Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí cho các sản phẩm OCOP ở địa bàn nông thôn, miền núi trong các hoạt động quảng bá, hội chợ, xúc tiến thương mại...
Ngày 27/11, tại Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị Kết nối sản phẩm OCOP Quảng Nam năm 2020. Hội nghị có sự tham gia của 150 điểm trưng bày của gần 150 chủ thể, doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh bạn Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An...
Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, qua gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, toàn tỉnh hiện có 106 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt từ hạng 3 sao OCOP trở lên. Trong đó, có 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP, dự kiến đến cuối năm 2020, Quảng Nam có trên 200 sản phẩm OCOP.
Thông qua Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm được sản xuất, thương mại hóa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc trưng của vùng miền ở nông thôn Quảng Nam như các sản phẩm từ Đảng sâm, Quế, Lòn bon, Đậu phộng, Mè đen, Trầm hương, Tiêu Tiên Phước, gạo, nước mắm.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết: "trong bối cảnh hiện nay, phần lớn các đơn vị, doanh nghiệp OCOP của tỉnh là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn vốn, khả năng để phát triển, quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Do đó, việc hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia xúc tiến thương mại của Nhà nước và sự phối hợp, đồng hành của các chủ thể OCOP là điều cần thiết để mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù đã đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên, việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế như việc sản xuất của các doanh nghiệp, làng nghề trong tỉnh Quảng Nam còn mang tính nhỏ lẻ, thô sơ
Các doanh nghiệp, hộ cá thể, Hợp tác xã chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ nên chất lượng và giá thành sản phẩm OCOP chưa ổn định; có nhiều sản phẩm nhưng không có hàng để bán, không đảm bảo số lượng khi có đơn hàng; bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp, làng nghề còn chưa chủ động tìm kiếm thị trường nên đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn".
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Quang, triển khai Chương trình "Mỗi xã, một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm...
Đồng thời hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn giúp các doanh nghiệp, đơn vị tiếp cận các giải pháp thương mại điện tử, đẩy mạnh bán hàng, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bão lũ vừa qua.
Chương trình còn góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 - 2020.
"Hội nghị Kết nối sản phẩm OCOP Quảng Nam năm 2020 hứa hẹn sẽ là cầu nối hữu ích, thiết thực giữa các tỉnh thành, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, chương trình được tổ chức tại Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với đại diện đến từ các siêu thị, trung tâm thương mại, các đầu mối cung ứng tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng vùng miền…đang hướng đến tìm kiếm thị trường, khẳng định chất lượng, thương hiệu với người tiêu dùng", ông Quang nói.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga - Giám đốc Công ty TNHH Phước Kì An (xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: "Đơn vị có rất nhiều sản phẩm được sản xuất từ các sản phẩm nhà nông, cây nhà lá vườn, đặc biệt là sản phẩm có từ ở quê hương, do chính bà con nông dân sản xuất ra.
Tham gia Hội nghị lần này, đơn vị có các sản phẩm như tinh bột nghệ, tinh một nghệ ngâm mật ong, rượu bòn bon, dầu phụng..., tất cả các sản phẩm này đã được gắn 4 sao OCOP và được đóng gói, mẫu mã đẹp. Mục đích tham gia đợt này cũng nhằm quản bá thương hiệu của mình đến với người dân và mong muốn sớm được đưa vào các siêu thị để bán đến tận tay người tiêu dùng".
Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, năm 2021 tỉnh tiếp tục hỗ trợ các điểm bán OCOP trong công tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP; Xúc tiến, hỗ trợ chủ thể OCOP đưa sản phẩm giới thiệu trên sàn thương mại điện tử tỉnh; Đề xuất UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản vùng miền tại tỉnh Quảng Nam năm 2021; Đề xuất Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ kinh phí từ nguồn xúc tiến thương mại quốc gia cho các tỉnh có địa bàn nông thôn, miền biển, miền núi, biên giới để đưa hàng Việt về phục vụ nhân dân, đảm bảo nhu cầu của nhân dân.
Theo Trương Hồng/danviet.vn
https://danviet.vn/quang-nam-dua-nong-san-dac-san-cua-nong-dan-co-gan-sao-ban-ra-thi-truong-toan-quoc-20201127103304172.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã