Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý vào dự thảo Đề án “Tăng cường bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.
Hội thảo có sự tham gia của Tổng cục Môi trường, Tổng cục thủy lợi, Cục chăn nuôi, các tổ chức chính trị xã hội, đại diện Sở NN-PTNT, Sở TNMT các tỉnh thành phố trong cả nước, các chuyên gia về lĩnh vực môi trường…
Theo ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng viện môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT) mục tiêu của đề án là xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Theo báo cáo tại hội thảo, lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn nước ta đang ở mức báo động, trung bình mỗi năm khoảng 11 triệu tấn, chất thải chăn nuôi khoảng 127 triệu tấn, chất thải trồng trọt 80 triệu tấn, chất thải rắn và hàng triệu khối nước thải.
Hiện, có tới 80% khối lượng rác thải rắn từ trồng trọt (rơm, rạ) được xử lý bằng cách đốt hoặc vứt tại ruộng. Ngoài ra, trung bình mỗi năm lượng rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khoảng 19.000 tấn...
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về bảo vệ môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất. Hiện nay, rất nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải rắn.
Vì vậy, đề án lần này sẽ giúp nhận diện được các vấn đề cấp bách trong bảo vệ môi trường nông thôn, đưa ra các giải pháp trong đó hướng tới nâng cao năng lực của người dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Xác định rõ, chủ thể thực hiện và hưởng lợi là người dân. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hướng dẫn.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất nhiều nhiều giải pháp đối với vấn đề xử lý rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn.
Theo đó, đối với vấn đề xử lý rác thải, các đại biểu đều cùng quan điểm đề án cần hướng dẫn việc chủ động xử lý rác thải tại nguồn. Xử lý từ quy mô hộ, nhóm hộ sẽ mang lại hiệu quả hơn. Bởi lẽ, khi xử lý tại chỗ, vừa tận dụng được rác thải hữu cơ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp như làm phân bón, đệm lót…vừa giúp giảm áp lực cho hệ thống xử lý rác thải tập trung.
Đối với vấn đề môi trường nông thôn, cần tập trung giải quyết vấn đề môi trường cho các làng nghề. Đề án nên cụ thể, chi tiết trong việc phân định, đánh giá các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư. Từ đó, mới có cơ sở để tiến hành loại bỏ, di dời các cơ sở sản xuất không đủ tiêu chuẩn. Không nên làm ồ ạt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất vì không phải địa phương nào cũng có đủ diện tích để xây khu sản xuất tập trung.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác phân loại rác thải rắn ở nông thôn, bố trí các điểm tập kết, thu gom rác. Đồng thời tiếp tục phân bổ nguồn lực, công nghệ, thiết bị để xử lý rác ở các làng nghề. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn thì cần phải có chế tài đủ mạnh để chủ các cơ sở sản xuất tự giác nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, khẳng định: Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ xoay quanh 3 trụ cột cơ bản: Phát triển sinh kế và tăng thu nhập cho người dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; giải quyết vấn đề môi trường.
Từ đó có thể thấy, vấn đề môi trường đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Vì vậy, việc điều chỉnh các hành vi, cách ứng xử của con người với môi trường là một việc làm cần thiết.
Cũng theo ông Tiến, đề án sẽ điều chỉnh theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ vận dụng. Trong đó sẽ đề cập đến việc phải thay đổi cách tiếp cận với vấn đề môi trường, vấn đề rác thải. Không dừng ở vấn đề tìm cách xử lý mà phải xem nó là một nguồn tài nguyên để tái sử dụng nhằm hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Theo Trung Quân/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/thay-doi-cach-tiep-can-voi-van-de-rac-thai-va-moi-truong-nong-thon-d297423.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã