Nuôi loài cá có tên lạ-cá thát lát
Gia đình anh Cao Văn Tới có hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt tại làng Phú Sơn (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), với các loại cá mè, cá trôi, trắm cỏ,...
Đặc biệt là người dân nuôi nhiều giống cá trê lai, loại cá ăn tạp, dễ nuôi và ít vốn, lợi nhuận lớn. Tuy nhiên về lâu dài, nuôi cá trê khiến không khí và môi trường nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đồng ruộng.
Sau khi nghỉ việc tại UBND xã Hòa Khương, anh Tới tập trung vào công việc nuôi cá và hướng đến một mô hình sản xuất mới. Tháng 6/2019, anh bắt đầu nuôi lứa cá thát lát đầu tiên trong vùng, được Sở NNPTNT Đà Nẵng hỗ trợ con giống, thức ăn, tư vấn kỹ thuật chăm sóc.
Anh Tới chia sẻ: "Cá thát lát vốn là loại cá đặc trưng của miền Tây, dân trong vùng chưa ai nuôi loài cá lạ, loài cá mới này nên tôi cũng khá lo lắng khi chuyển đổi. Dù gặp không ít khó khăn, trong quá trình chăm sóc cá chậm lớn, phòng trừ bệnh hại, nhưng lứa cá thát lát đầu tiên của tôi cũng đạt được kết quả hơn mong đợi".
Nếu như người dân miền Tây nuôi và xuất cá chỉ trong 7 tháng, thì mô hình nuôi cá thát lát của anh Tới phải gần 1 năm mới có thể bán. Bên cạnh đó, năng suất cá thát lát cũng thấp hơn nhiều so với các loại cá khác. Khi ao nuôi phát sinh vấn đề gì thì phải chạy đôn chạy đáo để tìm cách xử lý.
Anh Tới cho hay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cá thát lát đến kỳ thu hoạch không bán được. Anh tạm thời chuyển sang làm sản phẩm chả cá thát lát thủ công, với hi vọng giải quyết được phần nào số lượng cá trong ao và chủ động hơn về thị trường tiêu thụ.
Nuôi cá thát lát, làm chả cá thát lát thu lãi hơn 30 triệu đồng/tháng
Cá thát lát có thịt ngon nên khi anh Tới chế biến thành chả cá thát lát và rao bán online thì được nhiều thực khách ưa chuộng. Đến tháng 11/2020, anh dốc hết vốn gần 300 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và hệ thống máy móc làm chả cá thát lát. Từ đó, hoạt động sản xuất chả cá thát lát dần đi vào ổn định và năng suất cao hơn.
Để có đủ nguồn nguyên liệu làm chả cá thát lát, anh Tới thu mua cá của người dân ở 2 xã Hòa Khương và Hòa Phong (vùng nuôi cá nước ngọt chủ lực của huyện Hòa Vang). Từ 2kg cá thát lát, qua quá trình chế biến và thêm các thành phần gia vị sẽ thu được 1kg chả. Trung bình mỗi ngày, anh Tới sản xuất được 40kg chả cá thát lát, bán giá 200.000 đồng/kg, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn Đà Nẵng.
Anh Tới vui vẻ: "Hiện nay, với sản lượng đạt 1,2 tấn chả cá thát lát mỗi tháng thì tôi thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Vào những dịp lễ tết, sản lượng tăng gấp 3 ngày thường và phải thuê thêm người phụ. Nhiều nhà hàng chọn chả cá thát lát là món ăn đặc sản đồng quê. Vì vậy trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tăng năng suất và sản xuất thêm các loại chả cá điêu hồng, ba sa để đa dạng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng".
Hiện tại anh Tới nuôi 2 ao cá thát lát, trên tổng số 5 ao (5.000m2) của gia đình. Sau thời gian chuyển đổi mô hình mới, anh nhận thấy nuôi loài cá này không quá khó, giá thành cao hơn so với các loại cá truyền thống tại địa phương. Đặc biệt là quá trình nuôi cá thát lát đảm bảo an toàn sinh học, giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường lâu nay tại làng cá Phú Sơn.
Theo Tuyết Nhung - Trần Hậu/danviet.vn
https://danviet.vn/nuoi-loai-ca-dang-da-dieu-an-mac-con-dieu-hon-8x-da-nang-kiem-bon-tien-20210309183649094.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã