Học tập đạo đức HCM

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: “Lấy rừng nuôi rừng”

Chủ nhật - 23/11/2014 20:05
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMT) rừng theo Nghị định 99/2010/NÐ-CP của Chính phủ được kỳ vọng góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời, nâng cao sinh kế, cải thiện thu nhập cho người làm nghề rừng. Sau một thời gian triển khai, có thể khẳng định: mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song, chính sách đã đi vào cuộc sống của người dân Hà Tĩnh…

Kết quả bước đầu

Theo cách hiểu đơn giản, rừng có vai trò điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, tạo ra môi trường cảnh quan… do đó, các doanh nghiệp, cơ sở SXKD, cá nhân hưởng lợi từ DVMT rừng như thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, nước phục vụ sản xuất công nghiệp, các nhà máy phát thải khí CO2... phải trả phí DVMT rừng. Nguồn thu này dùng để chi trả cho các chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng... góp phần ổn định đời sống người làm nghề rừng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: “Lấy rừng nuôi rừng”
Khu rừng trồng tại xã Lộc Yên, Hương Khê

Năm 2012, Ban chỉ đạo và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được thành lập. Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách các đối tượng mức giá, thời điểm chi trả tiền DVMT rừng trên địa bàn; tham mưu Sở NN&PTNT triển khai chính sách chi trả DVMT rừng theo Nghị định 99. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tham mưu đấu nối và ký hợp đồng ủy thác tại 6 đơn vị.

Ông Nguyễn Hữu An - Trưởng BQL Rừng phòng hộ sông Ngàn Phố (Hương Sơn) - đơn vị nhận tiền chi trả nhiều nhất tỉnh, chia sẻ: “Theo kế hoạch đã được thông qua, đơn vị chúng tôi được nhận hơn 1,7 tỷ đồng từ chính sách DVMT rừng. Đây thực sự là nguồn tài chính lớn để đơn vị đầu tư vào công tác bảo vệ rừng. Theo đó, sau khi nhận tiền sẽ bổ sung lực lượng trực tiếp bảo vệ tại địa bàn, mua sắm trang thiết bị phục vụ công việc… Đặc biệt, đây cũng là nguồn động viên rất lớn để anh em yên tâm công tác”. Nhìn chung, các chủ rừng, đặc biệt là người dân rất phấn khởi, hào hứng khi thành quả lao động, kết quả công tác trồng, bảo vệ rừng của mình lâu nay đã được xã hội ghi nhận và bước đầu được hưởng lợi từ những thành quả đó.

Để chính sách đi vào cuộc sống

Mặc dù triển khai được gần 2 năm, nhưng đến nay, tiền chi trả vẫn chưa đến được với đối tượng hưởng lợi. Nguyên nhân chủ yếu do quy trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã ký hợp đồng ủy thác nhưng chậm thực hiện việc chuyển tiền về quỹ. Công tác rà soát, thống kê, lập hồ sơ chi trả DVMT rừng đối với từng chủ rừng gặp nhiều khó khăn do những bất cập, tồn tại trước đây trong công tác giao đất lâm nghiệp và tình trạng tự ý chuyển đổi quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của người dân. Thủy điện là nguồn thu chính của tiền DVMT rừng hiện nay, trong khi đó, Hà Tĩnh chưa có nhiều công trình thủy điện, đây là khó khăn lớn khi triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng…

Chính sách chi trả DVMT rừng là phù hợp với việc khuyến khích người có rừng sống được bằng nghề rừng, giúp họ bảo vệ rừng hiệu quả, song, việc chi trả hiện nay còn quá thấp, chưa tương xứng với công sức người dân bỏ ra. Trao đổi với một số hộ dân ở xã Hương Lâm (Hương Khê), được biết, bình quân mỗi gia đình mới nhận được gần 20.000 đồng/ha/năm tiền bảo vệ rừng. Đây thực sự là số tiền quá ít và người dân không thể sống được nếu chỉ trông chờ vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng.

Có thể nói, chi trả DVMT rừng là một chính sách vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Ðây chính là “lối thoát” trong việc huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho các chủ rừng là tổ chức. Còn đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, thì số tiền chi trả chính là động lực để họ cải thiện cuộc sống, từ đó, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng. Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, tỉnh ta đang đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, cho thuê rừng; sớm phê duyệt kế hoạch thu - chi, đẩy mạnh việc tuyên truyền triển khai thực thi chính sách, nhất là việc cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhằm giải ngân đầy đủ, kịp thời tiền DVMT rừng đến từng chủ rừng, các hộ, cá nhân được thụ hưởng. Đồng thời, tích cực rà soát, thống kê các đơn vị sử dụng phải chi trả để tăng nguồn thu, tăng mức chi trả cho đơn vị, cá nhân cung ứng, góp phần thực hiện chính sách đúng với phương châm “lấy rừng nuôi rừng”…

Thành Chung
baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập658
  • Hôm nay82,188
  • Tháng hiện tại818,298
  • Tổng lượt truy cập93,195,962
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây