Học tập đạo đức HCM

Người nuôi nhiều ong nhất miền Bắc

Thứ ba - 01/09/2020 21:50
Năm 2012, Trần Xuân Phong sở hữu 2.000 đàn trở thành người nuôi nhiều ong nhất miền Bắc. Người nuôi nhiều thứ 2 ở miền Bắc thời điểm đó cũng chỉ trên dưới 1.000 đàn.
Anh Trần Xuân Phong, người được mệnh danh là 'Vua ong đất Bắc'. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Trần Xuân Phong, người được mệnh danh là "Vua ong đất Bắc". Ảnh: Đào Thanh.

Phong "thổ dân"

Với Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX nuôi ong Phong Thổ ở tỉnh Tuyên Quang thì những ngày tháng dãi dầu cùng đàn ong trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn là những ngày thật đáng nhớ.

Anh kể, nghiệp nuôi ong đến với anh từ rất sớm. Một buổi sáng đầu đông năm 2002, ông Trần Xuân Thư là bố Phong gọi lên nói chuyện rồi đưa ra quyết định giao 115 đõ ong ông mất bao năm gây dựng cho cậu con trai với hi vọng chàng quý tử nguôi ngoai nỗi buồn khi ước mơ đặt chân vào cánh cổng trường đại học còn dang dở.

Ngày ấy, 1 đõ ong trị giá tương đương cả tấn gạo. Dù bố không nói, nhưng trong sâu thẳm ánh mắt người cha, Phong hiểu được sự động viên và kỳ vọng nơi ông khi giao cho cậu con trai khối tài sản không hề nhỏ.

Một bao gạo, ít mắm muối, ít lương khô anh gói gém cùng đàn ong lên tận vùng cao nguyên của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang rồi chọn một rẻo thung lũng bé tí tẹo để dựng lán tạm, đặt chỗ trú ngụ cho đàn ong săn mật.

Ở nơi ấy mênh mông núi đá thâm u xám xịt. Xen lẫn vào đá là từng mảng xanh của cây bạc hà len vào từng hốc đất nơi lưng chừng núi mà sinh tồn, ra hoa rồi tiết ra loại mật có sức hấp dẫn lạ kỳ với bầy ong, có lợi cho sức khỏe của con người.

Bạc hà là loài cây dại, có sức sống mãnh liệt trên đá, hàng năm ra hoa tím hồng từ tháng 9 tới tháng 11 âm lịch, đây cũng chính là mùa quay mật ong.

Những ngày trên cao nguyên đá, Phong sống như thổ dân. Cả ngày chỉ cặm cụi với bầy ong, có khi hết tháng mới xuống núi một lần. Đầu tóc bù xù, người hôi như cú, dâu dài tới ngực. Lần đầu thấy anh ở phố huyện Đồng Văn, ai cũng nhìn anh với ánh mắt vừa tò mò, vừa ái ngại.

Bản tính xuề xòa, hay làm hay làm, hay giúp đỡ người khác của anh đã nhanh chóng lấy được thiện cảm của họ. Khi những ánh mắt xa lạ thủa ban đầu dần trở nên thân quen, rồi thân mật, dân bản đặt cho anh biệt danh Phong Thổ, tức là nhìn như thổ dân, như người rừng.

Cái biệt danh Phong Thổ của anh người ta gọi mãi cũng thành quen, quen đến nỗi đi từ Nam ra Bắc giới thiệu anh là Phong nuôi ong ở Tuyên Quang nhiều người không biết, còn bảo là Phong thổ dân thì người ta biết tiếng luôn. Bởi thế năm 2013 khi quyết định thành lập HTX nuôi ong, anh chọn tên Phong Thổ để đặt cho HTX.

Phong mê mẩn cuốn theo con ong đi khắp nơi trong Nam ngoài Bắc. Khi con ong, hũ mật khiến ước mơ vào đại học chỉ còn là ký ức mờ ảo cũng là lúc anh thành công so với mục đích ban đầu của người cha già. Giờ đây Trần Xuân Phong đã là giám đốc HTX nuôi ong Phong Thổ, sở hữu hơn 13.000 đàn ong, với sản lượng xuất 1.300 tấn mật mỗi năm.

“Vua ong” cũng lắm gian nan

Năm 2012, sau 10 năm thừa hưởng số ong của người cha để lại, anh đã nhân tổng đàn lên tới con số 2.000 đõ và trở thành người nuôi ong nhiều nhất miền Bắc. Người nuôi nhiều thứ 2 ở miền Bắc thời điểm đó cũng chỉ trên dưới 1.000 đàn. Và biệt danh “Vua ong đất Bắc” gắn liền với anh từ đó.

Ngôi biệt thự khang trang của Trần Xuân Phong. Ảnh: Đào Thanh.

Ngôi biệt thự khang trang của Trần Xuân Phong. Ảnh: Đào Thanh.

Phong chia sẻ, nghề nuôi ong hay bất cứ làm việc gì nếu coi là cuộc dạo chơi thì sẽ phải đánh đổi bằng thất bại cay đắng. Anh cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Anh nhớ tới đợt năm 2013, vận chuyển 3 container ong về vùng Hưng Yên, Bắc Giang lấy mật nhãn. Trung bình mỗi container chở 450 đõ ong. Đặt chân đến nhà vườn, ngắm nhìn những vườn nhãn bạt ngàn lú nhú hoa đầu vụ, hít hà thoang thoảng mùi hương hoa lẩn vào trong gió Phong mơ màng nghĩ về vụ mật xán lạn.

Một buổi sớm thức dậy, ra thăm đàn ong thấy cửa chuồng nào cũng vắng hoe vắng hoắt, anh có linh cảm chẳng lành. Mở nắp đõ ra, thấy ong chết la liệt anh như chết đứng.

Anh không thể ngờ rằng, nhiều chủ vườn muốn cho nhãn chín sớm, chín chính vụ, hoặc chín muộn nên đã điều chỉnh quy trình chăm sóc. Bởi thế việc phun thuốc ở các vườn không đồng đều, đàn ong đi săn mật bị dính thuốc. Chúng lại lấy phấn hoa về tổ cho con non ăn.

Tiếp những ngày sau đó trời mưa như trút nước, kéo dài cả tháng trời từ lúc hoa nở đến lúc tàn. Đàn ong đã không có phấn ăn lại do thời tiết ẩm ướt phát bệnh thối ấu trùng vôi lăn ra chết đồng loạt. Vụ năm ấy anh thua lỗ gần 7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đại Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, sản phẩm mật ong của HTX nuôi ong Phong Thổ là một trong những nông sản tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng là sản phẩm được tỉnh kỳ vọng sẽ đạt 4 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Muốn giàu chốc lát thì làm ăn kiểu khôn lỏi

Gần 20 năm gắn bó với con ong, giờ đây Phong không còn sở hữu nhiều đàn ong như thời điểm đỉnh cao năm 2012 nữa. Anh chọn cho mình hướng đi là giúp đỡ và đồng hành cùng nhiều người để phát triển thương hiệu ong Tuyên Quang. Bởi thế năm 2013, HTX nuôi ong Phong Thổ ra đời.

Đi nhiều nơi giao hàng, rõ ràng mật của anh bán cho họ với giá một nửa vậy mà khi họ nhập về làm nhãn mác giá đã tăng gấp đôi. Phong quyết tâm nghĩ cách làm thương hiệu.

Cũng trong năm 2013, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm mật ong Phong Thổ tại Cục Sở hữu trí tuệ; đăng ký cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang.

Tôi hỏi: Hiện nay tại các sự kiện lớn của tỉnh, sản phẩm mật ong Phong Thổ luôn là một trong những nông sản được địa phương lựa chọn làm quà biếu. Vậy chất lượng của sản phẩm làm quà biếu có khác với mặt hàng thông thường?

Phong đáp: Tôi luôn chia sẻ với anh em trong HTX , dù là sản phẩm làm quà biếu tặng hay đại trà do đơn vị sản xuất thì cũng phải đảm bảo chất lượng. Bởi muốn giàu chốc lát thì làm ăn kiểu khôn lỏi, còn muốn đi được xa, đi được bền vững thì phải làm ăn bằng cái tâm. Mình cứ làm tốt, làm bằng cái tâm thì sẽ có thương hiệu, khắc có chỗ đứng trên thị trường.

Hiện nay, HTX có 3 sản phẩm mật chủ lực gồm hoa rừng bạc hà nguyên chất, mật ong hoa rừng, sữa ong chúa tươi nguyên chất. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, HTX có 3 sản phẩm mật chủ lực gồm hoa rừng bạc hà nguyên chất, mật ong hoa rừng, sữa ong chúa tươi nguyên chất. Ảnh: Đào Thanh.

Để sở hữu được những loại mật giá trị, tôi chủ động di chuyển đàn ong đi đón những mùa hoa. Dịp đầu năm đi Mộc Châu, Hát Lót, Mai Châu lấy hoa rừng, rồi vào sông Mã đón hoa nhãn (nhãn ở đây thường ra hoa sớm hơn các địa phương khác).

Sau vụ nhãn sông Mã lại xuống Hưng Yên, Bắc Giang lấy mật nhãn, mật vải. Rồi ngược lên Tuyên Quang lấy hoa keo. Dịp cuối năm đến Hà Giang đón mật bạc hà... Mỗi lần di chuyển đàn ong từ miền thảo nguyên này đến cao nguyên khác, tôi đều cẩn thận chèn kỹ các khay mật rồi đợi đến đêm ong về hết tổ, đóng cửa lại và đưa tổ của chúng lên container để tìm một hành trình mới.

Phong say sưa chỉ cho tôi cách nhận biết mật ong “xịn” và hương vị của từng loại mật. Mỗi loại mật lại có hương vị riêng, như mật nhãn vị thơm hương nhãn, ngọt gắt đặc trưng; mật keo có vị ngọt hơi chua; mật hoa xuyến chi vị thanh mát.

Đặc biệt nhất là mật bạc hà. Loại mật trong vắt, óng lên màu vàng xanh, mùi mật thoang thoảng hương bạc hà thơm mát, vị ngọt êm dịu chứ không sắc đậm như các loại mật hoa khác.

Với Phong, giọt mật của mỗi loài hoa thực sự quý như giọt vàng.

Hiện nay, HTX mật ong Phong Thổ có 23 thành viên với hơn 13.000 đàn ong, sản lượng đạt 1.300 tấn mật/năm. HTX có 3 loại sản phẩm mật chủ lực gồm hoa rừng bạc hà nguyên chất, mật ong hoa rừng, sữa ong chúa tươi nguyên chất…

Phong phấn đấu để thương hiệu mật ong Phong Thổ có thể sánh được với các thương hiệu mật ong nổi tiếng như DakHoney ở Đăk Lăk; mật ong Tam Đảo ở Vĩnh Phúc… Anh nuôi tham vọng đưa sản phẩm, mang nhãn hiệu mật ong của HTX vươn ra thị trường thế giới.

Theo Đào Thanh - Âu Văn Vượng/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập164
  • Hôm nay33,172
  • Tháng hiện tại343,458
  • Tổng lượt truy cập92,721,122
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây