Học tập đạo đức HCM

‘Lấy dân làm gốc’ phải bằng hành động cụ thể

Thứ năm - 19/11/2020 06:26
(Chinhphu.vn) - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với Đảng, Nhà nước làm cho nhân dân hiểu đường lối đổi mới của Đảng và vận động phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới phù hợp, thiết thực; đưa công cuộc đổi mới đất nước đến thắng lợi như ngày nay.
Nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt. Ảnh: VGP/Kiều Liên
Nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt. Ảnh: VGP/Kiều Liên

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt.

Trong suốt 90 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, xứng đáng là người đại diện của quần chúng nhân dân. Theo ông thành quả to lớn nhất đã đạt được của công tác mặt trận là gì?

Ông Phạm Thế Duyệt: Qua tổng kết của Đảng, qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đều khẳng định rõ vai trò của Mặt trận. Trong 90 năm qua, với những tên gọi khác nhau nhưng Mặt trận đều có những đóng góp quan trọng cho cách mạng, trong đó nổi bật là vai trò tập hợp đoàn kết nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn. Từ Cách mạng tháng Tám, Mặt trận Việt Minh sát cánh cùng Đảng, Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Mặt trận Liên Việt thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến chống Pháp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng với Mặt trận dân tộc giải phóng và các tổ chức trong miền Nam hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước. Sau khi giải phóng đất nước, các tổ chức Mặt trận được hợp nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất và đã có những đóng góp to lớn trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua. Mặt trận đã làm tốt vai trò của mình, làm cho nhân dân hiểu được chính sách đại đoàn kết của Đảng, hiểu được mục tiêu cách mạng cần đạt được là lo cho dân, lấy dân làm gốc. Đó là điều có sức thuyết phục với mọi giai cấp, với nhân dân cả nước và cả kiều bào.

Mặt trận đã góp phần quan trọng cùng với Đảng, Nhà nước làm cho nhân dân hiểu đường lối đổi mới của Đảng và vận động phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới phù hợp, thiết thực; đưa công cuộc đổi mới đất nước đến thắng lợi như ngày nay; đưa đất nước có những bước phát triển vượt bậc mà bạn bè thế giới đều công nhận. Có thể thấy rõ, vị thế, uy tín, tiềm lực của đất nước chưa bao giờ được như bây giờ. Vì vậy, nên coi trọng vai trò tập hợp đoàn kết nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hướng cho tất cả cán bộ, đảng viên luôn luôn có ý thức phục vụ nhân dân, lấy dân làm gốc.

Điểm nổi bật của công tác mặt trận là vai trò tập hợp đoàn kết nhân dân, đến nay công tác này được triển khai hiệu quả như thế nào?

Ông Phạm Thế Duyệt: Đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm mà tổ chức nào cũng phải thực hiện. Đảng, Bác Hồ đã sáng suốt đưa được đường lối của Đảng với quần chúng nhân dân, thể hiện ở những công việc cụ thể phù hợp với từng giai đoạn. Mặt trận thực hiện khá tốt việc này vì đây là liên minh chính trị rất rộng lớn trong đó có tổ chức chính trị là Đảng; các tổ chức chính trị xã hội đoàn thể; các tổ chức nghề nghiệp; các nhân sĩ, trí thức, kiều bào; các cá nhân tiêu biểu thuộc các tôn giáo, dân tộc. Mặt trận góp phần đưa tiếng nói của nhân dân về với Đảng, để Đảng hiểu được những nguyện vọng và mong muốn chính đáng, những chính sách cần phát huy vai trò của nhân dân và chăm lo đời sống cho nhân dân.

Theo tôi, người làm công tác Mặt trận phải luôn nghĩ đến quần chúng nhân dân, nghĩ đến mục đích chăm lo, phục vụ cho nhân dân; lợi ích của nhân dân phải để lên trên hết và luôn luôn lắng nghe tiếng nói của nhân dân.

Việc “lấy dân làm gốc” rất quan trọng, tất cả đều gắn với nhân dân và không thể tách rời. Hoạt động không thiết thực, hình thức sẽ không mang lại kết quả gì. Phải làm cho dân hiểu tất cả chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước để dân tự giác có ý thức thực hiện và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bài học về công tác quần chúng là rất cần thiết như Bác Hồ nói “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”.

Ý thức “lấy dân làm gốc”, “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” cần được thể hiện bằng hành động cụ thể. Từ quan điểm đó làm việc gì cũng phải tìm cách chăm lo lợi ích đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, có lời nói đúng, có việc làm cụ thể mới thuyết phục được nhân dân, tạo được sự tôn trọng của dân.

Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp là phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Theo ông công tác này đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?

Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi rất trăn trở, suy nghĩ về vấn đề Đảng phải dựa vào dân, Đảng phải hiểu dân. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ra đời phải phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Hoạt động của Quốc hội ngày càng thể hiện tiếng nói đại diện cho nhân dân. Mỗi một kỳ họp, Mặt trận đều kiến nghị những ý kiến của nhân dân đóng góp thông qua các cuộc họp hiệp thương và tiếp xúc cử tri. Tiếng nói đó chưa phải đạt được kết quả cao nhưng là tín hiệu tốt cần được phát huy.

Tôi cũng trăn trở việc xây dựng chỉnh đốn Đảng. Có thể thấy tiếng nói thực sự giúp cho Đảng, Nhà nước để xử lý tận gốc những vấn đề nảy sinh chưa làm được bao nhiêu. Hay kiến nghị xử lý những cán bộ hư hỏng, những người dân không tin tưởng, dân chê trách, dân biết đang có nhũng nhiễu, dựa vào địa vị cá nhân hách dịch quan liêu, hay dựa vào chức năng nhiệm vụ của mình làm phiền dân, hạch sách dân cũng chưa làm được nhiều. Qua Đại hội các cấp, ít nơi nào dám nói cái cụ thể ở địa phương mình đã giải quyết như thế nào, xử lý tham nhũng, tiêu cực biến chất ra sao... Có những cái biết mà không dám nói, không dám làm dẫn đến xử lý cán bộ chưa triệt để...

Qua mỗi kỳ Đại hội, Mặt trận cần giám sát các đồng chí cấp ủy được bầu có thực sự phát huy được vai trò không, có còn vấn đề gì khiếm khuyết không; cần thẳng thắn làm rõ để kịp thời giúp đỡ và xử lý, không để tích tụ, lên cao rồi mới biết. Đống thời, dám kiến nghị, không rụt rè, phải có ý thức trách nhiệm, việc gì nói ở đâu, nói như thế nào, nói đúng mức đừng để các phần tử xấu xuyên tạc lợi dụng. Đã có là phải nói, là phải đấu tranh, làm rõ, không được do dự. Để làm được điều đó Đảng phải giúp đỡ, tin cậy, thực sự dựa vào cán bộ và quần chúng. Tôi nghĩ quần chúng nhân dân rất sáng suốt, chỉ có điều biết dựa vào nhân dân hay không.

Trong thời gian qua, tôi đánh giá rất cao sự chỉ đạo của Đảng và Trung ương khi thấy những vụ việc qua nhân dân phát hiện, tố giác nhưng đều được lắng nghe, đều có kiểm tra, điều tra, kết luận và xử lý tích cực, nghiêm túc, nhân dân ngày càng tin tưởng.

 Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước với nền dân chủ ngày càng phát triển, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể ngày càng được mở rộng, theo ông Mặt trận cần tận dụng và phát huy vai trò của mình như thế nào để thích ứng với bối cảnh hiện nay?

Ông Phạm Thế Duyệt: Ở thời kỳ nào cũng vậy, mỗi giai đoạn đổi mới đều có những hoàn cảnh, bối cảnh và yêu cầu mới. Đảng cần có nhận thức mới để phát huy cao vai trò của Mặt trận, của các tổ chức thành viên. Mặt trận cần góp phần để Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ 13 thành công, lựa chọn được cán bộ tiêu biểu nhất vào Trung ương và Bộ Chính trị. Mặt trận phải quan tâm đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đừng nghĩ Đại hội xong mọi việc đều tốt; đừng để sau Đại hội mới phát hiện một số cán bộ vừa được lựa chọn hư hỏng, sai phạm từ trước mà chưa phát hiện được, thậm chí sai phạm đương chức vẫn diễn ra.

Quốc hội cũng vừa thông qua Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021. Mặt trận cần làm tốt nhiệm vụ của mình, không bị động, thụ động, không để lọt những người không xứng đáng vào cơ quan quyền lực; hiệp thương thực sự, lựa chọn cho được nhân sự xứng đáng kể cả trong và ngoài Đảng để tham gia vào cơ quan quyền lực của Nhà nước, Quốc hội góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Kiều Liên (thực hiện)/Chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập92,385,178
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây