Cơ sở đầu tiên đào tạo NNCNC
PGS -TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho biết, so với các nước khác trong khu vực, trình độ sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn khá thấp.
"Để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm phải đạt hiệu quả tối ưu nhất, tiết kiệm nguồn tài nguyên và tạo ra sản phẩm có giá trị nhất. Đó là bài toán đặt ra cho các nhà làm khoa học và những người làm công tác đào tạo" - bà Diệu nhận định.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày nhiều tham luận đáng chú ý, như: "Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ phát triển NNCNC và công nghệ thực phẩm tại Trường ĐH Văn Lang"; "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp"; "Nguyên liệu thực phẩm từ nhà máy công nghiệp sinh học"…
Năm 2020, để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển NNCNC và chế biến thực phẩm, Trường ĐH Văn Lang đã tuyển sinh khóa đầu tiên cho hai ngành đại học chính quy: NNCNC và Công nghệ thực phẩm theo định hướng ứng dụng công nghệ hiện đại.
Đây là trường đại học đầu tiên tại TP.HCM và khu vực phía Nam đủ tiêu chuẩn được Bộ GDĐT cấp phép đào tạo thí điểm ngành NNCNC.
Để đào tạo theo định hướng ứng dụng, Trường ĐH Văn Lang đã liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực NNCNC và công nghệ thực phẩm như: Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, Khu NNCNC TP.HCM, Vườn ươm công nghệ nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP), Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL… Qua đó, giúp sinh viên có cơ hội nghiên cứu ứng dụng, thực hành, thực tập, tiếp cận các mô hình, dây chuyền sản xuất hiện đại.
Nhu cầu cấp thiết
Theo các nhà khoa học, với những thành tựu mới trong nghiên cứu NNCNC và công nghệ chế biến thực phẩm trong nước và quốc tế, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển NNCNC ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam là rất lớn.
Các nghiên cứu cho thấy, để ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nền nông nghiệp Việt Nam cần phải tháo gỡ những khó khăn nhất định, trong đó có vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực.
Nước ta đang có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng phần lớn nguồn nhân lực làm việc trong khu vực này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới.
Đặc biệt, thị trường đang đòi hỏi các nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp, sử dụng các nguyên liệu từ các nhà máy chế biến thực phẩm, công nghệ bảo quản sau thu hoạch… Việc đào tạo nguồn lực cho lĩnh vực này càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Do đó, việc Trường ĐH Văn Lang tiên phong mở mô hình đào tạo trong lĩnh vực này là rất đúng lúc. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, việc triển khai cần tránh máy móc, mà nên áp dụng mô hình đào tạo theo cơ chế đặt hàng. Gắn đào tạo với thị trường lao động và theo nhu cầu của doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động thực tiễn sản xuất… Đây là mấu chốt quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Theo Bạch Dương/danviet.vn
https://danviet.vn/tim-nhan-luc-lam-nong-nghiep-cong-nghe-cao-20201116165927116.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã