, dịp cuối năm chỉ cần trời khô ráo, hửng nắng là ngư dân có thể hướng thẳng ra khơi, đến các vùng biển có nhiều tôm, cá.

Chuyến biển nào ngắn thì khoảng 7-8 ngày, dài thì 12-15 ngày. Biển động mạnh thì nguồn cá cũng dồi dào hơn, chúng tôi sẽ có nhiều mẻ cá lớn.

Tại cảng cá Bến Giang (TX. Quảng Yên), nhiều ngư dân đang hối hả chuẩn bị máy móc, ngư lưới cụ, thực phẩm để ra khơi. Anh Phạm Văn Quyết (phường Tân An) chia sẻ: Dù cuối năm, sản lượng đánh bắt không cao, nhưng nhu cầu tiêu thụ nội địa lại tăng mạnh.

Trước Tết Nguyên đán 7-10 ngày, tàu, thuyền sẽ cập bến để cung cấp hàng hóa cho thị trường dịp Tết, bởi thời điểm này giá sẽ cao hơn từ 2-3 lần so với ngày thường. Trừ chi phí, mỗi chuyến đi biển, ngư dân lãi cả chục đến trăm triệu đồng. Vì vậy, để chuẩn bị cho chuyến đi này, tôi đầu tư thêm lưới để tranh thủ thời tiết thuận lợi, sẵn sàng ra khơi.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đỗ Đình Minh, vụ cá Bắc là vụ đánh bắt chính, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng cả năm, đặc biệt, vụ này sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Mặt khác, đây còn là vụ cá đánh bắt khá nguy hiểm, nên để đảm bảo an toàn cho các chuyến biển, ngay từ đầu vụ cá Bắc, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu cá, đảm bảo trang thiết bị, tu sửa tàu thuyền, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Thủy sản 2017. Ví như bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không vượt ranh giới trên biển, nộp nhật ký khai thác thủy sản...

Nếu như trước đây, ngư dân thường chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết vụ cá Bắc, thì nay, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, ngư dân đã mạnh dạn đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền; mua sắm máy móc; đầu tư trang thiết bị hiện đại, như máy dò cá, ra-đa hàng hải, thiết bị giám sát hành trình tàu cá, máy thông tin liên lạc tầm xa... đủ khả năng chống chịu sóng to gió lớn, bám biển dài ngày. Toàn tỉnh hiện có trên 8.100 tàu thuyền máy, trong đó có 225 tàu có chiều dài 15m trở lên.

Năm 2020, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản ước đạt 400.000 tấn, bằng 100% kế hoạch, tăng 9,59% so năm 2019. Năm 2021, phấn đấu  khai thác 73.000 tấn, nuôi trồng 77.000 tấn thủy sản.

Hà Tĩnh: Mùa biển động vẫn “trúng đậm” nhiều loại hải sản

Tuy phải thường xuyên làm việc giữa cái rét cắt da, cắt thịt, đối mặt với nguy hiểm mùa biển động, nhưng ngư dân Hà Tĩnh vẫn nỗ lực vươn khơi, mang về nhiều loại hải sản có giá trị, để chuẩn bị Tết Nguyên đán đủ đầy hơn.

ht61.jpg

Thuyền cập cảng Cửa Sót được nhiều cá cơm

Gần 1 tuần nay, tàu cập cảng Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà) mang về lượng lớn ruốc biển, cá cơm. Mặc cho nhiệt độ 4-5h sáng rất thấp, ngư dân vẫn cố gắng nhanh tay, chuyển những khay đầy ắp hải sản lên bờ, chuẩn bị chuyến ra khơi mới.

Ông Nguyễn Bá Đông (xã Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết: “3 ngày nay, thuyền của tôi được khoảng 12 tấn ruốc biển, giá bán tại chỗ 13.000 - 15.000 đồng/kg. Đi biển mùa này vất vả vì sóng to, rét mướt nhưng được “lộc biển” thế này cũng không bõ công, chúng tôi phấn khởi lắm".

Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, việc kiểm tra máy móc trước khi ra khơi là hết sức cần thiết, đồng thời, ngư dân phải thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời.

Anh Nguyễn Vân Nam (xã Thạch Long, Thạch Hà), cho biết: “Mùa này nhiệt độ xuống thấp, ra biển càng giá buốt, phải mặc áo thật ấm và trùm mũ len, khoác áo mưa mới trụ được.

Đợt này, thuyền của tôi đánh vùng lộng được cá cơm, bạc má... Riêng cá cơm gần 3 tấn, giá bán bình quân 60.000 đồng/kg”.

Ngoài ra, các thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ cũng mang về nhiều loại hải sản giá trị cao.

Đang phấn khởi rao bán thành quả của chuyến đi biển, chị Nguyễn Thị Hoa (xã Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết: “Thuyền của gia đình chỉ đi biển 4 - 5 tiếng, cách bờ 3 - 5 hải lý và thường trở về vào sáng sớm. Thời gian ngắn nên hải sản vẫn còn tươi sống, giá bán cao và rất nhanh hết hàng. Chuyến này, được gần 3 kg tôm biển loại lớn, một số cá nhỏ khác… thu hơn 1,5 triệu đồng”.

“Mặc dù rất lạnh và mệt mỏi, thuyền vừa cập bến, chúng tôi cũng phải nhanh chóng phân loại hải sản ngay trên cảng, để kịp bán cho thương lái tỏa đi các chợ. Vất vả là thế, nhưng kiếm thêm thu nhập và chuẩn bị cho cái Tết đang cận kề nên anh em ai cũng cố gắng” - anh Trần Văn Chuân (thị trấn Lộc Hà) chia sẻ.

Những ngày này, vượt lên cái rét “chính đông”, ngư dân xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) vẫn tích cực bám biển, thu nguồn lợi lớn từ nghề bóng ghẹ.

Ngư dân Nguyễn Văn Hào (thôn Tân Trung Thủy), cho biết: “Đang vào mùa biển động, nhưng chúng tôi đánh bắt được khá nhiều ghẹ và ốc hương, trong gần chục ngày nay. Có những chuyến biển mang về được 5 - 6 tạ ghẹ ba mắt, 30 kg ốc hương.

Hiện, ghẹ có giá 50 - 60 nghìn đồng/kg, 400 nghìn đồng/kg ốc hương, anh em thu “tiền tươi” nên càng yên tâm duy trì nghề trong thời tiết khắc nghiệt”.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, đây đang là thời điểm đánh bắt vụ cá Bắc, mang lại hiệu quả cao, nhưng ngư dân phải thường xuyên đối mặt với nguy hiểm do thời tiết gây ra, làm việc trong giá rét, nền nhiệt độ thấp.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho các chuyến biển, ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu cá, triển khai tu sửa tàu thuyền, máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải; đề nghị thuyền trưởng, chủ tàu cá tuân thủ nghiêm các quy định như: bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá, nộp nhật kí khai thác thủy sản, theo dõi thông tin thời tiết để chủ động ra khơi…

“Những ngày đầu năm 2021, ngư dân Hà Tĩnh tranh thủ thời tiết khá thuận lợi bám biển, đem về nhiều loài có giá trị như cá cơm, cá đù, cá bạc má, cá cháo, tôm, ghẹ, ruốc… Nhiều thuyền cập bến với sản lượng từ 4-5 tấn ruốc, 2-3 tấn cá cơm/chuyến, thu nhập cao” - ông Hoàng cho biết thêm.

Bình Định: Cần nhãn hiệu để nước mắm Đề Gi có giá cao

Làng nghề nước mắm vùng biển Ðề Gi xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, đã được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2016.  Tiếp theo, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục cấp chứng nhận nhãn hiệu “Nước mắm Ðề Gi”. Nhưng đến nay, người dân vẫn chưa mặn mà với nhãn hiệu của làng nghề, nên giá bán chưa cao.

đ-29.jpg
 

Anh Cầu đang giới thiệu nước mắm Thái An tại Hội chợ Xuân Bình Định 2021

Nghề sản xuất, chế biến nước mắm Đề Gi được hình thành từ lâu đời, và được duy trì, phát triển trở thành làng nghề nước mắm truyền thống nức tiếng ở Bình Định.

Hiện, toàn xã Cát Khánh có hơn 300 cơ sở, hộ làm nước mắm, tập trung ở thôn An Quang Đông, An Quang Tây; mỗi năm sản xuất hơn 100 nghìn lít nước mắm bán ra thị trường.

Theo ông Phạm Văn Đà, thôn An Quang Tây, cả thôn có hơn 100 hộ chế biến nước mắm, sản xuất theo phương pháp ủ chượp truyền thống, nguyên liệu là cá và muối Đề Gi. Có nhiều hộ sản xuất quy mô lớn, từ 2.000 - 3.000 lít/năm ra thị trường cả nước.

Song, vì một vài nguyên nhân, các hộ làm nước mắm ở An Quang Tây vẫn theo thói quen cũ, cung cấp sản phẩm cho mối quen, nên hầu hết không có nhãn hiệu.

Tương tự, thôn An Quang Đông cũng có hơn 200 hộ làm nước mắm, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn theo kiểu “nhiều không”: Không nhãn mác, xuất xứ, thông tin nguồn gốc…

Ông Lê Văn Đô, chủ một cơ sở chế biến nước mắm tại đây, nói: “Trung bình mỗi năm tôi sản xuất hơn 2.500 lít nước mắm, nhưng chủ yếu bán cho bạn hàng, vì họ không yêu cầu nên tôi chưa làm nhãn mác, thông tin trên sản phẩm”.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: Đến nay, cả xã chỉ có 3 cơ sở nước mắm là Thái An, Diệu Thủy, Hoa Quyên đăng ký nhãn hiệu. Còn hầu hết các hộ sản xuất thủ công, chưa quan tâm việc sử dụng nhãn hiệu, bao bì… để tiêu thụ tốt hơn.

Năm 2017, ngay khi được cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, Phòng Kinh tế huyện Phù Cát đã phối hợp với UBND xã, thôn, trực tiếp làm việc với các hộ sản xuất nước mắm quy mô lớn, vận động người dân sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm và thông tin đầy đủ về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản xuất.

Song, số lượng hộ đăng ký, đáp ứng yêu cầu cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP, để sử dụng nhãn hiệu Nước mắm Đề Gi còn quá ít. 

Anh Lưu Thái Cầu, chủ cơ sở nước mắm Thái An, một trong 3 cơ sở sử dụng nhãn hiệu Nước mắm Đề Gi, cho biết: “Việc có thêm nhãn hiệu Nước mắm Đề Gi trên sản phẩm nước mắm Thái An là thêm một phần bảo chứng về độ ngon, uy tín của nước mắm.

Cùng với nhãn hiệu nước mắm Thái  An - Đề Gi, chúng tôi công bố thông tin chất lượng, nguồn gốc để người tiêu dùng thêm tin tưởng vào nước mắm của mình. Cũng là nước mắm Đề Gi nhưng khi có thêm nhãn mác, giá bán tăng lên nhiều”.

Nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn, năm 2020, cơ sở nước mắm Thái An mở rộng quy mô, xây thêm nhà xưởng mới, thành lập HTX Sản xuất nước mắm truyền thống Thái An - Đề Gi, liên kết với các hộ dân để tăng sản lượng, chất lượng; đồng thời tận dụng tốt giá trị của nước mắm truyền thống Đề Gi.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc theo quy định. Đồng thời, đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ khuyến công, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

 Theo Yên Như (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/ngu-dan-mien-trung-hoi-ha-chuyen-bien-cuoi-nam-post40124.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập145
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm142
  • Hôm nay16,630
  • Tháng hiện tại16,630
  • Tổng lượt truy cập88,694,964
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây