Xuân An (Nghi Xuân) là địa phương đầu tiên phát hiện bệnh tai xanh ở lợn, sau đó xuất hiện tại 5 xã trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên và tiếp tục lan rộng sang một số xã của huyện Thạch Hà, TP Hà Tĩnh và Xuân Hồng (Nghi Xuân). Dịch lợn tai xanh xảy ra chủ yếu tại các vùng có ổ dịch cũ, mật độ chăn nuôi cao, người chăn nuôi thường xuyên bổ sung đàn nhưng không rõ nguồn gốc, hầu hết số đàn lợn bị dịch đều đã hết thời gian miễn dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh và chưa được tiếp tục tiêm phòng...
Mặt khác, thời tiết khắc nghiệt, chuyển mùa... làm vật nuôi giảm sức đề kháng, phát sinh dịch. Thống kê mới nhất của Chi cục Thú y tỉnh, từ ngày 2/3 - 24/4, toàn tỉnh có gần 2.000 con lợn bị bệnh tai xanh tại 14 xã thuộc 4 huyện, thành phố (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh); buộc phải tiêu hủy 1.501 con lợn mắc bệnh với tổng trọng lượng hơn 51.000 kg.
Người dân xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) vệ sinh chuồng trại chuẩn bị tái đàn sau đợt dịch lợn tai xanh. |
Ngay sau khi phát hiện dịch, tỉnh tập trung cao cho công tác phòng chống. Theo đó, hàng loạt chỉ thị, công điện và quyết định của UBND tỉnh được ban hành nhằm triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống dịch kịp thời và hiệu quả. Ngành chuyên môn đã bám sát diễn biến dịch bệnh, các địa phương vào cuộc đồng bộ triển khai các biện pháp bao vây, không chế dịch bệnh.
Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: Cẩm Xuyên là địa phương phát hiện đàn lợn bị dịch bệnh tai xanh sau huyện Nghi Xuân với số lượng lợn bị dịch khá lớn. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiến hành tiêm vắc-xin phòng dịch tai xanh cho đàn lợn tại các vùng có dịch và vùng bị dịch uy hiếp; đồng thời ra quân làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại...
“Nhờ vậy, dịch bệnh tai xanh trên địa bàn huyện hiện cơ bản đã được kiểm soát, khống chế. Hơn 1 tuần nay, qua kiểm tra không phát hiện thêm số lợn bị mắc bệnh, ốm chết. Người chăn nuôi tại một số xã trong vùng dịch bắt đầu khôi phục lại đàn lợn, ổn định và phát triển chăn nuôi ” - ông Hà cho biết thêm.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, huyện Thạch Hà tập trung khống chế, dập dịch tai xanh bằng các giải pháp đồng bộ. Quyết tâm không để dịch bệnh lan rộng, huyện tập trung cao cho công tác tuyên truyền, phòng chống dịch; hỗ trợ người dân về thuốc, hóa chất để đồng loạt ra quân phun tiêu độc khử trùng chuồng trại. Sau khi xác định 6 xã nằm trong vùng bị dịch uy hiếp, huyện đã kịp thời cung ứng và tích cực triển khai tiêm phòng bao vây hơn 20.000 liều vắc-xin tai xanh. Cho đến nay, dịch lợn tai xanh trên địa bàn chỉ xẩy ra tại 2 xã Thạch Hội, Thạch Trị và hiện đã được khống chế hoàn toàn.
Không chỉ tham mưu kịp thời cho tỉnh về công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh còn bám sát địa bàn theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh tại cơ sở, báo cáo và xử lý nhanh khi phát hiện ổ dịch mới. Theo ông Trần Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì trong thời gian xẩy ra dịch lợn tai xanh, đơn vị đã kịp thời cấp 1.214 lít hóa chất và 42,7 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng vùng dịch. Ngoài ra, còn cung ứng gần 60.000 liều vắc-xin tai xanh cho các địa phương xẩy ra dịch bệnh. Ngay sau đó, các địa phương đồng loạt tổ chức tiêm bao vây các ổ dịch và vùng nguy cơ cao với hơn 50.000 con lợn được tiêm phòng.
Đến thời điểm này, một vài ổ dịch lợn tai xanh ở các địa phương đã qua thời hạn 21 ngày và việc cấm buôn bán, vận chuyển trong các vùng phát sinh dịch trước đây đã được bãi bỏ. Từ ngày 24/4 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới và không có lợn bị ốm, chết buộc phải tiêu hủy. Có thể nói, dịch lợn tai xanh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành chuyên môn và các địa phương trên địa bàn tỉnh không được chủ quan, lơ là do dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên địa bàn cả nước và trong tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Các địa phương cần tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường chuồng trại; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn người dân mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn và các khu vực tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm nhằm chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời khi phát hiện dịch bệnh đang ở diện hẹp...
HỮU TRUNG (baohatinh.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã