Ông là Võ Quan Huy, sinh năm 1955. Ông được biết đến với nhiều “biệt danh” phía sau tên: Huy Long An, Huy bò, Huy mía, Huy tôm, Huy ớt, Huy chuối… Mỗi biệt danh lại gắn liền với một giai đoạn làm ăn đình đám.
Không chỉ nhiều biệt danh nhất, ông còn được coi là người đang sở hữu 1.300ha đất nông nghiệp, có thể lớn nhất khu vực phía Nam, thậm chí cả nước.
Quê gốc ở ấp Thuận Hoà, xã Hiệp Hoà, Đức Hoà, Long An, nhưng ông Huy bảo: “Giờ tôi nhiều quê lắm. Vì mấy chục năm nay ở nhiều nơi, làm ăn ở đâu là cắm dùi ở đó, mỗi nơi dăm bảy năm. Quê gốc chưa chắc ở lâu hơn các quê khác”. Nơi tôi gặp ông hôm nay là trang trại chuối 70ha ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.
Nhắc đến những năm tháng mưu sinh khi còn còn là một thiếu niên, ông Huy trầm ngâm: “Đó là những năm tháng không bao giờ tôi quên”.
Võ Quan Huy là con út trong một gia đình có đến 8 anh chị em. Năm 14 tuổi, cậu đã phải đảm nhiệm vai trò người đàn ông trụ cột gia đình sau khi ba đi kháng chiến rồi mất trong chiến khu năm 1957. Hai người anh trai cũng đi bộ đội, nhà chỉ còn mẹ và 5 chị gái. Quan Huy khi đó còn là một cậu bé gầy gò, mái tóc, làn da cháy nắng, nhưng đã biết lái máy cày đi cày thuê khắp làng.
Năm 22 tuổi, ông Võ Quan Huy chính thức rời xa gia đình, lên Tây Ninh lập nghiệp, khai hoang đất trồng khoai mì, và gặp thất bại đầu tiên khi 70ha khoai mì bị nước lũ nhấn chìm.
Năm 1982, ông lên Sông Bé (Bình Dương) nhận khoán 80ha đất ở Tân Uyên trồng mía cho nhà máy đường Bình Dương. Và tiếp tục… thất bại, mía chết sạch vì làm không đúng kỹ thuật. Nhiều người tham gia với ông phải bỏ của chạy lấy người.
“Đây là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất. Tiền mua gạo cũng không có, phải mua thiếu, ăn trước trả sau. 6 năm sau mới trả xong nợ nhà máy”, ông Huy nhớ lại.
Đầu thập niên 1990, ông nhận 70ha đất ở huyện Trảng Bàng, khai hoang trồng mía. Tại đây, sau 3 năm thất bại, cuối cùng ông cũng thành công. Cái tên Huy “mía” có từ đó.
Sau khi thành công với cây mía ở Tây Ninh, ông về quê Long An tiếp tục khai hoang 240ha đất trồng mía. Nhưng do đất nhiễm phèn quá nặng, ông lại thất bại. Nhưng ông không đầu hàng.
“Lúc đó tôi được ông Tạ Tuyết, Giám đốc công ty đường Hiệp Hoà, Long An, động viên tôi tiếp tục, hứa cho giãn nợ và đầu tư thêm. Tôi bắt tay vào xây dựng hệ thống đê bao chống lũ, rửa phèn, cơ giới hoá... nhờ nó mà năm 2000 có trận lũ lớn, mọi thứ đều bị cuốn trôi, nhưng trang trại mía của tôi không hề gì”, ông Huy kể.
Nói về cái tên Huy “bò”, ông cho biết, ông là người đầu tiên ở miền Tây nhập khẩu bò từ Australia về nuôi vỗ béo trước khi cung cấp cho hàng trăm thương lái, công ty trong cả nước. Thời gian đầu, mỗi ngày ông cung cấp ra thị trường hàng trăm con bò thương phẩm, Bây giờ ngoài trại bò ở Long An do 2 con trai ông Huy quản lý, ông còn có trại bò ở Tây Ninh.
Năm 2000, ông dự báo cây mía sẽ mất dần thế đứng, bởi đường ngoại nhập về ồ ạt, chưa kể đường lậu, nên ông quyết định “dứt tình” với cây mía, chuyển sang trồng ớt ở vùng đất phèn Đồng Tháp Mười sau khi học đủ kinh nghiệm từ nhiều chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Thời điểm này, người ta lại gọi ông là Huy “ớt”.
Ngoài mía, mì, ớt, bò, ông Huy còn nổi tiếng là đại gia tôm ở vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng với hàng trăm ha ao tôm, sau khi “nếm” thất bại, mấy nhiều tỷ đồng cho con tôm. Mỗi lần chuyển đổi từ cây này sang cây kia, rồi nuôi trồng thuỷ sản, ít nhiều ông đều gặp thất bại ban đầu. Nhưng cái hay ở Huy “chuối” là ý chí sắt đá, quyết không nản lòng.
“Thất bại trong làm ăn kinh tế là chuyện bình thường, nhất là lúc đầu mình chưa tích lũy đủ kinh nghiệm. Vấn đề là sau mỗi thất bại mình rút ra bài học, và sẵn sàng đối mặt với khó khăn để làm lại”, ông Huy nói.
Và nếu tính ra thì ông Huy là người đầu tiên ở ĐBSCL làm mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cách nay 20 năm.
Năm 2014, ông Huy thử sức với cây chuối, 2 năm sau ông đã có sản phẩm xuất khẩu. Lấy tên thương hiệu là Fohla.
Vườn chuối mênh mông của ông Huy có diện tích tới 70ha, được chia thành từng lô vuông vắn, mỗi lô phân định bằng đường đi rộng. Nguồn nước tưới chuối được lấy từ giếng đào, qua hệ thống ống dẫn nước dài hơn 50km chạy quanh vườn. Việc di chuyển hoàn toàn bằng xe cơ giới.
Riêng ông Huy thường đi thăm vườn bằng chiếc xe Land Rover tiền tỷ. Phía trên đầu, dọc theo đường lô là hệ thống ròng rọc dài nhiều km để vận chuyển chuối từ vườn vào nhà sơ chế, đóng gói. Người thu hoạch chỉ việc cắt buồng chuối, mang đến điểm tập kết, móc lên ròng rọc, sau đó dùng xe máy kéo cả dây buồng chuối về.
Ròng rọc này không chỉ cho chuối mà còn đưa nhân công từ lô này sang lô khác, vừa giảm thời gian đi lại, vừa có chút thời gian thư giãn.
Nghe tôi thắc mắc: “Sao anh không đặt tên thương hiệu đơn giản, dễ nhớ, mà lấy tên “Tây” khó đọc vậy?”.
Ông cười đáp: “Chuối chủ yếu xuất khẩu, nên phải đặt tên cho nó “Tây” một chút chứ. Thực ra, đó chỉ là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Fruit of Huy Long An”, nghĩa là “Trái cây của Huy Long An” thôi. Còn trong tiếng Bồ Đào Nha, Fohla có nghĩa là “chiếc lá”, nên logo sản phẩm là hình 2 chiếc lá”.
“Tên gì thì tên, quan trọng nhất là dòng chữ “Made in Vietnam”. Tôi tự hào khi dán chữ đó lên mỗi trái chuối do mình sản xuất”, ông Võ Quan Huy.
Ngay khi định hình mô hình chuối, ông Huy đã chọn thị trường Nhật Bản cho đầu ra.
“Thị trường Nhật yêu cầu chất lượng sản phẩm rất cao, gần như hoàn hảo. Mới làm đã chọn thị trường Nhật, anh không sợ thất bại sao?”, tôi hỏi.
“Đúng. Nhưng tôi rất tự tin, vì trước khi chọn Nhật, tôi đã nghiên cứu rất kỹ thị trường này. Nhật Bản không trồng chuối, nhưng mỗi năm nước này nhập khẩu từ 1,2 triệu tấn chuối trở lên.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn của họ rất cao, rất khắt khe, muốn đưa nông sản mình vào Nhật, phải nắm rõ các yêu cầu về chất lượng. Khi chất lượng đảm bảo rồi, thì việc làm ăn với họ rất yên tâm. Cho nên, tôi chuẩn bị rất đầy đủ, từ quy trình chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói.
Trước khi ký hợp đồng, đối tác Nhật cử người thường xuyên có mặt tại trang trại để theo dõi toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Họ lấy mẫu sản phẩm, mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí về Nhật Bản cả tháng trời để kiểm nghiệm.
Toàn bộ 230 chỉ tiêu sinh lý - hóa sinh đều đạt yêu cầu, không có kim loại nặng, không có vi khuẩn gây hại, không dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, không chất kích thích tăng trưởng, đều kích cỡ, khi chín màu vàng ươm, bùi, dẻo, ngọt vừa… họ mới gật đầu ký. Tiêu chí của người Nhật là sạch - đẹp - ngon”, ông đáp.
Gặp và nghe Võ Quan Huy, khó có thể tin ông là “nông dân chính hiệu”, bởi suy nghĩ của ông, cách làm của ông như một chuyên gia kinh tế, dự báo thị trường thực thụ. Cứ nhìn ông làm mô hình “chuối - bò” của thì thấy.
Mô hình mà theo đánh giá của đối tác Nhật Bản là “vòng lặp hoàn hảo”, chưa có nơi nào trên thế giới làm. “Đạt được thành công mới chỉ là bước đầu, giữ được nó mới là khó”, ông nói.
Sau khi quy hoạch xong vườn chuối, ông tiếp tục xây dựng mô hình nuôi bò công nghiệp, tạo ra một quy trình khép kín. Chuồng bò dài hàng trăm mét được phun một loại vi sinh để phân hủy chất thải bò, triệt tiêu mùi hôi.
Sau đó phân bò được phơi, ủ với một loại vi sinh khác trước khi bón cho cây chuối. Sau khi thu hoạch chuối, các phụ phẩm từ cây chuối như thân, lá, cốt buồng chuối, được chế biến thành thức ăn cho bò.
Như vậy, mọi thứ của bò, của chuối không bỏ thứ gì. Cái hay hơn nữa là môi trường được xử lý triệt để, không gây ô nhiễm. Đó chính là vòng tuần hoàn hoàn hảo được người Nhật đánh giá cao.
Nói về tiềm năng xuất khẩu, ông Huy bảo, Trung Quốc, Hàn Quốc đang nhập khẩu chuối của Huy Long An, thị trường Trung Đông, Đông Âu cũng không khó để chuối Fohla có mặt.
Mỗi năm thế giới cần đến 17 triệu tấn chuối, Fohla mới chiếm 0,5%, không đủ đáp ứng yêu cầu của một số doanh nghiệp nhập sỉ của nước ngoài. Thị trường còn tiềm năng rất lớn. Nhưng muốn sản phẩm đi Tây được thì cần phải có sự đầu tư.
Hiện tôi đang liên kết với nhiều hộ dân, HTX trồng chuối sạch, vừa giúp họ có thu nhập ổn định vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng nước ngoài.
Ra về, tôi thầm ước, giá như Việt Nam có nhiều nhiều Huy “chuối” một chút thì nền nông nghiệp Việt Nam có thể thoát cái vòng lẩn quẩn “trồng gì, nuôi gì” và không phải chịu cảnh “được mùa mất giá” như bao năm nay. Khi đó, người tiêu dùng Việt Nam dù chua phải giàu, cũng có thể được sử dụng hàng ngày những sản phẩm như chuối Fohla.
Sau 3 năm trồng, doanh thu từ xuất khẩu chuối của ông Huy đã đạt 6 - 7 triệu USD, năm 2019 hơn 9 triệu USD. Năm 2019, sản lượng chuối của ông Huy lên đến 10 ngàn tấn. Dự kiến năm nay là 12 ngàn. Huy Long An là công ty đầu tiên của Việt Nam đưa được chuối thương hiệu Fohla vào hệ thống siêu thị Don Kihote, Daiei, Aeon ở Tokyo, Nhật Bản từ tháng 4/2016, và cạnh tranh với nhiều loại nông sản ngon nổi tiếng tại các tỉnh Niigata, Chiba... của Nhật.
Theo Minh Đức/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã