Học tập đạo đức HCM

Tự tin hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu tôm

Thứ sáu - 12/03/2021 00:22
Sau Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam tại tỉnh Cà Mau tháng 2/2017, đặc biệt là Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại Cần Thơ và Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành tháng 11/2017, ngành tôm nước ta đã có nhiều chuyển biến.
Ảnh minh họa
Tăng tốc đầu tư

Phấn khởi vì vừa khánh thành nhà máy chế biến tôm An An tại huyện Châu Thành (Tiền Giang) với công suất 5.000 tấn tôm thành phẩm/năm và tổng đầu tư lên khoảng 410 tỷ đồng, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Công ty Thuận Phước), một doanh nghiệp tại Đà Nẵng, chia sẻ lý do ông đầu tư dự án nuôi tôm lên đến 200 ha tại Ba Tri (Bến Tre), và cách đây ít ngày đưa vào hoạt động nhà máy chế biến tại Tiền Giang, chính là mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu mà Thủ tướng đặt ra cho ngành tôm và tiếp ngay sau đó là Nghị quyết 120, chỉ ra hướng đi bền vững cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Lĩnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn gia tăng, việc đầu tư nuôi tôm nước lợ của công ty theo hướng bền vững, đúng với tinh thần của Nghị quyết 120. Năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch bệnh nhưng xuất khẩu của công ty vẫn đạt 100 triệu USD, tăng khoảng 10% so với 2019. Năm nay, diện tích nuôi tại Ba Tri (200 ha) và Thừa Thiên-Huế (150 ha) đạt 100%, dự kiến xuất khẩu của công ty ước đạt 140 triệu USD.

Tương tự ông Lĩnh, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt-Úc, một trong số không nhiều doanh nghiệp thủy sản thực hiện chuỗi giá trị khép kín từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, tôm thương phẩm đến chế biến, nhìn nhận: “Cách đây 3 năm, Thủ tướng đặt ra mục tiêu cho ngành tôm phấn đấu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu đến năm 2025. Đó là mục tiêu, là nhiệm vụ dài hơi mà toàn ngành cần chung tay nỗ lực”.

Theo ông Văn, năm 2020 là một năm với nhiều biến động, thử thách, tuy vậy ngành tôm vẫn vượt khó, vươn lên và tăng trưởng dương, xuất khẩu đạt 3,78 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2019. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành và là niềm hy vọng cho sự phát triển hơn nữa của ngành tôm trên chặng đường chinh phục con số 10 tỷ USD.

Với Tập đoàn Việt-Úc, từ sau hội nghị tại Cà Mau, đã liên tục mở rộng quy mô, phát triển các công nghệ, giải pháp cho ngành tôm. Nhờ đó, doanh nghiệp đạt nhiều chứng nhận khắt khe trong và ngoài nước, như chứng nhận Cơ sở An toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới, chứng nhận ASC cho khu nuôi, giải thưởng Sản phẩm đạt chất lượng quốc gia… Và với tư duy khép kín chuỗi giá trị, sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng 2 tiêu chí quan trọng, cũng là yêu cầu cho hướng đi bền vững của ngành tôm: Truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội, cho rằng, nhờ mục tiêu mà Thủ tướng nêu ra cho ngành tôm mà nhiều doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh đầu tư, chế biến. Giai đoạn 2017-2020, ngành tôm Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong sản xuất và xuất khẩu.

Chuyển biến nhận thức

Khi được đề nghị đánh giá tình hình sau 3 năm Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất công nghệ mới Việt Nam (Ambio), ông Lưu Đình Vũ cho biết: “Nếu nhìn về khía cạnh sản xuất, có thể nói rằng sản lượng và chất lượng tôm trong những năm vừa qua được nâng lên một cách rõ rệt. Điều này đến từ sự chuyển biến nhận thức của người nuôi, từ chỗ trước đây coi nuôi tôm là nghề “đánh bạc với giời” sang coi nuôi tôm là một nghề đòi hỏi trình độ, hiểu biết, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ”.

Thời gian qua, cùng với sự đầu tư bài bản hơn về hạ tầng nuôi (hệ thống ao, phụ trợ…), quy trình kỹ thuật, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất cũng được triển khai ngày càng rộng rãi với tốc độ rất nhanh, giúp kiểm soát tốt hơn về môi trường, giảm chi phí trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm đầu ra. Đây là yếu tố then chốt để tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ của ngành tôm trong thời gian vừa qua.

Sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người nuôi tôm thời gian vừa qua là chuyển đổi phương thức nuôi sang mô hình an toàn sinh học, giảm lạm dụng hóa chất, kháng sinh hay việc sử dụng con giống nguồn gốc không rõ ràng,… Theo ông Vũ, chính chuyển biến trên sẽ là tiền đề cho việc hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng vươn lên thành cường quốc xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.

Dư địa rất lớn

“Xét trong bối cảnh đại dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu ngành tôm đạt 3,7 tỷ USD năm 2020, tăng trưởng 14,5% so với năm 2019 là một thành công, dù con số này còn cách khá xa so với mục tiêu 10 tỷ USD năm 2025 của chúng ta”, ông Lưu Đình Vũ nhận định.

Còn theo ông Lương Thanh Văn, dư địa để phát triển ngành tôm còn rất lớn. Vấn đề là chiến lược đi như thế nào để phát triển con tôm cho tương xứng tiềm năng. “Trong khi nhu cầu tôm trên thế giới tiếp tục tăng, việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19 và tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương với các nước sẽ là những thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador trong thời gian tới”.

Về phía các doanh nghiệp, hiện đã có sự đầu tư rất lớn cả về quy mô và ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng, chế biến. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến việc nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Đây chính là chìa khóa và chúng ta hoàn toàn tự tin để hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD đã đề ra.

Vẫn cần những chương trình, chính sách cụ thể

Có thể nói, trong 3 năm qua, ngành tôm Việt Nam đã có nhiều chuyển biến về quy mô đầu tư và bước đầu cho tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng việc triển khai Nghị quyết 120 với ngành tôm chưa được như kỳ vọng, chưa có những chương trình cụ thể, nhất là chưa có sự khảo sát, đánh giá để có được một quy hoạch vùng nuôi thuận lợi, tạo điều kiện để doanh nghiệp có căn cứ đầu tư.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, khi ngành tôm mang tính cạnh tranh toàn cầu, các “cường quốc tôm” đối thủ không ngừng thúc đẩy ngành tôm của họ khiến sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Nếu các bộ, ngành không nỗ lực hơn, quyết tâm hơn thì các mắt xích trong chuỗi giá trị tôm, nhất là khâu chế biến và nuôi trồng, không thể phát huy hết khả năng. Hai năm qua, tôm nuôi bị dịch bệnh tấn công khiến người nuôi “chùng tay” nhưng nếu có sự sâu sát kịp thời của cơ quan liên quan, đưa ra các phác đồ điều trị kịp thời sẽ tăng sự vững tâm cho người nuôi để lên kế hoạch phát triển doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện ngành tôm vẫn còn những tồn tại lớn, như tôm nuôi đạt chuẩn chất lượng mà thị trường tiêu thụ yêu cầu còn rất thấp, không tới 10%, trong khi đây là yếu tố nền tảng để tôm Việt lên kệ các hệ thống tiêu thụ cao cấp, nền tảng để nâng tầm tôm Việt, nền tảng để tận dụng cơ hội từ các FTA, nhất là EVFTA. Nguyên nhân của điều này do tình hình nuôi đại đa số là nhỏ lẻ, không có những diện tích lớn nuôi quy mô trang trại.

Hay như việc đánh mã số, như “giấy thông hành” cho cơ sở nuôi tôm (để có căn cứ truy xuất nguồn gốc) mới thực thi ở rất ít cơ sở nuôi. Vì thế con tôm Việt chưa có giá trị cao như mong muốn. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng các vùng nuôi lớn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đủ điều kiện để tiến tới nuôi công nghệ cao.

Theo ông Lương Thanh Văn, điều đầu tiên cần nhắc đến là giống, việc kiểm soát con giống trôi nổi luôn là bài toán lớn đặt ra. Mặc dù trong những năm gần đây, Bộ NN&PTNT cũng đã xử lý nghiêm với các nguồn giống không rõ nguồn gốc nhưng cần làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Với nuôi trồng, cần đầu tư đồng bộ, đầy đủ cho nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, tăng hiệu quả, bảo đảm đầy đủ nguồn tôm nguyên liệu với giá thành cạnh tranh nhất. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, còn có những vấn đề cần tháo gỡ khác như bảo hiểm cho nuôi tôm, đào tạo lao động ngành tôm…

Ý kiến của doanh nghiệp dẫn đầu ngành, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm của ngành tôm thế giới, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045.

Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Quang cho rằng, cần có chính sách, cơ chế thực sự thông thoáng để các dự án được triển khai trong thời gian nhanh nhất có thể. Có các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi lớn… để thu hút các doanh nghiệp quan tâm và đầu tư mạnh mẽ, xây dựng một hệ sinh thái tôm Việt Nam hoàn chỉnh, bền vững trong thời gian tới.

Theo Mạnh Hùng/baochinh.vn
https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Tu-tin-huong-den-muc-tieu-10-ty-USD-gia-tri-xuat-khau-tom/425502.vgp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập172
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm171
  • Hôm nay10,567
  • Tháng hiện tại345,308
  • Tổng lượt truy cập92,722,972
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây