Anh Chu Quyết Tiến sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng đồi nghèo khó của xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Học xong cấp 3, anh không theo con đường học tập mà bôn ba đủ thứ nghề.
"Chỉ học hết cấp 3, không có bằng cấp nên tôi đã phải bôn ba nhiều nơi, làm đủ thứ nghề nhưng kinh tế thu về chẳng được bao nhiêu. Nhiều đêm nơi đất khách quê người, trăn trở về cuộc sống khiến tôi không thể ngủ được. Trong đầu tôi lúc ấy luôn suy nghĩ phải làm một cái gì đó của riêng mình và làm giàu trên chính quê hương", anh Tiến chia sẻ.
Cơ duyên đến với anh Tiến vào năm 2016, trong lần đi tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Đoan Hùng.
"Thấy mô hình trồng thanh long đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại thấy khu đất hơn 2ha của gia đình chỉ trồng những cây nông, lâm nghiệp, cây tạp không đem lại nhiều về kinh tế nên tôi đã quyết định cải tạo, đầu tư trồng cây thanh long", anh Tiến tâm sự.
Nghĩ là làm, anh học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long của những người trồng trước, tìm hiểu kỹ thuật rên sách báo, internet. Khi đã có vốn kiến thức nhất định, anh xuống trực tiếp Viện nông nghiệp để mua 200 trụ thanh long về trồng.
"Dù đã học hỏi kinh nghiệm trồng từ nhiều nguồn, tuy nhiên, thời gian đầu kinh nghiệm thực tế chưa có, số trụ cho quả thanh long không sai, năng suất kém, nhiều cây bị chết. Những năm sau tôi đã đúc rút kinh nghiệm, tìm tòi thêm cách chăm sóc ở những mô hình đã thành công, tìm tư liệu trên sách báo, dần dần thanh long đã kết trái sai, thích nghi được với thời tiết, thổ những quê nhà", anh Tiến vui vẻ.
Theo anh Tiến, kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ của anh là chôn trụ bê tông sâu, để độ cao khoảng 2m, trụ cách trụ từ 1,3 - 1,4m. Thanh long là loại cây ưa độ ẩm, nhưng không nên để úng vì sẽ dễ gây ra bệnh nấm. Nếu cây bị nấm, mọi người nên sử dụng thuốc vi sinh học, không gây hại cho môi trường và sự phát triển của cây thanh long.
"Quá trình chăm sóc giai đoạn đầu tương đối khó, cần nhiều loại phân như phân hữu cơ, phân chuồng ủ khoai mục. Trong giai đoạn ra quả thì phải cắt tỉa bỏ bớt quả kém chất lượng để mỗi mắt chỉ 1 – 2 quả, như thế mới đảm bảo chất lượng, quả to, căng mọng", anh Tiến chia sẻ.
Sau khi có kinh nghiệm, anh Tiến đã tăng từ 200 trụ lên 400 trụ thanh long. Với hơn 1ha thanh long ruột đỏ, hiện nay, trừ các chi phí, anh Tiến thu lãi được hơn 200 triệu đồng/năm.
Từ mô hình của anh, nhiều người dân quanh vùng đã học tập kinh nghiệm, trồng thanh long ruột đỏ, giúp kinh tế gia đình được nâng cao.
"Anh Tiến là thanh niên rất năng động, ham học hỏi và thành công với mô hình thanh long ruột đỏ, đem về hiệu quả kinh tế cao. Nhờ thành công này, nhiều người trong xã cũng học tập, mở rộng mô hình trồng cây thanh long, đem lại thu nhập cao cho gia đình", ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Thanh Long ruột đỏ Yên Kiện chia sẻ.
Còn theo chị Lương Thị Thùy Trang, Bí thư Đoàn xã Yên Kiện cho biết, anh Tiến là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, làm giàu cho các đoàn viên thanh niên của xã Yên Kiện. Đoàn Thanh niên đã nhiều lần tổ chức cho các đoàn viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình trồng thanh long của anh Tiến.
Nói về anh Tiến, ông Trần Tiến Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Kiện cho biết, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Tiến được chọn là mô hình điểm của xã. Sau khi thấy cây thanh long ruột đỏ phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên xã đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân mở rộng mô hình. Đến nay, cây thanh long ruột đỏ được xem là cây mũi nhọn của xã Yên Kiện.
Anh Tiến cho biết, trong năm nay, anh dự định sẽ mở rộng thêm mô hình với 400 – 500 trụ thanh long nữa.
"Đối với những thanh niên mới khởi nghiệp, mọi người cần phải kiên trì, không nản chí. Trước khi đầu tư vào ngành nghề hay mô hình nào đó cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị vốn kiến thức đủ lớn, như vậy mới hạn chế được rủi ro, thất bại," anh Tiến chia sẻ.
Theo Bình Hùng/danviet.vn
https://danviet.vn/phu-tho-bon-ba-du-thu-nghe-van-tay-trang-ve-trong-cay-cho-qua-ruot-do-lai-kham-kha-nhat-vung-20210310220607301.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã