Học tập đạo đức HCM

Sau những trận mưa lũ tơi tả, nông dân miền Trung kỳ vọng lớn vào vụ rau Tết

Thứ bảy - 02/01/2021 18:46
Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hành và mưa lũ lịch sử ở miền Trung đã khiến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng, cánh đồng tơi tả, nông dân trồng rau trắng tay. Chính vì thế, vụ rau Tết Tân Sửu 2021 là niềm kỳ vọng lớn của bà con về một mùa màng bội thu, đón Tết sung túc, đủ đầy.

Những hạt giống "hi vọng"

Trong đợt mưa lũ vừa qua, làng rau Bàu Tròn (thôn Phú Phước, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ngập sâu trong nước lũ, hàng chục hecta rau màu mất trắng khiến nhiều hộ nông dân bị thiệt hại nặng nề. 

Ngay khi mưa lũ đi qua, bà con nông dân đã tập trung dọn dẹp môi trường, cày xới đất, xuống giống các loại rau, củ, quả để phục vụ kịp thời cho thị trường Tết Nguyên đán và có nguồn thu nhập để phục vụ mua sắm dịp Tết.

Miền Trung: Nông dân trồng rau kỳ vọng lớn vào vụ rau Tết - Ảnh 1.

Vụ rau Tết là niềm kỳ vọng lớn của bà con miền Trung về một mùa màng bội thu, đón Tết sung túc, đủ đầy.

Chị Nguyễn Thị Phương (45 tuổi) tâm sự: "Gần 20 năm trồng rau ở làng Bàu Tròn, chưa bao giờ tôi thấy những trận mưa bão khủng khiếp như vừa qua. Cứ cọng rau nào nhú lên chưa kịp đơm hoa kết trái đã bị mưa lũ vùi dập. Mấy hôm nay, tranh thủ thời tiết tạm ổn, tôi gieo trồng mấy luống khổ qua, mướp, dưa leo, đậu cove để kịp thu hoạch bán dịp Tết. Ngoài ra tôi cũng trồng xen canh rau ngắn ngày như: cải, xà lách, rau muống để nhanh được bán".

Cạnh ruộng rau của chị Phương là sào ruộng trồng đậu cove của vợ chồng ông Chín. Họ đang khẩn trương cắm sào để những cây đậu cove leo giàn, thuận lợi đơm hoa kết trái. Vì thời tiết năm nay không thuận lợi nên ông bà xuống giống trễ hơn mọi năm, khả năng qua Tết Nguyên đán mới có trái thu hoạch.

Ông Chín (60 tuổi) cho biết, vụ rau trước ông bị mất trắng nên bây giờ phải cố gắng sản xuất rau vụ Tết, hi vọng sẽ gỡ gạc lại vốn liếng, có thêm thu nhập để vui xuân đón Tết. Hiện nay các chi phí cây giống, phân bón ông đang ghi nợ đại lý, đợi kết thúc vụ rau Tết Nguyên đán sẽ thanh toán.

Làng rau Bàu Tròn là một trong những vùng chuyên canh rau sạch quy mô lớn của tỉnh Quảng Nam, cung cấp nguồn nông sản đa dạng trên địa bàn tỉnh và TP Đà Nẵng. Dù thiệt hại nặng nề sau những đợt lũ lụt liên liếp, nhưng làng rau Bàu Tròn lại có đất đai màu mỡ nhờ nguồn phù sa sông bồi đắp. Chính vì thế mà cánh đồng rau màu ở Bàu Tròn luôn tươi tốt, trĩu trái dù thời tiết biến đổi thất thường.

Miền Trung: Nông dân trồng rau kỳ vọng lớn vào vụ rau Tết - Ảnh 2.

Nông dân làng rau Trà Quế chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày như: xà lách, cải, mồng tơi, hành...

Tại vùng rau Trà Quế (thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), sắc xanh của rau quả đang phủ rộng trên diện tích gần 20ha. Để chuẩn bị cho thị trường rau Tết, người dân tất bật cày cuốc, gieo trồng các loại rau ngắn ngày như: rau cải, xà lách, hành lá, ngò rí, cải mầm, rau thơm…

"Vào vụ rau Tết vườn rau ở đâu cũng tăng gia sản xuất, nên giá cả có khả năng biến động. Tuy nhiên, dịp Tết nhu cầu tiêu thụ cao nên giá sẽ có phần nhỉnh hơn, gia tăng thu nhập. Mỗi năm vào vụ rau Tết, từ 2 sào rau tôi thu được hơn 500.000 đồng/ngày, nhờ đó mà đón Tết sung túc hơn", ông Lê Xưa (56 tuổi) nói.

Vào buổi sáng, cánh đồng rau Trà Quế có phần đông là "cánh mày râu" ra đồng canh tác, bởi lúc này phụ nữ phải đem rau ra chợ bán. Công việc nhà nông bận rộn nhưng họ không thấy vất vả gì, bởi rau ở Trà Quế không sợ bị ế, được nhiều siêu thị ở TP Hội An, Đà Nẵng thu mua, thương lái phân phối về các chợ. Đặc biệt vào mùa du lịch những năm trước, làng Trà Quế có rất đông khách đến thăm quan, trải nghiệm và mua rau về dùng.

Rộn ràng không khí Tết trên ruộng rau

Cánh đồng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là vựa rau sạch của thành phố với tổng diện tích là 9ha. Mưa lũ kéo dài vừa qua khiến nơi đây thiệt hại 100% rau màu, củ quả. 

Ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc HTX rau an toàn La Hường cho biết, sau bão lũ bà con nhanh chóng làm sạch đồng ruộng, cải tạo đất để kịp gieo trồng vụ rau Tết cuối năm.

Miền Trung: Nông dân trồng rau kỳ vọng lớn vào vụ rau Tết - Ảnh 3.

Để kiếm thêm thu nhập dịp Tết, ông Anh cày xới, gieo vài luống rau xanh.

Nông dân ở đây chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày như: xà lách, cải, rau muống, mồng tơi, rau gia vị (hành, ngò, húng, quế)… Những loại rau này chỉ khoảng 25 ngày là thu hoạch. Ngoài ra, bà con còn trồng thêm các loại củ quả như: mướp, khổ qua, su hào... Nếu thời tiết thuận lợi thì người dân sẽ có một vụ rau thắng lợi, đem lại cho họ nguồn thu nhập lớn, ăn Tết vui hơn.

Đang tưới nước cho những luống rau cải, ông Phan Hữu Trà Anh (60 tuổi) hào hứng nói: "Vụ rau Tết là dịp làm ăn lớn nhất năm, lúc này sức tiêu thụ tăng cao nên rau quả bán rất chạy, giá cao. Vì thế tôi tranh thủ cày xới đất cho ráo, gieo vài luống rau kiếm tiền tiêu Tết, hi vọng thời tiết thuận hòa để người nông dân ổn định sản xuất".

Miền Trung: Nông dân trồng rau kỳ vọng lớn vào vụ rau Tết - Ảnh 4.

Tại vườn rau La Hường, bà Phan Thị Chinh đang tưới nước cho những luống rau húng.

Nông dân ở vườn rau Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) canh tác rau màu quanh năm, nhưng vụ rau Tết luôn được mong chờ nhiều nhất, hứa hẹn sẽ đem đến cho họ những "chiếc áo mới". Đặc biệt mùa màng năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bão lũ hoành hành khiến nhiều người thất thu, nông dân chỉ còn biết hi vọng vào mùa rau Tết được mùa được giá.

Bà Mạc Thị Khánh (67 tuổi) tâm sự: "Vì ruộng rau của tôi ở vùng thấp trũng nên những đợt mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi hết. Đến hôm nay trời mới có nắng, đất khô ráo nên tôi tranh thủ gieo vài luống dưa leo, cấy rau cải. Xuống giống trễ nên chắc những luống khổ qua, đậu cove, dưa leo này qua Tết mới thu hoạch được".

Thời gian qua, HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan đã kịp thời hỗ trợ phần nào cây giống, phân bón cho bà con tái sản xuất vụ rau Tết. Bên cạnh đó, HTX vận động, khuyến cáo bà con không xuống giống ồ ạt, nên sản xuất xen kẽ các loại cây trồng để tránh tình trạng cung vượt quá cầu, được mùa mất giá.

Theo Tuyết Nhung - Trần Hậu/danviet.vn
https://danviet.vn/sau-nhung-tran-mua-lu-toi-ta-nong-dan-mien-trung-ky-vong-lon-vao-vu-rau-tet-20201231095028781.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập83
  • Hôm nay18,649
  • Tháng hiện tại234,224
  • Tổng lượt truy cập90,297,617
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây