Có thể nói, 2016 là năm nhiều thách thức với Hà Tĩnh. Đầu năm thời tiết rét đậm rét hại, nhiều dự án công nghiệp trọng điểm đột ngột dừng, giãn sản xuất, rồi sự cố môi trường biển và cuối cùng “lũ chồng lũ” trên diện rộng. Nếu nói Hà Tĩnh kiệt sức trong năm 2016 thì có lẽ cũng không phải quá lời. “Hàng loạt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao không thể hoàn thành, tuy nhiên việc UBND tỉnh mổ xẻ chi tiết từng chỉ tiêu, công khai, minh bạch các đầu mục công việc đã giúp người dân hiểu và thông cảm với Đảng bộ, chính quyền. Nếu không nhận được sự đồng thuận và sự chủ động của người dân, thật khó nói chuyện phát triển, tăng trưởng. Đất nước đang thay đổi, có lẽ Hà Tĩnh cũng cần một sự thay đổi, bắt đầu từ chính nội tại…”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đặt vấn đề.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh thị sát Dự án Đường ven biển Thạch Khê, Vũng Áng |
Nếu ai đó có dịp đồng hành với chính quyền Hà Tĩnh, cảm giác rất rõ ràng là không lãnh đạo nào thấy “nhẹ” người sau báo cáo tổng kết năm. Hết năm không phải là cái thở phào, mà toàn hệ thống chính trị xác định tiếp tục tập trung ngay từ thời khắc đầu tiên của 2017. Khá lâu rồi, cán bộ Văn phòng UBND tỉnh không thấy Chủ tịch và các Phó Chủ tịch tỉnh nghỉ cuối tuần. Ngay cả việc triệu tập họp thường xuyên vào thứ 7, Chủ tịch Đặng Quốc Khánh cũng hiểu là chưa đúng, nhưng trên dưới vẫn động viên lăn xả vào công việc. Hà Tĩnh cần một cuộc cách mạng toàn diện, thay đổi căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức trong chất lượng và kỷ luật công vụ. Và lúc đó, người đứng đầu phải hết sức gương mẫu, thậm chí nghiêm khắc bắt đầu từ chính mình!
“Cuộc sống hàng ngày của nhân dân đang bớt dần khó khăn, nhưng vẫn còn đó nguy cơ phá hoại của các thế lực thù địch và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hơn. Hệ thống chính trị Hà Tĩnh thống nhất một quan điểm: Tỉnh, huyện, thị xã có thể dừng xây trụ sở đẹp, nhưng cầu, đường cho dân đi, sinh kế cho dân biển phục hồi sản xuất thì phải dồn nguồn lực làm ngay”, - ông Khánh chia sẻ. “Thông qua nhiều kênh, từ tiếp xúc cử tri, tiếp dân hay tùy từng sự vụ cụ thể, tôi chủ trương mình phải đối thoại trực tiếp với dân, thậm chí với các bộ công chức của t ngành, lĩnh vực. Rất nhiều buổi tiếp xúc đó đã cho kết quả tốt!”.
Có một chi tiết khá… lạ trong thời buổi kinh tế thị trường đang được triển khai nghiêm túc ở đây. Đó là Hà Tĩnh quán triệt tới từng tổ chức Đảng, thậm chí đề nghị HĐND các cấp giám sát chặt chẽ lệnh “ngầm” hạn chế tối đa tiệc tùng, ăn mừng, báo công… trên toàn tỉnh. Trừ những việc quốc gia đại sự có liên quan tới Trung ương mới được tiếp khách với nghi lễ đơn giản, còn lại dừng hết. Tại kỳ họp cuối năm, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết về việc xây dựng nếp sống văn minh, đám hiếu đám hỷ văn hóa mới, đồng thời động viên đội ngũ đảng viên, công chức nhà nước phải đi đầu. Sau đợt hạn hán nghiêm trọng cuối 2015, 2016, Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau cũng từng có một “lệnh” ngầm tương tự, cấm tiệt liên hoan xuống từng cấp, từng ngành. Có nhiều cách để hiểu, nhưng lãnh đạo địa phương có lý khi chủ trương nghiêm khắc từ những việc nhỏ như vậy.
Phải đi vào thực chất
Xung quanh câu chuyện chất lượng điều hành, khi đi thực tế 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhắn nhủ: Lãnh đạo địa phương phải có khát vọng, phải có quyết tâm, có mục tiêu rõ ràng để chỉ đạo, điều hành công việc hàng ngày. Đó mới là thể hiện tinh thần của một chính quyền hành động, kiến tạo, do dân và vì dân. Từ những chia sẻ rất thực tế của Thủ tướng, hàng loạt những quyết định chưa từng có, giờ bắt đầu… có ở Hà Tĩnh.
Theo Chủ tịch Đặng Quốc Khánh, cán bộ là gốc rễ của mọi việc. Nâng cao chất lượng công vụ phải bắt đầu từ chất lượng cán bộ thực thi. Ông cho biết, kỳ thi THPT năm nay, UBND tỉnh nhờ Trường Đại học Huế làm thật chặt. Tỷ lệ tốt nghiệp có thể không chót vót như những năm trước, nhưng đó là thực chất của học sinh - những thế hệ sẽ xây dựng quê hương nay mai. Hà Tĩnh cũng “nổi tiếng” khi trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước cho dừng thí điểm mô hình giáo dục VNEN, vốn không phù hợp với cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên.
“Đối với kỳ thi tuyển công chức, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng. Tỉnh ứng dụng CNTT tối đa nhằm giảm thiểu tiêu cực, với phương châm ai cũng có thể đứng trong hàng ngũ cán bộ tỉnh chứ không ưu ái “con ông cháu cha” ai cả. Lãnh đạo tỉnh nhận thức rằng, chính những công chức có đủ chuyên môn, nghiệp vụ được tuyển vào bộ máy chính quyền ngày nay mới là hạt nhân của cuộc cách mạng chất lượng công vụ, kỷ cương công vụ theo hướng phục vụ, kiến tạo ngày mai”. Hà Tĩnh đang đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư trong thời gian tới. Nếu lời hứa cải thiện chất lượng cán bộ không thành, thì nhà đầu tư thật khó nói chuyện gắn bó hay kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cập bến địa phương có rất nhiều tiềm năng này.
Huy động mọi nguồn lực xã hội cho 2017
Về năm 2017, Chủ tịch Đặng Quốc Khánh cũng không ngại công khai những mục tiêu khá… lạ với chính Hà Tĩnh trước đây. UBND tỉnh xác định tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tối đa để… dồn nguồn lực cho người dân bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường và… trả nợ. “2017 và 2018, chắc chắn chúng tôi chỉ trả nợ, trả nợ và trả nợ”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã tuyên bố như vậy khi phát biểu tiếp thu, giải trình phiên chất vấn tại Kỳ họp HĐND cuối năm. Nợ công được chỉ điểm là nguyên nhân kìm kẹp sự phát triển của xã hội. Vì vậy, thà tạm quên đầu tư công trong 1 - 2 năm và dùng chính nguồn tiền đó thanh toán những nợ đọng, còn hơn tiếp tục “giật gấu vá vai” và đẩy các khoản nợ vượt quá năng lực địa phương. Chính cái sự “quên” này sẽ kích thích lãnh đạo tỉnh phải chủ động và tích cực hơn trong việc tìm kiếm thêm những nguồn lực bên ngoài ngân sách. Trong 35 nghìn tỷ đồng dự kiến đầu tư phát triển toàn xã hội 2017, ngân sách nhà nước chỉ là 7.500 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho 2 dự án dân sinh lớn là cầu Trung Lưu ở Hương Sơn và cầu Phương Mỹ ở Hương Khê. Số còn lại đều là huy động từ bên ngoài, đặc biệt là khu vực FDI.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn cam kết sẽ “vào” Hà Tĩnh vì nhận thấy bầu nhiệt huyết của lãnh đạo địa phương. Đặc biệt là Vingroup. Giữa tâm “bão” sự cố môi trường biển, tháng 6.2016 doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng - một người con Hà Tĩnh đã cho khởi công khu resort 5 sao tại Cửa Sót (huyện Lộc Hà). Đặc biệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng có tổng chiều dài 64,9km, song song với QL1A hoàn thành sẽ tạo nên “con đường tơ lụa” nối liền các khu kinh tế dọc theo bờ biển của tỉnh. Trong tương lai, sẽ trở thành tuyến đường quốc lộ ven biển, giải quyết đi lại, giao lưu phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Đó chính là niềm tin vào sự sớm “trở lại” của Hà Tĩnh nay mai.
Theo Lê Tùng/daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;