Gia đình chị Dưỡng tích cực phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của địa phương
Đi trên những con đường bê tông trải dài đến từng ngõ, xóm, cánh đồng, chúng tôi cảm nhận được đổi thay đáng kể của một xã thuần nông vốn là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Tam Dương. Xã An Hòa nay đã được khoác chiếc áo mới, khang trang, sạch đẹp hơn, đời sống của người dân cũng được cải thiện và nâng cao.
Đến thăm mô hình gia trại tổng hợp của vợ chồng chị Phan Thị Hồng Dưỡng, thôn Phương Lâu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Từ 2 bàn tay trắng, vợ chồng chị đã xây dựng được cơ ngơi rộng rãi với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho gia đình và vẫn không ngừng đầu tư để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Chị Dưỡng kể lại: Khi xây dựng gia đình, cả 2 vợ chồng đều làm công nhân tại khu công nghiệp Tam Dương. Đến lúc sinh con, không có người chăm sóc, lại thêm bố mẹ già thường xuyên đau ốm, anh chị quyết định bỏ việc ở công ty về nhà tìm hướng phát triển kinh tế. Năm 2009, với số tiền dành dụm được, anh chị vay mượn thêm để đầu tư chăn nuôi gà đẻ trứng. Quyết định đầu tư quy mô lớn, anh chị xây luôn 4 chuồng với tổng diện tích 600m2 nuôi 2.000 gà đẻ trứng. Với các thiết bị: điện, nước, quạt gió, tổng chi phí ban đầu gia đình bỏ ra khoảng 700 triệu đồng. Chăn nuôi ngày càng phát triển, anh chị tiếp tục đầu tư tăng đàn và mở rộng sang nuôi gà thịt. Đến nay, gia đình chị nuôi trên 3.000 gà đẻ trứng và hơn 1.000 gà thịt. Chị Dưỡng cho biết thêm: Chăn nuôi cũng có lúc bấp bênh do giá thị trường không ổn định, tuy nhiên, những lúc được giá, mỗi ngày, gia đình chị thu khoảng 5 triệu đồng tiền lãi từ bán trứng gà.
Không dừng lại ở đó, anh chị còn tiếp tục đầu tư vào trồng trọt. Sẵn diện tích đất vườn rộng, gia đình dành hơn 1.000m2 để trồng các loại cây ăn quả như: ổi, cam, bưởi, mít, chuối. Đến nay, chuối, mít, ổi đã được thu hoạch cũng thêm thắt vào thu nhập của gia đình, giúp kinh tế gia đình chị ngày càng vững mạnh. Ngoài ra, chị còn dành diện tích nhỏ để đào ao nuôi cá, chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình nhưng cũng có thêm đồng ra đồng vào. Chị Dưỡng tính toán, mỗi năm, gia đình thu về trên 300 triệu đồng từ mô hình tổng hợp này.
Theo đồng chí Đào Lưu Hải, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã: An Hòa vốn là xã thuần nông, người dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp; nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp đang phát triển, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân phát triển kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng năng suất giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, mặc dù trong năm qua là một trong những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế của xã tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%.
Đến nay, sản xuất nông nghiệp của xã dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại. Toàn xã hiện có 67 trang trại, 147 gia trại; giống vật nuôi ngày càng đa dạng, phong phú; người dân tích cực đưa những giống mới, có giá trị kinh tế cao vào phát triển chăn nuôi. Trên địa bàn có hợp tác xã dịch vụ và kinh doanh hàng nông sản hoạt động hiệu quả; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chương trình hữu cơ an toàn, tăng thu nhập cho xã viên. Với việc thực hiện nghiêm các quy định thực hành nông nghiệp tốt, tạo sản phẩm chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hiện Hợp tác xã đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, hiệu quả cao với các loại nông sản như: Dưa chuột, ngô nếp, ngô ngọt, bí đỏ, bí xanh, ớt… Nhiều giống cây mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, các hoạt động khuyến nông, chăm sóc, bảo vệ cây trồng được đẩy mạnh, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 của xã đạt trên 80,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lực lượng tham gia lao động ngoài địa phương cũng ngày một nhiều, chủ yếu lao động tại các khu công nghiệp và lao động phổ thông tham gia các ngành nghề như: xây dựng, dịch vụ, hàn xì, vận tải… Đây cũng là lực lượng mang về nguồn thu nhập dồi dào cho địa phương.
Tết này, người dân xã Kim Long được nhân lên niềm vui bởi địa phương đang hoàn thiện các thủ tục để được công nhận thị trấn Kim Long. Đồng chí Nguyễn Hữu Quân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Kim Long là nơi giao thoa giữa các khu vực phát triển đô thị, công nghiệp, đào tạo, dịch vụ không chỉ trong huyện Tam Dương mà cả các huyện: Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên với một số tuyến đường quan trọng chạy qua tạo điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển, giao lưu hàng hóa, thương mại, du lịch, dịch vụ, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, xã Kim Long đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 và đô thị loại V năm 2015. Đó là những tiền đề quan trọng để địa phương phát triển lên thị trấn. Đến nay, tất cả các tiêu chí cơ bản đã hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một thị trấn.
Những năm gần đây, Kim Long chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ. Đây được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Công nghiệp-xây dựng có nhiều khởi sắc làm thay đổi diện mạo đô thị. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ năm 2020 đạt 304,450 tỷ đồng, trong đó, công nghiệp, xây dựng đạt 180,905 tỷ đồng, chiếm 41% cơ cấu kinh tế. Toàn xã có 650 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho 845 lao động địa phương. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp có 130 cơ sở, xây dựng 6 cơ sở, vận tải kho bãi 28 cơ sở, thương mại 342 cơ sở và dịch vụ 144 cơ sở. Trên địa bàn có các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau như: may mặc, điện tử, giày da, xây dựng… Nổi bật là Nhà máy sản xuất gạch ốp lát thuộc Công ty TNHH VITTO Vĩnh Phúc, Công ty TNHH TMCP Vĩnh Thịnh, Hợp tác xã Dịch vụ môi trường đô thị Kim Long, Công ty TNHH Đầu tư phát triển điện Kim Long… Các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh không chỉ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội mà còn giải quyết việc làm cho khoảng trên 2.000 lao động địa phương.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Kim Long đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân dồn ghép ruộng đất thành các mô hình sản xuất nông nghiệp, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế. Trên địa bàn có Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc chủ yếu trồng mướp, bầu, su su ổn định với chất lượng sản phẩm thương hiệu VietGAP, năng suất bình quân đạt hơn 540 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 22 thành viên. Ngoài ra, chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương ổn định trong năm 2020 và có chiều hướng gia tăng số lượng đàn; hiện đã có nhiều mô hình trang trại, gia trại cho thu nhập cao như: gà đẻ, gà thương phẩm, vịt siêu trứng, lợn thương phẩm, lợn rừng…
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đẩy mạnh trong năm 2020. Đến nay, toàn xã có 4 trường công lập và 4 trường thuộc nhóm trẻ tư thục. Hiện 4/4 trường công lập đều đạt chuẩn Quốc gia, trong đó Trường Tiểu học Kim Long đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Cơ sở vật chất các trường học tiếp tục được quan tâm sửa chữa, nâng cấp và mở rộng. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92,6%, có 15/15 thôn được công nhận danh hiệu thôn dân cư văn hóa.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Quân phấn khởi cho biết: Để xứng tầm với thị trấn, Đảng ủy, chính quyền địa phương đang tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy nhanh các loại hình thương mại, dịch vụ để nâng cao thu nhập. Tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, điện chiếu sáng, một số công trình, đặc biệt là hệ thống nước sạch, giao thông nông thôn, nâng cấp một số tuyến đường: tỉnh lộ 309, đoạn Hữu Thủ - Tam Quan, tỉnh lộ 310. Đồng thời, chỉnh trang, nâng cấp đồng bộ các đình, chùa; quan tâm đầu tư xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Phấn đấu hết năm 2021, toàn xã cứng hóa 100% các tuyến giao thông nội đồng và rải asphalt một số tuyến đường liên thôn, liên xóm.
Năm 2020, Tam Dương là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ kép vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế của huyện năm 2020 vẫn duy trì được sự phát triển. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 7.080 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2019; các hoạt động văn hóa, xã hội, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ổn định, nâng cao. Toàn huyện hiện có 42 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên; chất lượng dịch vụ khám chữa, điều trị bệnh tiếp tục được cải thiện và nâng cao ở cả tuyến huyện và tuyến xã. Trong năm, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 2.830 lao động, triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội.
Nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn với 23,8%. Tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2020 ước đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2019, vượt 2,4% so với kế hoạch. Trong đó, trồng trọt đã có sự điều chỉnh về cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích những cây có thị trường tiêu thụ thuận lợi và giá trị cao; chú trọng hơn tới nâng cao chất lượng và giá trị, hiệu quả sản xuất. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh ổn định, hiệu quả kinh tế cao như: Dưa chuột ở An Hòa, Hướng Đạo, thị trấn Hợp Hòa, su su Kim Long, rau an toàn VietGap Vân Hội, Hợp Thịnh... Chăn nuôi được phát triển đúng hướng, tiếp tục duy trì phát triển và được khẳng định là ngành mũi nhọn trong cơ cấu nông nghiệp của huyện. Các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại được phát triển nhanh theo hướng liên kết.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tiếp tục được đẩy mạnh. Trong năm, huyện đã triển khai thực hiện trên 70 dự án, công trình, liên quan đến hơn 6.000 hộ dân; trong đó 23 dự án do huyện làm chủ đầu tư và trên 50 dự án, công trình cấp tỉnh và xã làm chủ đầu tư. Huyện đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng xong trên 30 dự án với hơn 50ha. Dự kiến hết năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt 80% so với số vốn đã phân bổ. Đặc biệt, hết năm 2019, Tam Dương có 12/12 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Hiện cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm định theo quy định.
Với những kết quả đạt được trong năm 2020, Tam Dương đang tự tin bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2025. Phấn đấu năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 11,7%; thu ngân sách đạt trên 902,5 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,46% theo tiêu chí mới. Năm 2021, huyện đặt chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho 3.000 lao động địa phương; phấn đấu 100% số xã xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu.
Hồng Yến
Nguồn tin: ntmoi.vinhphuc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã