Anh nông dân Bùi Văn Mạnh, xã Đông Minh (Tiền Hải - Thái Bình) cho biết, ngày trước đi làm thuê, làm mướn, ai gọi làm việc gì cũng làm, thu nhập bấp bênh. Gia đình anh lúc đó trồng 2ha lúa và rau màu nhưng hiệu quả thấp, đồng ruộng thì manh mún, nhỏ lẻ nên anh cũng chẳng mặn mà.
Đến năm 2009, sau khi xã Đông Minh có chủ trương tích tụ ruộng đất, anh Mạnh đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa kém hiệu quả của gia đình và mua thêm 1ha của các hộ gia đình khác để trồng cây ăn quả, đào ao thả cá.
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, để có được mảnh đất canh tác rộng 3ha như hiện nay, anh đã phải bỏ biết bao công sức, vay mượn tiền thuê máy xúc để cải tạo đất, quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả tập trung.
"Ngày trước, đồng đất ở khu này rất cao, thường xuyên thiếu nước, để cải tạo đất, tôi đã phải thuê máy xúc đào ao tích trữ nước, sau đó mới tiến hành trồng ổi, dưa hấu, dưa lê", anh Mạnh nói.
Được anh Mạnh đưa đi thăm vườn trồng ổi Đài Loan và táo, anh bảo: "Năm trước tôi còn nuôi mấy chục con lợn, nhưng do dịch tả lợn châu Phi nên bị mất trắng. Sắp tới, tôi sẽ sửa sang lại chuồng trại, vào giống để tiếp tục chăn nuôi. Còn năm nay, nhờ vườn ổi Đài Loan và táo cho quả sai nên gia đình có nguồn thu khá".
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chăm sóc kỹ lưỡng từng gốc ổi, táo nên năm nào 2 loại trái này cũng được mùa.
Có những năm thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh hại khiến diện tích trồng ổi của hầu hết các hộ trong xã đều giảm năng suất, song vườn táo, vườn ổi của gia đình anh Mạnh vẫn cho thu hoạch đều đều.
Cách mà anh Mạnh áp dụng là sử dụng phân chuồng ủ hoai mục mỗi năm bón hai lần. Để phòng, trừ sâu bệnh, anh Mạnh chủ yếu dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hoàn toàn "nói không" với thuốc bảo vệ thực vật.
Sau khi hết vụ ổi và táo, anh Mạnh lại tất bật làm luống, chăng dây để vào vụ dưa hấu và dưa leo.
"Mỗi mùa gia đình tôi sẽ trồng một loại cây trái phù hợp với thời tiết trong năm. Cuối năm có ổi, táo và chuối tây, đến mùa hè thì có dưa lê, dưa hấu để bán" - anh Mạnh chia sẻ.
Anh Mạnh cho hay, trước Tết Nguyên đán, gia đình anh xuất bán trên 20 tấn ổi và táo với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg. Nhiều khách hỏi mua để làm quà biếu Tết mà trong vườn cũng không có để bán.
Theo anh Mạnh, từ khi chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi cá đã mang lại cho gia đình anh thu nhập 500 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Duy Nghị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Minh (huyện Tiền Hải) cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả, trong những năm qua hội viên nông dân xã Đông Minh đã tích cực chuyển đổi từ trồng lúa sang các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Điển hình, là mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi cá của nông dân Bùi Văn Mạnh.
"Mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp của gia đình anh Mạnh được lựa chọn là mô hình điểm để Hội ND xã Đông Minh tuyên truyền và đưa các hội viên đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình đến các hội viên nông dân trên địa bàn xã Đông Minh" - ông Nghị cho hay.
Theo B.Minh/danviet.vn
https://danviet.vn/thai-binh-anh-nong-dan-trong-lung-tung-tren-bo-du-thu-cay-duoi-ao-nuoi-du-thu-con-so-so-lai-nua-ty-nam-20210422112302093.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã