Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền các địa phương vùng Đồng Tháp Mười đang khuyến khích nông dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như: Mít, chanh, bưởi…
Trồng cây ăn trái thay cây lúa
Xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh, Long An) có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 2.800ha. Trong những năm gần đây, việc trồng lúa cho thu nhập không cao, mỗi năm 3 vụ lúa nhưng thu nhập chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha.
Từ chỗ lợi nhuận thấp trong trồng lúa, nhiều hộ nông dân ở xã Tân Lập đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.
Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 25.000ha cây ăn trái.Trong đó, diện tích trồng cây mít Thái siêu sớm tăng khá nhanh thời gian qua. Chỉ tính riêng niên vụ 2020-2021, diện tích trồng mít là 1.759ha, bằng 127% so với cùng kỳ.
Giờ về xã Tân Lập, thi thoảng giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn, chúng tôi lại thấy thấp thoáng những vườn cây ăn xanh mát mắt, trĩu quả.
Hiện, tổng số diện tích đất trồng lúa chuyển sang trồng cây ăn trái ở xã Tân Lập đã đạt hơn 250ha, trong đó, cây mít 180ha, sầu riêng hơn 40ha, bưởi hơn 1ha, chanh hơn 20ha…
Theo tính toán, bà con nông dân thu nhập từ trồng mít hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
Là một trong những nông dân tiên phong thay đổi cây trồng từ đất lúa chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm, ông Huỳnh Thanh Tuấn (xã Tân Lập) cảm nhận được sự nhàn nhã và rủng rỉnh thu nhập.
Theo ông Tuấn, trồng mít chỉ bận rộn ở giai đoạn làm liếp đặt cây giống. Thời gian sau chỉ diệt cỏ, vun gốc và bón phân. Đây là vụ thứ tư vườn mít của ông Tuấn cho trái, năng suất mít đạt 20 - 25 tấn/ha.
Mỗi tháng, vườn mít của ông Tuấn cho thu hoạch một lần. Mỗi lần hái mít bán, ông thu về khoảng 20 triệu đồng, nhờ vậy gia đình ông ngày càng khấm khá lên. Theo ông Tuấn, vùng này từ khi có đê bao khép kín, chống lũ, nhiều bà con đã chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, trong đó phần lớn bà con trồng mít.
"Nếu trồng sầu riêng thì vốn đầu tư lớn và công chăm sóc nhiều. Tôi không đủ khả năng nên chuyển sang trồng mít. So với trồng lúa, trồng mít nhẹ công hơn mà lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần. Nếu nhà không có công lao động thì trồng mít thuận lợi hơn" - ông Tuấn nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập, qua thời gian thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, kết quả bước đầu rất khả quan, nhiều cây trồng sau chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại huyện Vĩnh Hưng - một địa phương vùng biên, vài năm trở lại đây, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái. Đặc biệt, mô hình trồng xen canh các loại cây ăn trái có múi, như: Bưởi, cam, quýt... đang mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho nông dân.
Anh Nguyễn Tấn Dũng (xã Khánh Hưng) đã chuyển đổi hơn 5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có múi. Hiện, vườn cây ăn trái của anh được 4 năm, đang cho thu hoạch.
Theo anh Dũng, thấy nhiều người ở địa phương trồng cây ăn trái có lợi nhuận cao nên anh quyết định đầu tư. Mỗi năm, vườn bưởi da xanh, cam xoàn và quýt đường cho anh Dũng doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Bảo vệ vườn trồng cây ăn trái thay cây lúa
Theo bà Trần Thị Kham Ly - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Thạnh, địa phương đang đặt ra mục tiêu là phát triển diện tích cây ăn trái lên 2.500ha vào năm 2025. Để đáp ứng mục tiêu này, huyện sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng phù hợp, đảm bảo điều kiện chống lũ để bà con chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như tổ chức cho nông dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái từ những vùng chuyên canh sản xuất cây ăn trái.
Theo Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An Nguyễn Văn Cường, để chủ động ứng phó với hạn mặn, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền nông dân trồng cây ăn trái theo kế hoạch.
Khuyến cáo nông dân xây dựng và gia cố hệ thống đê bao xung quanh vườn để ngăn nước mặn xâm nhập. Song song đó, chủ động dự trữ nước ngọt trong mương, ao để tưới cho cây trong thời gian nước ngoài kênh có độ mặn cao.
Theo Trần Đáng/danviet.vn
https://danviet.vn/vua-lua-dong-thap-muoi-song-cung-noi-lo-cay-con-moi-bai-2-bo-lua-thu-hai-trai-ngot-20210610173508049.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã