Học tập đạo đức HCM

Vụ đông- Những mảng màu sáng tối: (Bài 2) Nghệ An quan trọng là giá trị

Thứ hai - 14/09/2020 22:57
Nghệ An tập trung triển khai quy mô diện tích vụ đông dưới 45.000 ha. Con số này vừa hạn chế được mức độ rủi ro, lại đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Phát triển vụ đông là bài toán mang tính căn cơ mà Nghệ An buộc phải toan tính kỹ lưỡng. Ảnh: Việt Khánh.

Phát triển vụ đông là bài toán mang tính căn cơ mà Nghệ An buộc phải toan tính kỹ lưỡng. Ảnh: Việt Khánh.

Bức tranh đa chiều

Nhiều năm trực tiếp phụ trách chuyên môn, ông Nguyễn Văn Lập, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An hiểu rõ tỉnh nhà đang có nhiều lợi thế lớn cũng như phải đối mặt với những vấn đề tồn tại xung quanh định hướng phát triển toàn diện vụ đông.

Ông Lập khẳng định vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính từ lâu. Giai đoạn trước 2010, hàng năm toàn tỉnh duy trì 60.000 – 62.000 ha vụ đông, riêng trên đất 2 lúa chiếm đến 40.000 ha. 2 cây trồng chính là ngô và khoai lang.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Văn Lập hiến kế phát triển vụ đông. Ảnh: Việt Khánh.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Văn Lập hiến kế phát triển vụ đông. Ảnh: Việt Khánh.

Sở dĩ trước đây diện tích vụ đông phát triển mạnh phần nhiều nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi, thời tiết cơ bản diễn ra đúng với quy luật, giúp cho nhà quản lý, nhà kỹ thuật, chính quyền và nông dân chủ động kế hoạch, kịp thời điều chỉnh phương án ứng phó khi cần.

Thứ hai, giai đoạn đó sản phẩm vụ đông làm ra vốn dĩ không phải mặt hàng cao cấp dạng hàng hóa mà chủ yếu để phục vụ chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ đang trên đà phát triển mạnh. Nhìn chung, cách thức triển khai phù hợp với thị hiếu và nhu cầu lúc bấy giờ.

Một nguyên nhân khác thúc đẩy vụ đông là hiệu quả kinh tế thu về không quá “hẻo” so với các mùa vụ khác trong năm. Thêm nữa, các ngành nghề phụ cơ bản còn khiêm tốn, thành thử nhà nông không có nhiều sự lựa chọn khả dĩ hơn việc tiếp tục gắn bó mật thiết với ruộng đồng.

Đánh giá về tình hình hiện tại, ông Lập nhấn mạnh: “Tiềm năng đất đai của Nghệ An vẫn đảm bảo để làm vụ đông, tỉnh có quỹ đất lúa khá dồi dào, chưa kể hệ thống đất bãi ven sông màu mỡ. Quan trọng không kém, sau gần 20 năm áp dụng chính sách cơ giới hóa cho nông nghiệp đến nay đã giải phóng cơ bản sức người, đây là yếu tố cực kỳ thuận lợi để phát triển vụ đông”.

Bên cạnh đó là sự đa dạng bộ giống, thay vì ngô và khoai lang như trước kia, lúc này bà con có thể lựa chọn nhiều loại sản phẩm chất lượng, tùy vào thời điểm, tùy thị trường và tùy theo điều kiện thời tiết để đưa vào canh tác.

Song song với những yếu tố thuận lợi, ông Nguyễn Văn Lập cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn lúc này. Gian nan nhất là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, thời tiết ít diễn tiến theo quy luật chung đã nhiều lần đẩy các chuyên gia và người dân rơi vào thế khó, mọi con tính bỗng chốc đổ bể. Sự thể lặp đi lặp lại liên hồi lập tức kéo tụt… chỉ số an toàn, dần dà dẫn đến tâm lý ái ngại.

Cây ngô giữ vai trò quan trọng trong sản xuất vụ đông tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Cây ngô giữ vai trò quan trọng trong sản xuất vụ đông tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Tình hình sản xuất bấp bênh, ngược lại xã hội trên đà phát triển không ngừng đã mở ra hàng loạt lựa chọn cho số đông lao động nông thôn, những người lao động tự do. Quanh năm suốt tháng chịu cảnh dãi nắng dầm sương nhưng không nhận lại thành quả như ý muốn, một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là những người đang ở tuổi lao động nhanh chóng tính đến khả năng chuyển đổi ngành nghề.

“Bỏ thì thương mà vương thì tội nhưng quả thật chỉ trông chờ vào sản xuất vụ đông thì nhà nông khó sống. Mỗi nhà chỉ có dăm sào đất, loay hoay tất tả hàng tháng trời chỉ thu về trên dưới chục triệu bạc, ấy là khi mưa thuận gió hòa, bằng không thì mất trắng. Trong tình thế đó, việc đắn đo là chuyện đương nhiên”, chị Nguyễn Thị Nhường, sống tại xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc chia sẻ.

Canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền, không theo mùa vụ ắt hẳn phải lựa chọn ngành nghề khác thay thế. Quanh năm bám mặt vào ruộng đồng, hạn chế về trình độ, kiến thức thành thử những công việc chỉ đòi hỏi về sức vóc, chân tay được xem là sự lựa chọn tối ưu.

Phù hợp hơn cả hẳn là công nhân xây dựng, hẻo nhất là cánh phụ hồ cũng kiếm được 250.000 – 300.000 đồng/ngày, nếu là thợ chính mức thu phải gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Người siêng mỗi tháng đều đặn 20 – 25 công, thu nhập cao hơn gấp bội cây lúa củ khoai, đặc biệt là cây trồng vụ đông.

Không ôm đồm

Thực tế công tác chỉ đạo phát triển vụ đông tại một số cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian quá khá hời hợt, nếu không muốn nói là lơi lỏng. Bằng chứng, từ mức kịch trần hiện quy mô diện tích đã giảm mạnh, cơ bản chỉ dao động khoảng 40.000 ha.

“Muốn vụ đông phát triển bền vững phải tính đến giải pháp mang tính căn cơ hơn nữa, Nghệ An không nên đặt nặng đẩy mạnh diện tích bằng mọi giá. Trước mắt cần rà soát lại quỹ đất sản xuất vụ đông, phải cơ cấu cây trồng phù hợp, không bố trí dàn trải, không làm theo phong trào”.

Lạc cũng là sản phẩm chính trong kế hoạch sản xuất của nhiều cơ sở, trong đó có huyện Diễn Châu. Ảnh: Việt Khánh.

Lạc cũng là sản phẩm chính trong kế hoạch sản xuất của nhiều cơ sở, trong đó có huyện Diễn Châu. Ảnh: Việt Khánh.

Năm nay Nghệ An đặt mục tiêu gieo trồng trên 37.000 ha cây trồng vụ đông các loại, bao gồm 21.500 ha ngô, 1.500 lạc, 12.500 ha rau, đậu các loại.

Để sản xuất đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo các đơn vị phải có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đồng thời triển khai phương án đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Kế tiếp là lựa chọn sản phẩm phù hợp để áp dụng: “Nhất thiết phải có quỹ đất để sản xuất lạc giống cung cấp cho vụ xuân kế đó, diện tích chỉ tầm 1.500 ha đổ lại. Thứ hai là tập trung phát triển rau màu, xem đây là sản phẩm hàng hóa chủ lực trong sản xuất vụ đông.

Xin nhấn mạnh thêm, mặc dù tổng thể quy mô diện tích đã giảm mạnh so với trước kia, nhưng riêng mặt hàng rau màu lại gia tăng không ngừng, từ 8.000 ha lên 12.000 ha, con số này chắc chắn chưa dừng lại.

Nhóm thứ ba giá trị không quá cao nhưng chắc chắn không thể bỏ ra ngoài, đó là cây ngô. Qua khảo sát, hàng năm toàn tỉnh duy trì trên 18.000 ha ngô, trải dài khắp các bãi màu của huyện Anh Sơn, Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu”, vẫn theo ông Lập.

Từ những lập luận nêu trên, ông khẳng định: Nghệ An chỉ nên giữ vụ đông ở mức dưới 45.000 ha.

Với những người trong cuộc vụ đông không “dễ xơi”, bởi khó nên nhiều địa phương không mặn mà làm. Tuy nhiên nếu làm căn cơ, bài bản, trên hết là sự nhập cuộc quyết liệt của cấp chính quyền thì thành quả ngọt ngào hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Nhận định này chính xác với huyện Diễn Châu, vốn được xem là lá cờ đầu về lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Nghệ An. Vụ đông năm nay, huyện triển khai vụ đông 4.300 ha, lúc này cơ bản đã khép kín diện tích ngô, lạc. Theo dõi thực tế cho thấy cây trồng phát triển tốt, ổn định, nếu không gặp sự cố bất thường chắc hẳn tổng doanh thu trên 200 tỷ đồng là điều hiển nhiên.

Bà Nguyễn Thị Chín tích cực chăm bẵm, quán xuyến ruộng đồng. Ảnh: Việt Khánh.

Bà Nguyễn Thị Chín tích cực chăm bẵm, quán xuyến ruộng đồng. Ảnh: Việt Khánh.

Quả ngọt không ngẫu nhiên xuất hiện, để tạo ra bước đột phá vụ đông trực tiếp lãnh đạo huyện, xã phải thực sự vào cuộc, phải cầm tay chỉ việc thay vì à ơi cho xong. Cán bộ đi trước ắt dân lội nước theo sau, phong trào sản xuất cứ thế được duy trì liền mạch, từ trên xuống dưới, từ nếp nghĩ đến hành động cơ bản hợp thành một khối thống nhất. Dễ hình dung, chính ý thức của những người trong cuộc là mấu chốt quyết định thành bại.

Chân tay không chút ngơi nghỉ, bà Nguyễn Thị Chín, trú ở xóm 6, xã Diễn Thành tất bật vun xới trên cánh đồng nhuộm một màu xanh non. Đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, bà hồ hởi chia sẻ:

“Gia đình đông con nhưng chẳng đứa nào theo nghiệp, thành thử vợ chồng già phải thay phiên nhau quán xuyến. Trên diện tích 4 sào chúng tôi trồng luân phiên gối vụ, hết ngô lại đến su hào, bắp cải, súp lơ. Quỹ đất ít nhưng hiệu quả rất khá, quanh năm không cho đất ngơi nghỉ giúp nhà nông chúng tôi tích cóp được chút đỉnh, riêng vụ đông có năm lãi trên 50 triệu đồng”.

Theo Việt Khánh/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập227
  • Hôm nay42,392
  • Tháng hiện tại590,538
  • Tổng lượt truy cập92,968,202
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây