Học tập đạo đức HCM

Ðể sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh phát triển bền vững

Chủ nhật - 25/02/2018 06:40
Thời gian qua, sản xuất công nghiệp ở Hà Tĩnh có bước phát triển khá ấn tượng, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2010 - 2016 tăng bình quân 19,56%/năm. Sự ra đời của nhiều công trình, dự án lớn đã hình thành dáng dấp của một trung tâm công nghiệp ở miền trung. Tuy nhiên, do tầm nhìn chưa thấu đáo trong quy hoạch cùng với sự cố môi trường biển vừa qua, đặt ra cho địa phương nhiều vấn đề cần sớm giải quyết, nhằm bảo đảm tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và môi trường.

Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, Vũng Áng được đánh giá là một trong những khu kinh tế (KKT) dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, với 156 dự án được cấp phép, tổng mức đăng ký 37.357 tỷ đồng và 10,96 tỷ USD; trong đó có 77 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp (49 dự án trong nước và 28 dự án nước ngoài). Thời điểm này, dự án Khu liên hợp Gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, mức đầu tư 11,5 tỷ USD với các sản phẩm chính là sắt, thép và sản phẩm phụ trợ như than cốc, hắc ín, xỉ lò cao, dầu thô nhẹ,... Theo Phó Ban quản lý KKT Hà Tĩnh Ðặng Văn Thành, sau khi lò cao số 1 được vận hành thử nghiệm từ tháng 5-2017, đến nay FHS đã sản xuất các sản phẩm như thép cuộn, thép thanh; lò cao số 2 dự kiến đi vào sản xuất trong tháng 3-2018. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, quá trình thi công, vận hành dự án của FHS cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần được xử lý. Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng, tổng công suất của dự án lên đến 22,5 triệu tấn thép/năm, với quy mô lớn trong phạm vi không gian hẹp, cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp hơn với khả năng chịu tải của môi trường, nhất là môi trường biển và không khí chung quanh KKT. Thực tế, trong quá trình hoạt động, với việc vận hành thử nghiệm các tổ hợp nhà máy của FHS đã gây ra sự cố môi trường biển, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội của tỉnh và nhiều hệ lụy về an sinh xã hội toàn khu vực. Ðây là một trong những nguyên nhân tạo nên sự tăng trưởng âm trong năm 2016.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020, xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vũng Áng sẽ trở thành trung tâm điện lực nhiệt điện với năm nhà máy, tổng công suất 6.300 MW. Theo đánh giá của các chuyên gia, các dự án nhiệt điện đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường. Chỉ tính riêng số lượng tro, xỉ thải ra hằng năm của Nhiệt điện Vũng Áng 1, công suất 1.200 MW và hai tổ máy 300 MW của FHS đã lên đến hơn 1,3 triệu tấn/năm; nồng độ bụi phát sinh cực đại 209,4 mg/Nm3; chất thải nguy hại 118,8 tấn/năm; nước thải công nghiệp 5.565,4 m3/ngày đêm. Ðó là chưa tính đến chất khí thải ra không khí. Do đó, cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng khả năng chịu tải của môi trường tại KKT Vũng Áng và vùng phụ cận. Mặc dù được xác định là một trong những KKT ven biển trọng điểm của cả nước, được Chính phủ ưu tiên nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng tại KKT Vũng Áng còn yếu kém; hệ thống giao thông, điện, nước, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung,… chưa được đầu tư đồng bộ, không theo kịp tốc độ phát triển.

Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Hà Tĩnh) Ðặng Tiến Bình cho biết, ngoài dây chuyền công nghệ sản xuất đơn giản, lỗi thời, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, việc kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chưa hiệu quả, nhất là sau sự cố môi trường do FHS gây ra. Hầu hết các khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải. Thí dụ, trong tổng số 22 cụm công nghiệp trên địa bàn, mới chỉ có ba cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo quy định, nhất là đối với chất thải nguy hại. Một số cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, ứ đọng chất thải rắn, thải khí độc hại nhưng chưa được xử lý có hiệu quả.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Ðặng Quốc Khánh, trên cơ sở nhìn nhận một cách thấu đáo thực trạng phát triển một số ngành công nghiệp như thép, nhiệt điện,... Hà Tĩnh đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo sự cân bằng trong phát triển, trong đó, điều chỉnh quy mô, công suất phù hợp và lộ trình triển khai hợp lý đối với các dự án công nghiệp trọng điểm, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an toàn môi trường, an sinh xã hội sau khi đã đánh giá khả năng chịu tải của môi trường. Ðối với dự án của FHS, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát chủ đầu tư khắc phục các khiếm khuyết sau sự cố môi trường biển theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước mắt, chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện và vận hành lò cao số 1 và số 2 cùng các nhà máy, thiết bị phụ trợ đồng bộ kèm theo (tương đương công suất 7,5 triệu tấn/năm). Các lò cao tiếp theo của dự án sẽ được xem xét tiếp tục triển khai sau năm 2020, sau khi hai lò cao vận hành ổn định và bảo đảm an toàn về môi trường.

Theo chia sẻ của một số nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn, cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép, Hà Tĩnh nên ưu tiên phát triển các loại hình chế biến, sản xuất nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, ưu tiên lựa chọn sản phẩm có giá trị chế biến sâu cao như nhóm sản phẩm chế biến MDF/HDDF, OKAL/OSB từ gỗ rừng trồng, sản phẩm gạo hàng hóa, sản phẩm nước mắm hàng hóa, một số hàng hóa có khả năng xuất khẩu cao,… gắn với việc hình thành chuỗi cung ứng từ quy hoạch vùng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở rà soát hiện trạng hạ tầng các khu công nghiệp, tiếp tục ban hành, xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo nguồn lực đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Ðặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Song song với việc xây dựng các giải pháp về thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng công nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, UBND tỉnh sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm phát triển sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh theo hướng bền vững, hiện đại.

Bài và ảnh: NGÔ TUẤN
theo nhandan
 

 

 Tags: công nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập448
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm429
  • Hôm nay51,571
  • Tháng hiện tại826,849
  • Tổng lượt truy cập92,000,578
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây