AHPHuyện Phú Bình là địa phương có số lượng trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với trên 120 trang trại chăn nuôi gia cầm, 70 trang trại chăn nuôi tổng hợp. Tuy nhiên việc sử dụng thức ăn công nghiệp khiến môi trường bị ô nhiễm, do chưa có cách xử lý triệt để.
Đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo khi tình trạng gia cầm nhiễm chất cấm, tồn đọng dư lượng thuốc kháng sinh vẫn xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai giai đoạn 2018 – 2020, có 9 hộ tham gia đã nắm vững kỹ thuật, chủ động được phương pháp chế biến thức ăn chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. So với gà nuôi bình thường tỷ lệ thịt đạt cao hơn, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thú y.
Sau nhiều năm tự nuôi gà thả đồi, với kinh nghiệm tích lũy được, năm 2014 ông Nguyễn Văn Tuyên, xóm Cà, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình đã tham gia Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh nhằm tạo dựng và phát triển thương hiệu gà đồi Phú Bình. Cũng vào thời điểm này nhãn hiệu “Gà đồi Phú Bình” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Quy trình chăn nuôi gà của gia đình ông bắt đầu được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn và chất lượng.
Hiện tại gia đình ông Tuyên có khoảng 1,5 ha diện tích chăn nuôi trong đó khoảng 750m2 là chuồng trại nuôi gà, đáp ứng mỗi lứa nuôi 6.000 con gà. Gia đình ông thường xuyên nuôi gà Ri và gà Ri lai. Đây là 2 giống dễ nuôi phù hợp với điều kiện bán chăn thả, chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Tuyên cho biết, trước đây gia đình cũng như nhiều hộ chăn nuôi gà trong vùng vẫn chủ yếu nuôi gà theo phương pháp truyền thống. Nhưng từ khi triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học đã có ưu điểm vượt trội, kỹ thuật lựa chọn con giống được nâng cao hơn trước, việc kiểm soát chất lượng đầu vào dễ dàng và đảm bảo. Nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên mà chi phí đầu vào lại giảm đi đáng kể.
Việc tham gia chăn nuôi theo phương pháp này đã đem lại nhiều lợi ích cho các hộ dân, mà trọng tâm là góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. Bên cạnh nâng cao hiệu quả kinh tế, tham gia dự án sẽ góp phần hình thành mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó thương hiệu và thị trường đầu ra của sản phẩm cũng được mở rộng. Nếu trước kia các hộ chăn nuôi chỉ bán nhỏ lẻ cho thương lái thì nay đã có cơ hội cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng thực phẩm, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.
Ông Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Nguyên khẳng định: Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất cấm, không rõ nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản không chỉ gây hại đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của các mặt hàng nông sản trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm là phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường hiện nay.
Theo Toán Nguyễn - Kiều Hải/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã