Họ, những người nông dân “chân lấm, tay bùn”, nhưng là nguồn cảm hứng bất tận để cho những nhà báo hoàn thành các tác phẩm báo chí hay nhất của mình.
Một kinh nghiệm “độc” cũng làm nên một bài báo
Cách đây khoảng 4 năm, khi nghe thông tin về một người làm vườn, được nhân dân trong vùng mệnh danh là “phù thủy”, bởi ông có biệt tài làm cho quả nhãn đặc sản của quê hương ra hoa, kết trái, theo ý mình; không những sai quả mà chất lượng còn có phần cao hơn chính vụ, tôi đã về vùng quê Yên Mỹ (Hưng Yên) để tìm gặp ông. Ông là Lương Văn Khoa, nguyên là Giám đốc Công ty Giống dâu tằm của tỉnh Hải Hưng (cũ). Năm 1991, ông nghỉ chế độ, cách nghỉ chế độ của ông cũng “khác người”, bởi ông chủ động xin nghỉ để về nhà “ôm ấp” và thực hiện niềm đam mê của mình, để gìn giữ, nhân giống và phát triển ba loại cây ăn quả là nhãn lồng, mít và bưởi trên vùng đất quê hương.
Nhấp một chén trà, dưới rặng nhãn sai trĩu quả, ông vui vẻ cho tôi biết, thực ra có phải là thần thánh gì đâu, người dân gán cho tôi cái danh “phù thủy” cũng là bởi tôi làm cho vườn nhãn của tôi sai quả hơn và có thể ra trái muộn hơn, hoặc sớm hơn chính vụ mà chất lượng nhãn lại cao hơn mà thôi. Nhưng để làm được thế này, tôi phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm và rồi đúc kết lại để áp dụng vào trồng trọt, chăm sóc cho cây. Nó là công trình khoa học nhưng được thực hiện tại những khu vườn, cánh đồng, chứ không thể làm trong phòng thí nghiệm được.
Thế rồi ông kể cho tôi nghe về biệt danh “phù thủy” của ông mà người dân đặt cho, thực chất đó là việc nắm bắt được quy luật thiên nhiên, diễn biến của thời tiết, để rồi biết hãm và kích thích chúng đúng lúc, đúng thời điểm thì nhãn mới ra hoa kết trái theo ý mình. Ông chỉ cho tôi biết cách hãm, ức chế bắt nhãn phải ra hoa, kết trái như thế nào, cứ như thế tôi và ông trò chuyện với nhau hết cả buổi sáng , nếu như không có sự nhắc nhở khéo của bà vợ ông, chắc chúng tôi chưa thể dừng câu chuyện.
Ông Khoa nói với tôi: “Trong quá trình trồng trọt, đôi khi không phải cứ ngồi trong phòng nghiên cứu, thí nghiệm là sẽ thành công, mà phải thực hiện ở ngoài vườn, đồng ruộng, phải chú ý theo dõi, phải tâm huyết lắm thì mới thành công được”.
Ngẫm nghĩ về câu nói này của ông Khoa, tôi nhận thấy rất đúng. Vì công việc đồng áng, nhất là trồng trọt, người nông dân phải am hiểu không những đặc tính của từng giống cây, mà còn phải biết “thuận thiên” để cho cây phát triển, đơm hoa, kết trái theo như mong muốn của mình. Rồi bài viết về “Người bắt nhãn trổ hoa, cho quả” của tôi ra đời từ cuộc nói chuyện này với ông Khoa. Bài báo được nhiều bạn đọc tìm đọc và chia sẻ, nhiều đồng nghiệp cũng xin địa chỉ để tìm hiểu thêm về mô hình.
Báo chí đưa quất Tàm Xá lên ngôi
Vốn là người hay chơi quất, đào vào những dịp Tết đến Xuân về, tôi thường vi vu trên chiếc xe máy của mình lân la hết vườn đào này, đến vườn quất nọ chỉ để ngắm và chọn cho mình một cây quất, hay cành đào ưng ý cắm chơi trong mấy ngày Xuân. Khi đi hết thủ phủ quất đào ở Tứ Liên, Quảng Bá (Tây Hồ), chạy xe qua chiếc cầu dây văng Nhật Tân, men theo con đê về cầu Đuống, tôi thật ngỡ ngàng bởi vùng đất ven sông thuộc xã Tàm Xá (Đông Anh) trước đây chỉ toàn thấy rau với đậu, bây giờ bạt ngàn quất, những cây quất to, lá xanh biếc, quả sai trĩu trịt vàng óng khoe sắc dưới nắng xuân.
Lạc vào một vườn quất đẹp nhất bãi, tôi được chị Nguyễn Thị Toan chia sẻ về công việc trồng quất ở đây: Vất vả lắm, những năm được mùa thì không sao, nhưng nếu mất mùa có khi công sức bỏ ra cả năm đều đổ hết xuống sông, xuống bể. Nói về đặc tính của cây quất, chị Toan như thuộc lòng từng cây như thuộc lòng tính cách của từng đứa con của mình.
Nghe chị nói về những cây quất trong vườn, từ khi trồng, đến khi đảo quất, rồi đến hãm quất sao cho quất nở vào đúng vụ, để cho trái quất to, tròn, chín mọng, vàng ươm, khoe sắc là cả một gian nan, vất vả. Chỉ khi nào người chơi quất đến đây lựa chọn cho gia đình mình một cây quất ưng ý, trưng trong những ngày Tết, lúc đó cả vườn quất tan tác, nham nhở những hố trồng khi cây quất được đào mang đi, chị Toan mới thực sự nở nụ cười và biết rằng Tết đã đến nhà mình.
Về Tàm Xá vào những ngày giáp Tết, đứng chen chân giữa các luống quất đang vào độ, những cây quất quả vàng sai trĩu trịt mới thấy công sức của nông dân bỏ ra thật giá trị đến thế nào.
Đã nhiều năm liên tục về Tàm Xá để viết về những người trồng quất, tôi được chị Toan và những người trồng quất ở đây đón tiếp như người thân lâu ngày mới gặp. Nhiều người đã nói, từ khi chúng tôi chuyển đổi cây trồng từ trồng rau màu sang trồng quất, cuộc sống của người dân thay đổi rõ rệt, nhiều hộ gia đình đã có thu nhiều tỷ đồng mỗi năm, nhà cửa được xây dựng mới khang trang, đường làng ngõ xóm được trải thảm bê tông phẳng lỳ. Tất cả cũng nhờ vào thu nhập từ cây quất và sự góp phần rất lớn của báo chí để đưa quất cảnh Tàm Xá lên ngôi.
Nhờ những bài viết về cây quất ở vùng đất Tàm Xá ven sông Hồng, nhiều người chơi quất cảnh xa gần đã tìm về đây, lựa cho mình những cây quất ưng ý nhất, trưng vào những ngày Tết đến xuân về. Người dân trồng quất ở đây nhờ đó có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Đó chính là niềm vui lớn nhất với người cầm bút như chúng tôi.
Đồng hành với Chương trình XDNTM
Tác giả (đứng giữa) trong một lần đi thực tế tại Mê Linh (Hà Nội).
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đi được chặng đường khá dài, các địa phương trên cả nước đã có sự thay da đổi thịt rất lớn, hệ thống đường giao thông được mở rộng, sạch sẽ, khang trang. Những ngôi trường đẹp đẽ mọc lên cho các em học sinh vui tung tăng cắp sách đến trường, nhà văn hóa, sân thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng là nơi để bà con sinh hoạt. Cuộc sống của nhân dân từ miền núi cao, đến vùng đồng bằng, ra tận đảo xa đều thay đổi rõ rệt.
Tôi về thôn Tiên Hội, xã Đông Hội (Đông Anh - Hà Nội), nghe bà con vui mừng kể về con đường bao quanh làng, vừa được hoàn thiện đưa vào sử dụng. Con đường là thành quả của sự chung sức đồng lòng đóng góp của người dân và định hướng chỉ đạo đúng đắn của chính quyền địa phương.
Bà Lương Thị Hoa, nhà ở ngay sát con đường mới được làm, cho biết: “Con đường tạo sự đổi đời rất lớn cho nhân dân trong thôn chúng tôi, đường rộng rãi, sạch sẽ, phẳng phiu, ô tô đi được đến từng gia đình, chẳng bù cho những ngày trước lầy lội hết sức khổ sở”.
Không vui, không mừng cùng bà con ở đây sao được khi hệ thống đường giao thông nông thôn của Tiên Hội được đầu tư xây dựng khang trang, có vỉa hè, có cây xanh đang được trồng và hệ thống đèn điện chiếu sáng cũng đang được lắp đặt, mang dáng dấp đô thị đang dần hình thành và hiện hữu nơi đây.
Tôi đang hình dung ra một con phố của thôn Tiên Hội sau này khi Đông Hội trở thành phường, rồi cuộc sống của những người nông dân ở đây sẽ thay đổi nhờ vào những con đường vừa được hoàn thiện này và chợt nghĩ còn vô vàn câu chuyện tôi muốn được nghe, được kể và được viết tiếp. Đó sẽ là những trang thông tin thành quả của Chương trình XDNTM sẽ dày lên từng ngày trên khắp mọi miền đất nước.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đem lại diện mạo mới cho nông thôn Việt Nam. Những người nông dân được thỏa sức mang những ý tưởng, kinh nghiệm của mình gieo trồng trên đồng ruộng quê hương, để thu lại những thành quả và niềm vui, hạnh phúc. Những niềm vui đó của nhà nông luôn luôn là những đề tài bất tận để cho các thế hệ người làm báo theo đuổi và viết lên những tác phẩm báo chí ý nghĩa, có giá trị.
Theo Ngọc Thủy/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/nha-nong-nguon-cam-hung-bat-tan-post43202.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã