Mặc dù phải trải quan nhiều khó khăn, song những kết quả Việt Nam đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hơn 30 năm qua cũng như từ khi tham gia ASEAN đã chứng minh sự đúng đắn của quyết sách này.
Bệ phóng hiện thực hóa mong muốn hội nhập
Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), kể từ khi gia nhập ASEAN (năm 1995), ASEAN được coi là bệ phóng giúp Việt Nam hội nhập sân chơi khu vực và toàn cầu. Từ đó, Việt Nam tham gia rất nhiều cơ chế hợp tác khu vực, từ ASEAN+ đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực mà ASEAN là trung tâm... Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các nước trên thế giới, có độ mở kinh tế rất lớn với tỷ lệ kim ngạch thương mại/GDP hơn 200%.
Gia nhập ASEAN cũng là bệ phóng giúp Việt Nam hiện thực hóa mong muốn hội nhập khu vực và thế giới, mở rộng quan hệ thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống người dân. Những cơ chế hợp tác này có lợi cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng quan hệ thương mại. Bằng chứng là, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình hơn 10 năm nay và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD/năm. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thể hiện sự tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác chung.
Cùng với chính sách mở cửa thu hút đầu tư, sau khi gia nhập ASEAN, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt từ ASEAN vào Việt Nam cũng tăng mạnh.
Những năm qua, Cộng đồng ASEAN đã ghi nhận những đóng góp của Việt Nam vào sự phát triển chung của Khối. Điển hình như: Việt Nam rất tích cực đưa ra những định hướng, quyết sách cho việc phát triển ASEAN. Chỉ mới gia nhập ASEAN được 3 năm, năm 1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VI. Hội nghị đã đưa ra Chương trình Hành động Hà Nội với những nội dung rất quan trọng để triển khai Tầm nhìn 2020, tạo nền tảng cho việc thành lập Cộng đồng ASEAN sau này.
Đồng thời, Việt Nam đã đảm nhiệm rất thành công các nhiệm vụ luân phiên; tham gia rất nhiều đề xuất sáng kiến hợp tác thiết thực hướng tới người dân. Khi đề xuất thành lập Cộng đồng ASEAN, các quan chức ASEAN ban đầu chủ yếu tập trung cho việc xây dựng 2 cộng đồng chính, gồm Cộng đồng An ninh - Chính trị và Cộng đồng Kinh tế (AEC), còn Cộng đồng Văn hóa - Xã hội về sau mới được xây dựng với đóng góp lớn từ Việt Nam, bởi Việt Nam đề xuất nhiều sáng kiến về phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế và gắn kết người dân ASEAN.
Đến nay, Việt Nam là một trong 2 quốc gia thành viên có tỷ lệ thực hiện cam kết cao nhất (chỉ sau Singapore), thực hiện trên 95,5% cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng AEC.
Vốn FDI từ các nước ASEAN “chảy” vào Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực. Những dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp tại Việt Nam là xung lực đưa kinh tế Việt Nam đi lên, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, tham gia ASEAN, Việt Nam có một môi trường khu vực hòa bình để phát triển. Đồng thời, những đóng góp quan trọng vào hợp tác ASEAN góp phần để Việt Nam phát triển quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng, nâng cao vị thế quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia, trong đó bao gồm toàn bộ các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc và tất cả các nước thành viên ASEAN.
Việc ASEAN kết nạp Việt Nam làm thành viên 26 năm trước đây cũng mở ra một chương mới tốt đẹp cho sự phát triển của cả Hiệp hội. Đó chính là xóa nhòa nghi kỵ, chung tay hợp tác, ứng phó kịp thời và hiệu quả với những biến động của thời cuộc. Đó cũng chính là sự khởi đầu cho một ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm cho hòa bình, ổn định và phồn vinh chung của khu vực và trên thế giới.
Trong suốt thời gian qua, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ với ASEAN. Trong thời gian tới, ASEAN sẽ tiếp tục có tầm quan trọng hàng đầu trong đường lối đối ngoại, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên của Hiệp hội xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển vững mạnh, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN
Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nổi lên là thành viên năng động và trách nhiệm, mang lại những ảnh hưởng tích cực cho cấu trúc của ASEAN, thúc đẩy hợp tác nội khối và tạo nhiều cơ hội cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc duy trì sự thống nhất, hòa bình và ổn định khu vực.
Cụ thể, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar vào ASEAN, hoàn thành ý tưởng về một “mái nhà chung” ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Điều này đã góp phần đưa ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho toàn khu vực, liên kết sâu rộng và có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á -Thái Bình Dương.
Trong vai trò điều phối, Việt Nam đã làm tốt việc kết nối, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác chiến lược, như: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực triển khai lộ trình tổng thể xây dựng cộng đồng ASEAN, tham gia soạn thảo sáng kiến liên kết ASEAN, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ các thành viên mới hội nhập khu vực.
Đánh giá về vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong suốt 25 năm qua, Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN, cho biết: Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tất cả các hoạt động của ASEAN và luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể về xây dựng cộng đồng ASEAN.
Năm 2020, Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã ghi thêm vào danh mục những đóng góp của Việt Nam cho ASEAN trong suốt 25 năm qua, cũng như khẳng định vị thế và vai trò của quốc gia trong khu vực. Cộng đồng ASEAN kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia đối phó với đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Sau thành công của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với Covid-19, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến cũng đã thành công tốt đẹp...
Các quốc gia thành viên đã đưa ra Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên thách thức và hướng tới phát triển bền vững, trở thành kim chỉ nam cho ASEAN trên con đường phát triển và hội nhập. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, các quốc gia trong khu vực đã cùng chia sẻ những kết quả ban đầu đáng khích lệ trong cuộc chiến chống Covid-19 và các sáng kiến như lập Quỹ ứng phó dịch Covid-19 của ASEAN, Kho dự trữ vật tư y tế của khu vực, Bộ quy trình vận hành tiêu chuẩn của ASEAN cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, xây dựng Kế hoạch phục hồi toàn diện sau dịch bệnh.
Tổng thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi đánh giá: Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19. ASEAN đã đoàn kết và nhanh chóng ứng phó với đại dịch kể từ tháng 2/2020. Điều này một lần nữa khẳng định “tầm lãnh đạo của Việt Nam”, đặc biệt trong việc thúc đẩy các quốc gia thành viên đối thoại và hợp tác thông qua một loạt các hội nghị trực tuyến. ASEAN hoàn toàn có thể vượt qua thử thách của dịch Covid-19 với sự đồng thuận, kiên cường và nỗ lực.
Hiện thực hóa cam kết
Sau 25 năm tham gia ASEAN, mối quan hệ hợp tác khu vực giữa Việt Nam với ASEAN ngày càng phát triển toàn diện và có tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế-xã hội và chính trị của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên các diễn đàn hợp tác khu vực và thế giới.
Báo cáo đầu tư quốc tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 21 về lượng vốn FDI trên toàn thế giới, trong đó các dòng vốn đầu tư chủ yếu đến từ các nước cùng khu vực ASEAN và các nền kinh tế châu Á khác. Tính đến cuối tháng 7/2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký của các nhà đầu tư từ ASEAN đạt gần 82,2 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Lượng FDI từ các nước ASEAN chảy vào Việt Nam trong 25 năm qua đã khẳng định, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực.
Ở chiều ngược lại, dòng chảy đầu tư của Việt Nam sang các quốc gia thành viên ASEAN cũng phản ánh sự hợp tác đầu tư hiệu quả giữa các bên. Tính đến cuối tháng 6/2020, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào đạt hơn 4,9 tỷ USD vốn đăng ký, theo sau là thị trường Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD. Nhà đầu tư Việt Nam như Viettel, FPT, Hoàng Anh Gia Lai… từng bước khẳng định được thương hiệu tại thị trường ASEAN với những khoản đầu tư lớn tại Lào, Campuchia, Myanmar...
Hiện, ASEAN có 6 Hiệp định Thương mại tự do với các đối tác. Đây là những khuôn khổ hợp tác rất lớn, có thể tác động mạnh mẽ vào cấu trúc của thương mại toàn cầu. Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam, ASEAN cùng các nước đối tác ký kết tại Việt Nam năm 2020, chắc chắn sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới của thương mại khu vực và quốc tế.
Quyết tâm và mục tiêu mới cho giai đoạn tới
Về triển vọng hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V...; đặc biệt, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.
Về tổng thể, thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông; nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế. Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội của nước ta…
Đặc biệt, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến bất thường, kinh tế nước ta có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường; những căng thẳng địa chính trị, sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính… Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại hoặc lệ thuộc lớn hơn vào nước giàu.
Định hướng tầm nhìn và khát vọng phát triển cho Việt Nam dựa trên nguyên tắc lấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, phản ánh quy luật phát triển ở Việt Nam và khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ của nhân loại về phát triển toàn diện con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người,... phù hợp với triết lý phát triển của dân tộc Việt Nam và với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã