Học tập đạo đức HCM

Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn Thanh long sấy dẻo, thanh long làm rượu vang

Thứ ba - 01/09/2020 02:58
Hai doanh nghiệp ở Long An đã có bước đột phá bằng việc sấy dẻo thanh long, làm rượu vang thanh long, được thị trường cả trong và ngoài nước đón nhận.
Thanh long được chế biến nhiều không chỉ mở ra hướng sản xuất kinh doanh mới, mà còn giúp nâng cao giá trị cho trái thanh long của địa phương. Ảnh: MS

Thanh long được chế biến nhiều không chỉ mở ra hướng sản xuất kinh doanh mới, mà còn giúp nâng cao giá trị cho trái thanh long của địa phương. Ảnh: MS

Tăng giá trị từ 3 – 5 lần

Châu Thành (Long An), vùng “thủ phủ” thanh long đang mùa thu hoạch chính vụ, với diện tích hơn 11.800 ha, sản lượng đạt khoảng 318.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng như các vùng trồng khác, tình hình tiêu thụ thanh long ở địa phương này đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều kho, vựa chỉ “ăn hàng” cầm chừng hoặc đóng cửa không thu mua.

Tuy nhiên, ở một số cơ sở chế biến thanh long tại địa phương này lại đang hoạt động khá tất bật để kịp cho “ra lò” nhiều sản phẩm thanh long chế biến phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Những trái thanh long tươi (loại 3) được các nhà vườn chọn lựa dành riêng bán cho các cơ sở chế biến này thay vì có khi phải đổ bỏ.

Một số cơ sở chế biến thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành - Long An đang hoạt động và cho ra lò nhiều sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Ảnh: MS

Một số cơ sở chế biến thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành - Long An đang hoạt động và cho ra lò nhiều sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Ảnh: MS

Ông Nguyễn Văn Hôn (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) phấn khởi chia sẻ: “Trong thời điểm trái thanh long tươi xuất khẩu gặp khó đầu ra vì dịch Covid-19, thì bà con nhà vườn vẫn tranh thủ bán được cho các cơ sở thu mua chế biến thì tốt quá”.

Tiếp xúc với PV, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thanh long sấy Long Châu (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An), Nguyễn Ngọc Phan tâm sự: “Diện tích thanh long của địa phương ngày càng được mở rộng, sản lượng tăng nhanh. Lâu nay thanh long chủ yếu xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc nhưng giá cả thường xuyên biến động. Tôi đã từng chứng kiến cảnh nông dân phải đổ bỏ thanh long do không xuất khẩu được nên nảy ra ý tưởng nghiên cứu quy trình sấy dẻo thanh long. Từ đó tôi bắt tay vào sản xuất thanh long sấy dẻo xuất khẩu và đã chào bán tại một số thị trường như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật, Pháp… với mức tiêu thụ rất tốt”.

Theo anh Phan, do thấy thanh long sấy khô sẽ bị mất vị nên anh chọn phương án sấy dẻo. Ưu thế của sản phẩm là thời gian bảo quản lâu khoảng 1 năm, giữ được gần như trọn vẹn màu sắc và hương vị của thanh long tươi.    

Nói về phương pháp sấy dẻo thanh long, anh Phan chia sẻ: Cơ sở chúng tôi tiến hành làm theo kiểu tách nước với nhiệt độ từ 45-55oC. Hiện, tôi đã thiết kế và lắp ráp thành công 4 lò sấy đang hoạt động tốt, với công suất bình quân 2 tấn thanh long tươi sẽ cho ra khoảng gần 200 kg thanh long sấy dẻo. Ngoài ra, cơ sở vừa mở rộng thêm dòng sản phẩm chanh dây sấy, được mua nguồn trái từ Tây Nguyên chuyển về sản xuất. Tất cả các sản phẩm đều được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Sản phẩm thanh long sấy dẻo xuất khẩu và đã được cơ sở chế biến Long Châu chào bán tại một số thị trường như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật, Pháp… với mức tiêu thụ rất khả quan. Ảnh: MS

Sản phẩm thanh long sấy dẻo xuất khẩu và đã được cơ sở chế biến Long Châu chào bán tại một số thị trường như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật, Pháp… với mức tiêu thụ rất khả quan. Ảnh: MS

Gặp PV, anh Từ Diệu Đông, đại diện Công ty Yến Linh SDN.BHD tại Malaysia, chuyên thu mua các sản phẩm trái cây chế biến xuất khẩu cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm các sản phẩm trái cây chế biến như thanh long, mít, sầu riêng, xoài, khoai lang sấy để xuất khẩu sang thị trường Malaysia. Cộng đồng người Việt bên đó rất thích sản phẩm trái cây chế biến và chúng tôi đang đặt hàng sản xuất thanh long sấy dẻo để xuất khẩu”.

Theo anh Đông, với riêng thị trường Malaysia mỗi năm có thể tiêu thụ khoảng 100 tấn hàng thanh long sấy. Hiện các cơ sở chế biến ở đây tập trung sản xuất để kịp đóng công hàng thanh long sấy dẻo đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Châu Âu theo đơn đặt hàng.

Rượu thanh long “say” lòng khách

Sống giữa vùng “thủ phủ” thanh long, nông dân trẻ Trần Quốc Trọng, xã Long Trì, huyện Châu Thành (Long An) luôn trăn trở vì thấy người dân quanh năm chỉ biết trồng và bán thanh long tươi, chưa có sản phẩm chế biến nào giúp tăng giá trị cho “trái rồng” địa phương. Do vậy, anh quyết định âm thầm nghiên cứu ra quy trình và bắt tay vào sản xuất thử nghiệm rượu vang thanh long.

Sản phẩm rượu vang thanh long hiện đang có mặt trên thị trường trong nước, rất được ưa chuộng. Ảnh: MS.

Sản phẩm rượu vang thanh long hiện đang có mặt trên thị trường trong nước, rất được ưa chuộng. Ảnh: MS.

Cầm trên tay những chai rượu vang thanh long có mẫu mã và mùi vị khác nhau, anh Trọng tự hào nói: “Sau mấy năm trời mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, tôi đã chế biến thành công và xuất xưởng sản phẩm rượu vang thanh long. Hiện tôi có gần 100 bồn để sản xuất rượu. Với phương pháp sản xuất truyền thống, sau gần 2 năm mỗi bồn đã cho ra được hơn 90 lít rượu thanh long”.

Theo anh Trọng, hiện anh đã nghiên cứu, sản xuất được 5 dòng sản phẩm rượu từ quả thanh long, gồm 2 loại rượu đỏ, 2 loại rượu trắng (đều 13 và 17 độ), và mới đây anh còn cho “ra lò” cả dòng rượu mạnh. Tất cả các dòng sản phẩm này đều được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, đăng ký sở hữu nhãn hiệu.

Mặc dù cơ sở có năng lực sản xuất khoảng 80.000 lít rượu vang/năm, nhưng hiện tại chỉ dừng ở mức 15.000 lít/năm do chưa mở rộng được thị trường. Anh Trọng cho biết: “Năm 2017, các chuyên gia chuyên chế biến rượu vang từ Hàn Quốc đã sang hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất rượu vang. Nhờ vậy, các công đoạn sản xuất rượu vang ở cơ sở chúng tôi đã được rút ngắn, nếu như trước đây, mỗi mẻ rượu (từ 1.000-2.000 lít) mất 2 năm để ủ, thì nay chỉ ủ trong 4 tháng mà chất lượng sản phẩm được nâng lên”.

Các công đoạn làm rượu vang thanh long không quá cầu kỳ gồm bỏ vỏ, xay, tách hạt, lấy phần nước làm rượu. Cứ 5 tấn thanh long sẽ cho ra 1.000 lít rượu. Theo kinh nghiệm của anh Trọng, làm rượu vang khó nhất ở khâu ngâm ủ, nếu không cẩn thận, có thể hỏng. Hiện anh đã làm chủ hoàn toàn về công thức chế biến rượu vang và có thể điều chỉnh độ rượu theo mong muốn. Ngoài thành công với rượu vang, anh còn tiếp cận công thức làm mứt thanh long từ chuyên gia Hàn Quốc và đã bắt tay vào chế biến thành công với 4 vị trái cây từ trái tắc (hạnh), khóm, chanh, chanh dây để cho ra 4 loại mứt khác nhau.

Các công đoạn làm rượu thanh long không quá cầu kỳ và từ sản phẩn thanh long có thể chế biến ra cả dòng rượu mạnh. Ảnh: MS.

Các công đoạn làm rượu thanh long không quá cầu kỳ và từ sản phẩn thanh long có thể chế biến ra cả dòng rượu mạnh. Ảnh: MS.

Ông Phạm Thanh Sơn, Giám đốc HTX Thanh long Dương Xuân (Châu Thành, Long An) cho biết: “Khi vào mùa thu hoạch, lượng trái thanh long tươi loại 3 không xuất khẩu được cũng chiếm khá nhiều, nhưng nông dân rất phấn khởi khi được các cơ sở chế biến thanh long và các nhà máy nước ép trái cây sẵn sàng thu mua, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập thay vì phải bán rẻ hoặc đổ bỏ”.  Theo ông Sơn, HTX hiện có 260 ha thanh long ruột đỏ, trong đó chiếm 159 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện HTX liên kết với các cơ sở chế biến và doanh nghiệp thu mua trái thanh long tươi để thành lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

Trao đổi với NNVN, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết: “Tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực cả về vốn lẫn kỹ thuật xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thanh long. Đồng thời, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh, trong đó có thanh long”.

“Nếu thanh long Việt Nam chưa đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu thì chắc chắn sẽ khó cạnh tranh với thanh long các quốc gia khác, điển hình là Trung Quốc. Hiện có một số cơ sở, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư tìm hướng đi mới cho sản phẩm thanh long chế biến xuất khẩu nhưng quy mô vẫn còn hạn chế…”, GĐ Sở Công thương Long An Lê Minh Đức nói.

Nguồn tin: Minh Sáng/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay33,172
  • Tháng hiện tại340,397
  • Tổng lượt truy cập92,718,061
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây