Phát triển chăn nuôi an toàn thực phẩm theo xã, vùng trọng điểm sẽ mang lại hiệu quả bền vững. Ảnh: Thiện Tâm. |
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, để đảm bảo mục tiêu phát triển chăn nuôi trong năm 2021 đạt đúng chỉ tiêu đã đề ra, Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi bò và lợn để tăng giá trị gia tăng trong nông nghiệp, giữ ổn định trong chăn nuôi trâu và gia cầm. Trong đó, phát triển đàn bò khoảng 135 nghìn con, phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 12 nghìn tấn. Chăn nuôi lợn đạt khoảng 1,8 triệu con trở lên; đối với chăn nuôi gia cầm sẽ giữ ổn định đàn gia cầm 40 triệu con, trong đó có 30 triệu con gà; 10 triệu con vịt, ngan, ngỗng và gia cầm khác. Phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 156 nghìn tấn.
Song song với việc phát triển đạt chỉ tiêu số lượng, Hà Nội phấn đấu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi. Đồng thời phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại có quy mô lớn gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ tiên tiến, hiện đại và xây dựng chuỗi giá trị có liên kết để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó là việc hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi các khu vực nội thị, các thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội cần phải chú trọng phát triển con giống năng suất, chất lượng cao, đồng thời làm trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương khác. Tăng cường công tác giám sát, kiểm dịch bệnh, quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh, buôn bán vật tư, thuốc thú y, nghiêm cấm sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi.
Đẩy mạnh việc sử dụng các giống ưu thế lai, thức ăn giàu dinh dưỡng, kết hợp thức ăn công nghiệp và sử dụng các nguồn thức ăn sẵn có để tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm.
Ngoài ra cần tăng tỷ lệ chăn nuôi vỗ béo gia súc ăn cỏ như trâu, bò… Tập trung chỉ đạo, khuyến khích người chăn nuôi lựa chọn những con trâu, bò không đủ tiêu chuẩn làm giống để nuôi vỗ béo đưa vào xuất bán, giết mổ để tăng số lượng và sản lượng. Đẩy mạnh việc phát triển tổng đàn các loài vật nuôi theo định hướng năm 2021 thông qua việc nhập con giống đảm bảo theo quy định cũng như khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Riêng đối với đàn bò thịt cần tăng tỷ lệ đàn bò Zebu hóa là 100%, trong đó 50% là bò thịt chất lượng cao như: BBB, Wagyu, Charolais; Inra 95… Đối với đàn bò sữa sẽ tăng tỷ lệ bò HF thuần chủng là 15%, HFF3 là 70%, HFF2 là 10% và HFF1 là 5%. Trong đó tập trung phát triển đàn bò trên địa bàn các huyện có lợi thế như: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ…
Đối với đàn lợn sẽ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất con giống, chú trọng phát triển đàn nái ngoại và nái thuần chiếm trên 80% . Khuyến khích sử dụng nguồn giống tại địa phương hoặc con giống của các cơ sở cung ứng có uy tín, chất lượng để chăn nuôi đảm bảo sản lượng. Nâng cao năng suất, tỉ lệ sinh sản đàn lợn nái bằng cách sử dụng giống chất lượng cao như: Gen+, kháng Stress....
Năm 2021, Hà Nội tập trung sản xuất giống lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, các cơ sở sản xuất tinh sản xuất được từ 300 - 500 nghìn liều/năm, giảm dần đàn đực lợn giống trong dân. Tăng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt trên 80%, sản xuất ra 4 triệu con lợn giống để cung cấp nuôi lợn thương phẩm.
Bên cạnh đó sẽ phát triển nuôi các giống gà màu Lương Phượng, gà mía lai ri, gà hoa và một số giống gà màu, Sasso, Ross 208, Brown, Ai Cập...vv. Nhập ngoại các giống gà ông bà có năng suất, chất lượng cao về lai tạo đưa vào sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ lưu giữ, bảo tồn và phát triển các giống gà Mía Sơn Tây; lưu giữ, phát triển giống vịt cỏ Vân Đình và các giống vịt đẻ trứng, vịt bơ thương phẩm chăn nuôi công nghệ cao.
Tổ chức và tổ chức lại các loại hình sản xuất; xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của các hiệp hội, công ty, hợp tác xã, mô hình kinh tế hợp tác, nhóm sản xuất tạo thuận lợi khi áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Duy trì và đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất như: Liên kết giữa người sản xuất hình thành các HTX và tổ hợp tác; liên kết giữa doanh nghiệp và các HTX, tổ hợp tác và các trang trại theo chuỗi giá trị… Cùng với đó là xây dựng các mô hình chuỗi khép kín, chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng (OCOP) điểm trong đó Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ là đơn vị đi đầu.
Xây dựng nhãn hiệu tập thể sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc, tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hàng ngày cung cấp cho thị trường như: Chuỗi khép kín Nam Thái, chuỗi liên kết chăn nuôi TET, chuỗi AZ của HTX Hoàng Long, Trứng gà 729 Ba Vì chuỗi thực phẩm Nam Hà Nội, thực phẩm Tiên Viên, Oganic Green...
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/phat-trien-chan-nuoi-ben-vung-an-toan-dich-benh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã