Nông dân phấn khởi khi lợi nhuận tăng cao hơn hàng năm xấp xỉ 30 triệu đồng/ha nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp trong chương trình Canh tác lúa thông minh do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau và Công ty cổ phần phân bón Bình Điền triển khai thực hiện.
Huyện Trần Văn Thời hay còn được bà con nơi đây gọi vui với tên gọi “trời thần” là một trong những huyện có diện tích canh tác lúa lớn nhất tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, do giá lúa bấp bênh và điều kiện canh tác khó khăn nên thu nhập từ trồng lúa của bà con nơi đây khá thấp so với mặt bằng chung.
Trong năm 2020 được xem là rất thuận lợi cho cây lúa khi giá bán tăng mạnh từ đầu năm, nhưng bà con nơi đây lại không được hưởng niềm vui đó. Trong vụ lúa Đông Xuân, đây là 1 trong những địa phương bị thiệt hại do hạn mặn nặng nề nhất toàn tỉnh, tưởng chừng đến vụ lúa Hè Thu sẽ lấy lại được phần nào vốn liếng thì đợt lũ cuối tháng 9 đã cướp đi gần như hết thành quả của bà con.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau, hơn 14.000 ha lúa Hè Thu của bà con bị ngập sâu, phần lớn mất trắng hoặc chỉ thu hoạch được vài bao/công, không đủ công thu hoạch.
Trong vụ Đông Xuân 2020-2021, 4 hộ nông dân tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp ấp Rạch Lùm B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tham gia mô hình Canh tác lúa thông minh do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Trung tâm KNQG, Trung tâm KN tỉnh Cà Mau hợp tác triển khai.
Sau hơn 3 tháng triển khai, cả 4 hộ đều phấn khởi vì năng suất lúa đạt được rất cao, bình quân xấp xỉ 7,2 tấn lúa tươi. Chi phí đầu tư giảm đáng kể, thu nhập tăng đạt gần 30 triệu/ha, ước lợi nhuận cao hơn đối chứng 5,6 triệu đồng/ha. Đây được xem là mức thu nhập cao nhất mà bà con nông dân nơi đây từng đạt được trên ruộng lúa của mình. Giá lúa cao, chí phí sản xuất giảm nên lợi nhuận mang lại cho bà con nông dân cao, góp phần giúp bà con vượt qua một năm 2020 với quá nhiều khó khăn.
Cùng với bà con nông dân thăm đồng, đánh giá ruộng lúa cuối vụ, KS. Trần Chí Nguyện – Cán bộ kỹ thuật Trung tâm KN tỉnh cho hay: “Ở đây bà con gặp khó khăn rất nhiều vì cả năm qua hầu như không có thu nhập nào từ ruộng lúa, điều kiện đất bị nhiễm phèn và phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên năng suất lúa thường thấp hơn so với các vùng sản xuất lúa thuận lợi khác. Trong mô hình này, bà con nông dân được các nhà khoa học tập huấn kỹ thuật rất bài bản, cán bộ kỹ thuật thăm đồng và cùng nông dân bàn các giải pháp sẽ áp dụng vào thực tế đồng ruộng. Nông dân là trung tâm nên bà con nông dân thực sự vừa học vừa thực hành trên chính mảnh ruộng của mình”.
Cánh đồng canh tác lúa thông minh do Công ty CP phân bón Bình Điền triển khai phối hợp thực hiện. Ảnh: Ngọc Vân.
Một trong những thành công trong mô hình được TS. Hồ Văn Chiến chia sẻ là bà con đã ứng dụng được nhiều giải pháp kỹ thuật canh tác mới, trong đó giảm thiểu tối đa phun thuốc hoá học, quản lý dịch hại tổng hợp nên môi trường tự nhiên rất đa dạng sinh vật, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bà con trồng lúa cũng bảo vệ được sức khoẻ.
TS. Hồ Văn Chiến và bà con nông dân thăm ruộng mô hình. Ảnh: Ngọc Vân.
Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật canh tác hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tập huấn, huấn luyện nông dân thành các chuyên gia, chương trình Canh tác lúa thông minh đã được tiếp tục triển khai thực hiện từ vụ Đông Xuân 2020-2021 vừa qua. Huyện Trần Văn Thời – Tỉnh Cà Mau cùng với nông dân ở các vùng sản xuất lúa khác tại 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL sẽ được tiếp cận, chuyển giao trong vòng 2 năm.
Cùng với những giải pháp khác, các mô hình như thế này sẽ giúp cho bà con nông dân, nhất là các vùng sản xuất khó khăn tiếp cận và ứng dụng tốt các giải pháp canh tác, từ đó ổn định sản xuất, cải thiện thu nhập trong tình hình sản xuất ngày càng khó khăn do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Theo Huy Hồ/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/nong-dan-huyen-troi-than-thang-lon-nho-canh-tac-lua-thong-minh-d285892.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã