Chủ tịch đánh giá như thế nào về cách triển khai xây dựng mô hình vườn mẫu của HLV&TT Hà Tĩnh trong thời gian qua?
Theo đánh giá của tôi, HLV&TT Hà Tĩnh đã rất năng động, nhạy bén trong việc phát huy thế mạnh của mình để thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương. Và khi các chương trình, dự án nắm bắt đúng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống, đúng định hướng phát triển thì không có lý gì chính quyền các địa phương không ủng hộ. Trong chương trình XDNTM, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đưa ra quan điểm để nâng cao thu nhập cho nông dân là: Phát triển nông nghiệp toàn diện, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Nắm bắt chủ trương này, HLV&TT Hà Tĩnh đã nhanh chóng tham mưu nhiệm vụ “Xây dựng mô hình vườn mẫu và sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong XDNTM”. Ngay lập tức, nhiệm vụ này được UBND tỉnh giao Hội thực hiện tại Văn bản số 1039/UBND-NL ngày 13/4/2012 và Văn bản số 4723/UBND-NL ngày 10/12/2013.
Ngay sau khi được chấp thuận chủ trương, HLV&TT Hà Tĩnh đã tiến hành khảo sát sơ bộ mỗi huyện 10 mô hình kinh tế vườn, biên soạn các tài liệu, xây dựng tiêu chí vườn mẫu và tổ chức tuyên truyền, tạo nên phong trào mạnh mẽ xây dựng mô hình vườn mẫu và sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến cuối năm 2013, Hội đã xây dựng được 28 vườn mẫu ở huyện Cẩm Xuyên, sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm, năm 2014, UBND tỉnh tiếp tục giao cho Hội xây dựng 240 vườn mẫu ở 48 xã NTM, năm 2015 là 220 vườn mẫu tại 44 xã NTM và năm 2016 xây dựng 250 vườn tại 50 xã NTM. Từ những con số này có thể thấy, đề xuất, sáng kiến của Hội đã đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với các tiêu chí XDNTM nên nhanh chóng được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và nhân dân ủng hộ, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Con số vườn mẫu tăng theo từng năm đã chứng minh điều đó.
Điều tôi đánh giá cao trong việc triển khai mô hình vườn mẫu của HLV&TT Hà Tĩnh là, các bước thực hiện rất khoa học, từ thấp lên cao. Trước khi thực hiện mô hình, Hội hoàn thiện “Bộ tiêu chí vườn mẫu” gồm 5 tiêu chí, xây dựng phương án và dự toán xây dựng mô hình, khảo sát các hộ đủ điều kiện thực hiện, cuối năm mới phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương phân loại vườn.
Đặc biệt, để đảm bảo tiêu chí: “Sản phẩm từ vườn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, Hội đã xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, các vườn áp dụng “4 không” trong trồng trọt (không phân hóa học và phân tươi, không chất kích thích tăng trưởng, không hóa chất bảo vệ thực vật, không biến đổi gen) và “4 không” trong chăn nuôi (không thuốc kháng sinh, không chất cấm, tăng trọng, không nuôi nhốt, không biến đổi gen). Kết quả trong 10 mô hình vườn mẫu có sự chỉ đạo trực tiếp của Ban dự án cho thấy, kiểm nghiệm 12 mẫu rau, quả đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thu nhập từ trồng rau cao hơn 9,16 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Từ thắng lợi này, năm 2016, HLV&TT Hà Tĩnh được giao nhân rộng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ cho 460 vườn.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được hơn 3.000 vườn mẫu, 80% số vườn được bình chọn thuộc loại A, thu nhập từ sản xuất VAC của các hộ đều cao hơn so với trước. Số liệu điều tra 15 vườn mẫu cho thấy, bình quân diện tích vườn là 2.520m2, thu nhập đạt 128 triệu đồng/năm (tương đương 509 triệu đồng/ha). Nếu vườn mẫu sản xuất rau quả là chính có thể đạt từ 600 - 900 triệu đồng/ha/năm. Không những thế, những khu vườn mẫu được quy hoạch gọn gàng còn tạo thêm sức sống cho mỗi vùng quê, như một bức tranh Xuân tươi sáng.
Từ cách làm của HLV&TT Hà Tĩnh, theo Chủ tịch, để xây dựng thành công vườn mẫu, các đơn vị Hội cần phải chú trọng điều gì?
Có thể thấy, nếu xây dựng vườn mẫu thành công sẽ như một mũi tên trúng nhiều đích: vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa thân thiện với môi trường, tạo cảnh quan đẹp cho nông thôn; hướng nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và là cách tốt nhất để áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngay trong khuôn viên hộ gia đình. Thậm chí, vườn mẫu còn tạo điều kiện cho du lịch sinh thái phát triển.
Vì vậy theo tôi, để vận động hội viên xây dựng vườn mẫu, điều quan trọng trước tiên là phải vận động họ xây dựng hầm biogas, ủ phân hữu cơ, thu gom rác thải, sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu ủ phân, không đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, vận động nông dân trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sinh học, giảm dần sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Từ kết quả xây dựng mô hình VACB (vườn, ao, chuồng và hầm khí sinh học biogas) thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới do Hội Làm vườn Việt Nam thực hiện năm 2016 ở 3 địa phương, xã Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), xã Nam Phong (Cao Phong - Hòa Bình) và xã Đông Sang (Mộc Châu - Sơn La) cho thấy, bón phân hữu cơ hoai mục, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học cùng với tưới nước sạch, vải thiều, cam và rau xanh đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, tươi ngon, tiêu thụ dễ dàng. Trong khuôn viên hộ gia đình, mùi hôi thối giảm rõ rệt, các loại vi khuẩn gây bệnh cho người và gia súc như Ecoli, Sanmolenla, trứng ký sinh trùng đều bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nội dung của vườn mẫu bao gồm quy hoạch sắp xếp hợp lý vườn, ao, chuồng trong khuôn viên hộ gia đình, điều chỉnh lại các công trình phụ trợ như: giếng nước, bể nước, nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà màng, nhà lưới để trồng trọt, chuồng trại chăn nuôi, nơi ủ phân, thiết kế lắp đặt hệ thống tưới, thoát nước, hệ thống công rãnh, thiết kế cổng ra vào và hàng rào xung quanh nhà.
Từ thành công của HLV&TT Hà Tĩnh, theo tôi, muốn xây dựng vườn mẫu thành công, các cấp Hội phải có bước đi vững chắc, trước hết cho xây dựng mô hình ở những nơi đáp ứng đủ điều kiện; phải chuẩn bị tốt giáo trình, tập huấn, tuyên truyền phổ biến đến từng hộ dân; tổ chức tốt việc thi đua, bình chọn, tuyên dương theo nguyên tắc dân chủ tập thể.
Đâu là bài học kinh nghiệm được rút ra từ thành công của HLV&TT Hà Tĩnh, thưa Chủ tịch?
Theo tôi, bài học lớn nhất là, hoạt động của Hội phải luôn bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, luôn chủ động, sáng tạo thực hiện tốt công tác tham mưu, tư vấn về chuyên môn, kỹ thuật để cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo; sau khi được giao nhiệm vụ, phải bám sát chức năng, phối hợp với các ngành chức năng triển khai; đẩy mạnh tuyên truyền để tạo phong trào sâu rộng và lan tỏa.
Thời gian tới, HLV Việt Nam có đề xuất, kiến nghị gì để nhân rộng mô hình vườn mẫu, thưa Chủ tịch?
Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên đề xuất và vận động phong trào làm vườn mẫu XDNTM, trong quá trình triển khai, HLV Việt Nam đã cùng với địa phương đánh giá, khảo sát và nhận thấy, vườn mẫu sản xuất VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ đã hoàn thiện thêm nội dung chương trình XDNTM, tạo ra khuôn viên hộ xanh, sạch, đẹp, giải quyết thành công vấn đề thu gom rác thải, ủ phân hữu cơ đúng quy trình, xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Năng lực vườn mẫu chủ yếu từ hộ nông dân, Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua chương trình khuyến nông, tập huấn và một phần hỗ trợ nhỏ cho các hộ làm đầu tiên (20 triệu đồng/vườn/hộ).
Trên cơ sở thành công của HLV&TT Hà Tĩnh, Trung ương Hội sẽ vận động, khuyến khích các đơn vị Hội xây dựng các mô hình vườn mẫu, đóng góp thiết thực cho quá trình XDNTM.
Chúng tôi kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng dự án phát triển vườn mẫu sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở một số tỉnh trung du, miền núi, tạo điều kiện cho các tỉnh này có hình mẫu NTM ở quy mô hộ để nhận diện. Đề nghị Bộ, Ban điều phối XDNTM xem xét đưa xây dựng vườn mẫu NTM vào chương trình và tạo điều kiện cho HLV các tỉnh tham gia xây dựng một số mô hình vườn mẫu phù hợp với từng vùng sinh thái, trên cơ sở đó nhân ra diện rộng.
Xin chân thành cảm ơn Chủ tịch!
5 tiêu chí vườn mẫu: 1. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch khuôn viên hộ. 2. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa phương. 3. Sản phẩm vườn phải đảm bảo an toàn thực phẩm. 4. Môi trường cảnh quan khuôn viên đẹp và không bị ô nhiễm. 5. Thu nhập từ VAC phải cao hơn. |
THeo Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;