Trước đây, tuyến đường từ xóm Tân Thịnh, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ đi xóm Hạ Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai có địa hình rất hiểm trở, đường sá cực kỳ khó khăn, khiến việc đi lại của bà con cũng như việc đến trường của các em nhỏ trở nên vô cùng bất tiện. Để phục vụ cho sinh hoạt của người dân cũng như thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đầu năm 2018 xã Văn Lăng được UBND huyện Đồng Hỷ đầu tư xây dựng tuyến đường với tổng chiều dài 6 km. Tuyến đường không những phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa của người dân 6 xóm gồm: Tân Thịnh, Tân Sơn, Dạt, Tam Va, Vân Lăng và bản Tèn của xã Văn Lăng mà còn cả một số xóm khu vực giáp danh của huyện Võ Nhai cùng hưởng lợi.
Tuy nhiên, chiếm đa số hộ gia đình tại khu vực này đều có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào đất rừng, đất nương rẫy. Nhưng thật đáng quý, khi cán bộ xã đến nhà để vận động hiến đất làm đường, mọi người đều vui vẻ, tự nguyện hiến đất phục vụ công trình. Ông Dương Quý Đường, xóm Tân Sơn là người đã không ngần ngại hiến khoảng 1.000m2 bao gồm đất rừng, đất nương bãi, đất lúa và cả đất thổ cư để xây dựng tuyến đường.
Ảnh: Vợ chồng ông Dương Quý Đường và bà Bùi Thị Viện bên ngôi nhà đã cũ của gia đình |
Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết vào thời điểm đó gia đình ông có thể nói là rơi vào tình cảnh rất khó khăn, túng quẫn nhất khi trong gia đình có 4 người thì có tới 3 người cao tuổi gồm bà cụ thân sinh ra ông đã gần 90 tuổi, hai vợ chồng ông bà đều đã trên 60. Chỉ có cậu con trai trẻ tuổi thì lúc đó đang lâm bệnh hiểm nghèo. Kinh tế gia đình đều trông chờ vào mấy sào chè, nhưng do tuổi cao, sức yếu, kinh tế khó khăn nên không thể tập trung chăm sóc tốt cho diện tích chè của gia đình được. Bởi vậy thu nhập từ chè cũng chẳng đáng làm bao.
Ấy thế nhưng khi có chủ trương làm đường gia đình ông đã tiên phong hiến đất mà chẳng cần biết diện tích đất hiến là bao nhiêu và cũng không hề so đo, tính toán gì, bởi ông tâm niệm: Nếu mình không hiến đất thì làm gì có đường đẹp để mà đi. Làm đường đâu chỉ riêng mình được hưởng lợi mà đời con, đời cháu mình mãi mãi sau này vẫn được sử dụng.
Ảnh: Tuyến đường Tân Sơn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ đi Hạ Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, |
đoạn đi qua phần đất nhà ông Dương Quý Đường đã hiến |
Theo ông Trần Văn Trường, Bí thư Chi bộ xóm Tân Sơn, được biết từ lúc có đường nhà xây mọc lên rất nhiều, đời sống của bà con ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Năm 2018, cả xóm Tân Sơn có 28 hộ nghèo, đến nay giảm xuống còn 18 hộ. Nói về tinh thần tiên phong tự nguyện hiến đất làm đường của vợ chồng ông Đường, ông Trần Văn Trường chia sẻ: Tinh thần tiên phong của vợ chồng ông Đường là tấm gương sáng để bà con trong xóm noi theo. Nhờ tấm gương đó mà công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường của cấp ủy, chính quyền địa phương được thuận lợi và nhanh chóng hơn”.
Được biết, trên toàn tuyến đường có tổng số 69 hộ dân của các xóm tham gia hiến đất và cây cối, hoa màu trên đất. Năm 2019, tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Kể từ đó, nông sản của bà con làm ra đã có thương lái đến tận nhà thu mua, các cháu học sinh có thể tự đi xe đạp đến trường mà không còn phải đi bộ, người dân ốm đau không cần phải khiêng cáng đưa đi viện như trước.
Xã Văn Lăng có địa bàn rộng, dân cư không tập trung nên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng đường giao thông nông thôn. Hơn nữa do là xã vùng cao đặc biệt khó khăn nên việc huy động nhân dân đóng góp kinh phí với số tiền lớn để làm đường là điều khó thực hiện. Tuy nhiên, những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền, bên cạnh việc vận động nhân dân đối ứng làm đường giao thông theo Chương trình xây dựng NTM, xã Văn Lăng còn được tiếp nhận nhiều dự án đầu tư làm đường giao thông nông thôn. Để các dự án được triển khai thuận lợi, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển hệ thống giao thông, từ đó đồng thuận hiến đất làm đường.
Đồng chí Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng cho biết: Khi thực hiện làm đường giao thông trong xây dựng NTM thì không có bồi thường trong giải phóng mặt bằng. Chính vì thế khi đón nhận dự án, địa phương đã triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân. Hầu như 100% các hộ gia đình đều đồng tình ủng hộ. Chỉ tính trên tuyến đường Tân Sơn đi Hạ Sơn, Võ Nhai có nhiều hộ hiến từ 1.000 m2 đến 1.800 m2 đất. Chính vì có được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong Chương trình xây dựng NTM mà đến nay một xã vùng cao đặc biệt khó khăn như Văn Lăng cũng đã đạt được 12 tiêu chí nông thôn mới.
Dù cuộc sống phía trước của gia đình ông Đường vẫn còn lắm vất vả, bởi gia đình ông hiện nay vẫn thuộc hộ cận nghèo, nhưng khi được nhìn thấy trẻ em trong xóm đi học, bà con mình đi làm trên con đường bê tông rộng, đẹp, trong đó có một phần đất của mình đã hiến, niềm vui của ông và gia đình cứ thế nhân lên./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thơm/http://ntm.thainguyen.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã